Quyết định đặc cách 70 học sinh giỏi tiếng Anh lớp 12 bằng điểm thi IELTS do ông Nguyễn Quốc Anh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh - ký. Có 6 học sinh đoạt giải nhất với điểm IELTS 8.0; 20 em giải nhì đạt điểm 7.5; 44 em giải ba đạt điểm 6.5-7.0.
Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết đây không phải năm đầu tiên sở xét đặc cách học sinh giỏi môn tiếng Anh bằng chứng chỉ IELTS. Ông cũng nói đây là suy nghĩ, cách làm đột phá của ngành giáo dục tỉnh. Hiện, Bộ GD&ĐT không có quy định về việc đặc cách này.
"Quy định đặc cách học sinh giỏi tiếng Anh được sở ban hành vào năm 2018, áp dụng cho học sinh lớp 9 và 12. Sắp tới, chúng tôi xem xét áp dụng cho những khối lớp có tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh", ông Quốc Anh thông tin.
Việc học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế đang được khuyến khích tại Hà Tĩnh. Ảnh minh họa: ISE. |
Sở dĩ căn cứ điểm thi IELTS để đặc cách vì đây là chứng chỉ tiếng Anh được công nhận trên toàn thế giới, phổ biến khi học sinh du học hoặc hội nhập quốc tế. Hơn nữa, chứng chỉ IELTS đánh giá 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Qua mỗi năm, mức điểm "chuẩn" để đặc cách cho các giải nhất, nhì, ba cũng sẽ thay đổi theo hướng cao hơn. Ông Quốc Anh cho rằng mức điểm như thế nào còn phụ thuộc mặt bằng chung của từng địa phương. 6.5 điểm IELTS ở Hà Tĩnh là tốt nhưng có thể là bình thường đối với học sinh ở Hà Nội, TP.HCM.
Phó giám đốc sở cũng thông tin thêm việc đặc cách không chỉ áp dụng với học sinh mà những giáo viên đạt điểm IELTS cao, tùy từng cấp học, sở cũng có mức khen thưởng lên tới 15 triệu đồng.
Đây là những quy định nhằm động viên, khuyến khích việc dạy và học tiếng Anh với đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trên địa bàn tỉnh.
"Bằng những chính sách như thế này, chúng tôi khuyến khích việc học tiếng Anh một cách toàn diện chứ không đơn thuần chỉ là ngữ pháp, từ vựng để đối phó những kỳ thi. Nghe, nói là những kỹ năng còn yếu của học sinh nông thôn khi học tiếng Anh", vị phó giám đốc sở giải thích.
Theo ông, sau 3 năm ban hành quy định đặc cách và khen thưởng đối với học sinh, giáo viên có điểm thi IELTS tốt, phong trào dạy, học tiếng Anh trên địa bàn đã có dấu hiệu khởi sắc. Ở các trường, câu lạc bộ, đội nhóm học tiếng Anh phát triển rất nhiều. Học sinh, giáo viên, phụ huynh cũng ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ. Tuy nhiên, 3 năm là khoảng thời gian ngắn, chưa thể đánh giá được nhiều hoặc có thành quả vượt bậc.