Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao giới trẻ than vãn về 'cột sống'

Không chỉ là bộ phận có chức năng nâng đỡ cơ thể, giúp con người đứng thẳng, “cột sống” nay được Gen Z gán cho một lớp nghĩa mới.

Vài tháng qua, "cột sống" gia nhập danh sách các từ khóa được giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, sử dụng phổ biến trên mạng xã hội.

Đây là cách nói lái từ "cuộc sống", thể hiện tình trạng mệt mỏi về thể chất của người trẻ hiện đại.

Cụm từ này lần đầu xuất hiện trên một bài đăng trong hội nhóm "Trại tâm thần đa ngôn ngữ 0.2". Tác giả đã chế lại tựa đề bài hát Cuộc sống em ổn không? của ca sĩ Anh Tú bằng cách thay từ "cuộc sống" thành "cột sống".

Nhờ tính chất hài hước, vần điệu, tấm ảnh chế này lập tức được dân mạng lan truyền.

Các bài đăng theo trend "Cột sống" cũng xuất hiện dày đặc, có thể lên tới 20.000 lượt like mỗi bài, ví dụ như "Mỗi người chỉ sống một lần, hãy trân trọng cột sống của mình", "Sài Gòn đau lưng quá",...

Dưới những bài viết có nội dung như trên, nhiều bạn trẻ tích cực tương tác, bày tỏ đồng cảm về các vấn đề sức khỏe như đau nhức cột sống, mỏi vai, đau khớp...

Cách nói lái này mặc dù "vô thưởng vô phạt", song lại phản ánh một thực trạng ở giới trẻ hiện đại: tình trạng sức khỏe suy giảm do lối sống ít vận động.

Dữ liệu từ Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho thấy Việt Nam là một trong 10 quốc gia có công dân lười vận động nhất thế giới.

Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế năm 2019 chỉ ra gần 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.

Thực tế, đa số người trẻ cho rằng guồng công việc, học tập bận rộn và "nghiện công nghệ" là một số nguyên nhân khiến sức khỏe thể chất của họ đi xuống.

Do đó, khi Gen Z than vãn "cột sống mệt mỏi quá", họ vừa muốn nói về nhịp sinh hoạt bận rộn, vừa than phiền về tình trạng sức khỏe của mình.

Sự trở lại của teencode

Cùng từ “không”, thế hệ Millennials viết là “h0k”, còn Gen Z lại biến tấu thành “khum”.

Trang Minh

Bạn có thể quan tâm