Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao 'giang hồ mạng' vẫn tung hoành?

Theo chuyên gia, việc kiểm duyệt của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phụ thuộc nhiều vào báo cáo của người dùng trong khi cơ chế kiểm soát nội dung trên mạng xã hội còn hạn chế.

Một tuần trước, "giang hồ mạng" Phú Lê cùng vợ bị Công an TP Hà Nội bắt giữ để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích, liên quan đến vụ hành hung 2 phụ nữ ở huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Phú Lê cũng như Khá "Bảnh", Huấn "Hoa Hồng", Dương Minh Tuyền... đều nổi lên sau những video trên Facebook, YouTube. Người khoe cách sống, kẻ phô trương lối hành xử côn đồ, chửi bới, cổ xúy bạo lực, đòi nợ thuê, giành địa bàn...

"Giang hồ mạng" từ đâu?

Chuyên gia Lê Ngọc Sơn (Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia truyền thông và xử lý khủng hoảng từ CHLB Đức) cho rằng giang hồ mạng vốn tồn tại trong một xã hội song song giữa chính tắc (dựa vào các tiêu chuẩn luật pháp) và phi chính tắc (hành xử dựa trên các quy ước, ít dựa vào luật pháp).

Trước khi có mạng xã hội, giới phi chính tắc đã tồn tại. Khi mạng xã hội phát triển, các cá nhân trong giới này bùng lên mạnh mẽ.

Một số người dùng mạng xã hội thích thể hiện mình, tự vẽ lên một số đặc điểm tính cách như sống vì bạn bè, vẽ những chân dung thu hút bạn trẻ hay những thành phần muốn có lối sống như thế. Với những tính cách này, giới trẻ vốn chỉ thường thấy qua các tiểu thuyết, phim ảnh.

giang ho mang anh 1

Khá "Bảnh" được giới trẻ biết đến vì những clip hành xử giang hồ, đốt xe... Anh ta lĩnh 10 năm 6 tháng tù về tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc. Ảnh: Việt Linh.

Ông Sơn cho rằng chính mạng xã hội trao công cụ để các giang hồ mạng hấp dẫn hóa đời sống của giới phi chính tắc. Tất cả điều này dẫn tới hiện tượng gần đây mạng xã hội xuất hiện rầm rộ chuyện giang hồ lên sóng.

Song song với lý do này, chuyên gia truyền thông và xử lý khủng hoảng nhận định việc giang hồ mạng xuất hiện nhiều, ẩn sau đó còn có động cơ về kinh tế thúc đẩy. Khi kênh YouTube có nhiều người theo dõi, nhiều người xem thì chủ của những kênh này được trả tiền, do đó các "đàn anh, đàn chị" càng thích thể hiện.

"Họ ảo đến mức nhầm lẫn lối sống, xây dựng quá nhiều ảo vọng trên mạng và bước qua nhiều lằn ranh ở thực tế, đôi khi vi phạm pháp luật. Hậu quả là một số gương mặt cộm cán đã bị bắt", chuyên gia Lê Ngọc Sơn nói.

Tiến sĩ Lê Nguyên Thanh (Trưởng bộ môn Tội phạm học, Đại học Luật TP.HCM) cho rằng khi không gian mạng mở ra và phát triển cũng sẽ xuất hiện những hành vi gây rối, thậm chí vi phạm pháp luật hành chính, hình sự.

Đó là những hành vi như chửi bới, khoe vàng, kích động, cổ xúy bạo lực, chửi thề, hủy hoại tài sản... Hành vi này thuộc kiểu lệch chuẩn xã hội nhằm phô trương, kích động, lôi kéo giới trẻ, trục lợi qua việc kinh doanh trái phép (mua bán hàng cấm, làm các dịch vụ phi pháp khác như bảo kê, đòi nợ, quảng cáo cờ bạc...) hoặc thu lợi từ lượng theo dõi các tài khoản, kênh YouTube, clip phản cảm.

