Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao giấy vệ sinh thành mặt hàng xa xỉ giữa dịch corona

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh - mặt hàng được nhiều người coi là vật dụng không thể thiếu hiện nay - đang diễn ra.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên BBC, phản ánh tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh tại nhiều quốc gia trong bối cảnh dịch corona lan rộng trên toàn cầu. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ tâm lý hoang mang, lo sợ trước loại virus nguy hiểm cũng như tâm lý đám đông khi thấy mọi người đều đổ xô tích trữ.

Khi số ca mắc virus corona có chiều hướng tăng lên mỗi ngày ở Australia, một trong những viễn cảnh khiến người dân nước này lo ngại nhất là thiếu giấy vệ sinh. Những cuộn giấy vệ sinh bỗng chốc trở thành mặt hàng “xa xỉ”, được lùng mua ráo riết trên cả nước.

Tại Sydney và nhiều thành phố khác, các kệ hàng giấy vệ sinh trong mọi siêu thị trở nên trống trơn. Hình ảnh thường thấy là người mua xếp hàng rồng rắn, đẩy các xe hàng chất đầy loại mặt hàng này.

chay hang giay ve sinh anh 1

Những cuộn giấy vệ sinh bỗng chốc trở thành mặt hàng "xa xỉ" tại nhiều quốc gia. Ảnh: Twitter.

Một chuỗi siêu thị lớn tại xứ sở chuột túi buộc phải ra quy định mỗi người chỉ được phép mua tối đa 4 bịch giấy để tránh trường hợp vơ vét.

Không mua được, nhiều người chuyển sang ăn cắp giấy trong các nhà vệ sinh công cộng. Trong vòng 48 giờ, số vụ trộm mặt hàng này tăng đột biến.

Mặc dù chính quyền địa phương cố gắng trấn an người dân không nên ồ ạt đi mua tích trữ và khẳng định không lo sợ thiếu nguồn cung vì giấy vệ sinh đều do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, tình trạng khan hiếm vẫn xảy ra.

Cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh

Tại Australia, sự hoảng loạn, đổ xô đi mua giấy vệ sinh bắt nguồn từ việc nước này ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì virus corona.

Trên mạng xã hội, hashtag #toiletpapercrisis (tạm dịch: Khủng hoảng giấy vệ sinh) trở thành từ khóa được quan tâm hàng đầu. Tại nhiều trang mạng, giá mặt hàng này bị độn lên gấp vài lần, ở mức hàng trăm USD. Một đài phát thanh ở Australia thậm chí còn dùng 3 bịch giấy vệ sinh làm phần quà cho người nghe đài.

Khung cảnh hỗn loạn, giành giật giấy vệ sinh giữa những người mua hàng khiến cảnh sát nước này buộc phải can thiệp. Tuần trước, một vụ ẩu đả, tranh cãi diễn ra khi mua giấy vệ sinh và một bên đã rút dao để đe dọa đối phương.

Trên thực tế, Australia là một trong những quốc gia đầu tiên có biện pháp cứng rắn trong việc khắc phục dịch bệnh. Ngày 1/2, chính phủ nước này đưa ra các biện pháp kiểm soát biên giới đối với du khách đến từ tâm dịch Trung Quốc.

Tuy nhiên, số ca mắc mới vẫn tiếp tục xuất hiện thêm. Tính đến ngày 4/3, Australia đã ghi nhận 42 trường hợp nhiễm Covid-19, phần lớn trong số họ di tản từ du thuyền Diamond Princess.

Các khuyến cáo từ chính phủ đưa ra khuyên người dân “nên chuẩn bị đầy đủ đồ ăn và thức uống trong vòng 2 tuần, cũng như các vật dụng sinh hoạt khác nếu cảm thấy cần thiết”. Tuy nhiên, khi nhu cầu mua giấy vệ sinh tăng cao, vượt qua cả nhu cầu thực phẩm, chính quyền buộc phải kêu gọi người dân ngưng hoảng loạn.

Brendan Murphy, người đứng đầu cơ quan y tế tại Australia, phát biểu trước Quốc hội: “Chúng tôi đang cố gắng trấn an mọi người rằng việc mua tất cả số giấy vệ sinh trong bách hóa không phải là phương án hợp lý vào thời điểm này”.

Các siêu thị như Coles và Woolworths thông báo còn rất nhiều giấy vệ sinh trong kho, trong khi hãng giấy vệ sinh Kleenex cho hay họ đang vận hành dây chuyền sản xuất suốt 24 giờ để đáp ứng nhu cầu.

Song bất chấp nhiều nỗ lực của chính quyền lẫn các doanh nghiệp, việc mua sắm điên cuồng giấy vệ sinh vẫn tiếp tục diễn ra.

Việc giấy vệ sinh cháy hàng ở hầu hết mọi cửa hàng trên toàn Australia gây nên sự hoang mang tại một số khu vực. Trên mạng, nhiều người dùng thể hiện sự bất bình lẫn lúng túng khi khó tìm ra giải pháp thay thế cho một mặt hàng vốn thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.

Một số người gọi đây là cuộc khủng hoảng “ngu ngốc nhất” từng xảy ra tại xứ sở chuột túi. Những người khác lên án tâm lý “đầu cơ tích trữ” khi giấy vệ sinh thực chất không phải vật dụng có khả năng giúp con người giảm nguy cơ nhiễm virus như khẩu trang hay nước rửa tay.

chay hang giay ve sinh anh 4

Số vụ ăn cắp giấy vệ sinh tại nhà vệ sinh công cộng cũng tăng chóng mặt kể từ khi dịch corona bùng phát. Ảnh: Sora News.

"Ai cũng mua, chẳng nhẽ tôi lại không?"

Câu chuyện giấy vệ sinh cháy hàng trong mùa dịch corona không chỉ diễn ra ở Australia. Tình trạng tương tự được lặp lại ở Singapore, Nhật Bản, Mỹ và Hong Kong, những nơi ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân dương tính với virus.

Cuối tháng 2, một nhóm cướp trang bị vũ khí đã tấn công người giao hàng bên ngoài một siêu thị ở Hong Kong để cướp 600 bịch giấy vệ sinh trị giá 220 USD. Tại Mỹ, loại hàng hóa này bị người dân thi nhau vơ vét sạch.

Các chuyên gia tiêu dùng cho rằng hành vi này ảnh hưởng bởi tâm lý bầy đàn và các tin tức trên phương tiện truyền thông. Hình ảnh những kệ hàng không sót lại một gói giấy nào càng khiến tâm lý người dân hoang mang, lo lắng hơn.

“Khi 50 bịch giấy vệ sinh cùng lúc biến mất khỏi kệ, bạn thực sự bị tác động thị giác bởi chúng vốn tốn rất nhiều chỗ. Nó gây ấn tượng vào trí óc hơn nhiều so với việc 50 lọ nước rửa tay bán hết”, Debra Grace, giáo sư tại Đại học Griffith (Australia), đánh giá.

chay hang giay ve sinh anh 5

Tâm lý bầy đàn khiến người dân vốn đã hoang mang, lại càng thêm lo lắng khi chứng kiến ai nấy đều "đầu cơ tích trữ" nhu yếu phẩm. Ảnh: BBC.

Theo phó giáo sư Nitika Garg từ Đại học New South Wales (Australia), hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out - tạm dịch: Hội chứng sợ bị bỏ lỡ) góp phần nhiều vào tình trạng này.

“Người dân giữ suy nghĩ nếu hàng xóm tôi mua giấy vệ sinh, ai ai cũng mua mặt hàng đó về tích trữ, chẳng có lý do gì mà tôi lại không làm theo vậy”, Garg cho hay.

Giáo sư Garg so sánh tình trạng chung xảy ra ở nhiều quốc gia châu Á. Ở Trung Quốc, người dân đổ xô đi mua giấy vệ sinh vì họ nghĩ rằng mặt hàng này “có thể thay thế cho giấy ăn, khăn ăn và làm khẩu trang tạm thời”.

Còn tại Australia, cháy hàng giấy vệ sinh có nguồn cơn từ sự sợ hãi khi dịch bệnh diễn biến khó lường.

Trước kia, người dân tại một số vùng dự trữ hàng hóa gia dụng, thực phẩm đề phòng cho các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng hay lốc xoáy.

"Nhưng khi nhắc đến Covid-19, không ai dám chắc mọi việc sẽ tồi tệ đến mức nào. Họ muốn tích trữ thật nhiều đồ bởi đó là cách duy nhất để cảm thấy vẫn làm chủ tình hình”, cô nói.

Mặt khác, Tiến sĩ Rohan Miller từ Đại học Sydney, tin rằng đó là sự phản ánh của một xã hội với lối sống đô thị hóa, nơi sự tiện nghi vốn luôn sẵn có.

"Chúng ta không quen với sự thiếu hụt và khan hiếm. Chúng ta đã quen với việc chọn mua bất kỳ thứ gì theo mong muốn. Việc vội vàng vơ vét giấy vệ sinh chỉ là để đề phòng”, ông cho biết.

"Tôi nghĩ mọi người muốn đảm bảo rằng họ vẫn có một số tiện nghi trong cuộc sống nếu chẳng may thành phố bị cách ly. Giấy vệ sinh không quan trọng bằng đồ ăn hay thức uống, nhưng nhiều người coi đó là món đồ cơ bản nhất cần có”, vị tiến sĩ phân tích.

Sinh viên Mỹ mới đến 5 ngày đã buộc phải rời khỏi Hàn

Trước sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Hàn, hàng loạt trường đại học tại Mỹ hủy bỏ các chương trình liên kết, yêu cầu sinh viên mau chóng về nước.

Trà My

Bạn có thể quan tâm