Cùng quan điểm, luật sư Phan Huy Thái Nguyên (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích "giang hồ mạng" gắn liền với việc sử dụng các công cụ trên Internet, đặc biệt là mạng xã hội để phô trương thanh thế, truyền bá cách hành xử côn đồ, thậm chí có cả việc ghi lại những hành vi vi phạm pháp luật và phát trực tiếp hoặc đăng lên mạng xã hội để lôi kéo người xem. Nhiều trường hợp là côn đồ, nhưng cũng có người chỉ muốn sử dụng chiêu trò để kiếm tiền.

Vì thế, những video bạo lực của "giang hồ mạng" vẫn xuất hiện trên YouTube, Facebook... khi việc kiểm duyệt của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội chưa thực sự hiệu quả, và cơ chế kiểm soát nội dụng trên mạng xã hội của cơ quan quản lý còn hạn chế.

Tác động xấu đến giới trẻ

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, đưa ra 4 nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ hâm mộ những giang hồ mạng xã hội.

Thứ nhất, giới trẻ thường quan tâm đến điều mới lạ. Thứ hai, nhiều bạn trẻ còn hạn chế về khả năng nhận biết, phân biệt tốt - xấu, đúng - sai. Thứ ba, sự tranh cãi về các chế phẩm kéo theo sự tò mò của cộng đồng mạng, kích thích việc truy cập, theo dõi. Thứ tư, giới trẻ thiếu định hướng, giáo dục về kỹ năng sống nên định hướng về thẩm mỹ, giá trị bị lệch lạc.

giang ho mang anh 2
Trần Ngọc Phúc (Phúc XO) nổi tiếng mạng xã hội với việc khoe hình ảnh đeo nhiều vàng. Tại phiên tòa giữa tháng 6, Phúc bị tuyên phạt 12 năm tù về tội Chứa chấp sử dụng trái phép ma túy. Ảnh: Chí Hùng.


Theo TS Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý giáo dục, những clip khoe hình xăm trổ, đòi nợ thuê, hù dọa thanh trừng lẫn nhau, chửi thề... của các giang hồ mạng có thể kích động trẻ em làm việc xấu.

"Đây thật sự là hiện tượng đáng báo động khi độ tuổi tội phạm ngày càng trẻ hóa, nhiều trẻ em không biết hoặc không muốn chấp nhận những chuẩn mực đạo đức, bị hấp dẫn với những hành vi vi phạm pháp luật", TS Thu Hương nêu quan điểm.

Bà cho rằng các “giang hồ mạng" có ảnh hưởng trong trường hợp đứa trẻ xem những người như Khá "Bảnh" là thần tượng, người truyền cảm hứng. Hiện tượng này có thể so sánh với trò chơi Cá Voi Xanh, rất nguy hiểm cho giới trẻ.

Không chỉ có bạo lực, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ được cổ vũ, từ đó sẽ khiến các vụ án nghiêm trọng tăng về cả mức độ lẫn số lượng.

TS Lê Nguyên Thanh cũng nhận định những hành vi được truyền tải qua các clip này tác động xấu đến xu hướng, tình cảm, xúc cảm của số lượng không nhỏ thanh thiếu niên vốn dễ bị kích động, bắt chước.

"Hậu quả lớn trước mắt là ảnh hưởng xấu đến tâm lý, nhân cách thanh thiếu niên theo dõi hoạt động của các 'giang hồ mạng'. Mức độ ảnh hưởng, lây lan tâm lý rất nhanh do tốc độ phát tán hình ảnh qua mạng xã hội so với môi trường truyền thống bên ngoài. Vì thế cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời", TS Thanh nêu quan điểm.

Khởi tố Phú Lê cùng đàn em

Công an Hà Nội khởi tố bị can Phú Lê cùng Văn Thụy để làm rõ hành vi hành hung 2 phụ nữ lớn tuổi ở huyện Đan Phượng.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm