Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Vì sao giới trẻ Trung Quốc thích cầu hôn xa xỉ, phô trương

Nhiều người trẻ ở Trung Quốc cho rằng buổi cầu hôn hoành tráng, tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc sẽ là minh chứng rõ nhất cho tình yêu.

Những màn cầu hôn độc đáo, đắt đỏ là yêu cầu hàng đầu của nhiều người trẻ tại Trung Quốc. Ảnh: New York Post.

Đám cưới là một sự kiện trọng đại trong đời đối với nhiều người. Đặc biệt ở Trung Quốc, hôn nhân là vấn đề quan trọng, cần trải qua nhiều giai đoạn như tìm hiểu, yêu, ra mắt gia đình, đính hôn, đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới.

Gần đây, một phần quan trọng không kém trong những giai đoạn đó chính là màn cầu hôn lãng mạn. Theo Sixth Tone, ngày càng có nhiều thanh niên Trung Quốc mong muốn được cầu hôn một cách rầm rộ, tốn kém. Họ bắt đầu xem đây là một nghi lễ không thể thiếu trước khi quyết định tiến đến hôn nhân.

Trong một cuộc khảo sát với 2.500 thanh niên tại thành phố Quảng Châu, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra 3 yếu tố quan trọng nhất trong quá trình kết hôn của giới trẻ Trung Quốc bao gồm: Đăng ký kết hôn, cầu hôn, đám cưới.

Bên cạnh đó, cuộc phỏng vấn với 20 cặp vợ chồng ở Quảng Châu, đều dưới 35 tuổi, đã kết hôn vào năm 2021, cho thấy 19/20 cặp trong số họ đã có một màn cầu hôn xa hoa.

Văn hóa đại chúng ảnh hưởng

Tuy nhiên, cầu hôn không phải là một phần của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Trước đây, những đám cưới thường diễn ra theo lời sắp đặt của cha mẹ hoặc sự hỗ trợ đến từ các bà mối với nhiều bước như dạm ngõ, rước dâu, làm lễ với gia tiên, tiệc cưới. Đó mới là những gì diễn ra tại đất nước tỷ dân.

Nhưng theo thời gian, việc cầu hôn đã trở thành một điều thiết yếu đối với trí tưởng tượng của người trẻ về một đám cưới hoàn hảo.

Và văn hóa đại chúng chính là nguyên nhân khiến mọi thứ thay đổi.

Năm 2014, một chương trình thực tế có tên “Cầu hôn kiểu Trung Quốc" đã khiến giới trẻ nước này xôn xao. Tuy nhiên, chương trình lại bị chê trách vì các tình huống thiếu thực tế, dàn dựng kịch bản quá lộ liễu.

Mãi cho đến khi một bộ phim Hong Kong Love Off the Cuff, ra mắt năm 2017, đã thay đổi mọi chuyện. Trong phim, nhân vật nam chính vừa hát, vừa quỳ xuống cầu hôn bạn gái trong sự chứng kiến của gia đình, bạn bè đã trở thành khoảnh khắc bất cứ cô gái Trung Quốc nào cũng ao ước.

Bộ phim nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng với lượng người xem khổng lồ. Từ đây, “văn hóa cầu hôn" được đón nhận và trở nên gần gũi.

Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của các ngôi sao hạng A, blogger nổi tiếng trên mạng xã hội... đã làm người trẻ đặt ra nhiều kỳ vọng vào một buổi lễ cầu hôn phải cầu kỳ, xa hoa hơn.

Tháng 10/2022, Trương Đại Dịch, người mẫu đình đám Trung Quốc, được bạn trai đại gia quỳ gối cầu hôn trong một khuôn viên tràn ngập hoa hồng tươi. Anh chàng xuất hiện bảnh trai trong một bộ vest, quỳ gối xuống, đưa về phía cô một chiếc nhẫn kim cương lớn. Xung quanh là sự hò reo từ đông đảo bạn bè, người thân và những lời chúc phúc.

Khung cảnh lãng mạn, xa hoa này dĩ nhiên trở thành mong ước một lần trong đời của nhiều người.

cau hon anh 1

Màn cầu hôn của chồng tương lai với Trương Đại Dịch gây sốt. Ảnh: Weibo.

Lý tưởng lãng mạn phi thực tế

Những kỳ vọng về một màn cầu hôn hoành tráng, độc đáo đã đánh vào lý tưởng lãng mạn của những người trẻ Trung Quốc về cuộc sống đô thị.

Xiaowang, 28 tuổi, kiến trúc sư, là một trong những người khởi xướng cho xu hướng này.

Vào ngày cầu hôn, Xiaowang và bạn gái đi ăn tại một nhà hàng sang trọng và cùng đi xem phim. Sau đó, anh ấy đề nghị cô cùng đến một quán bar trên sân thượng thuộc một trung tâm thương mại lớn bậc nhất Thượng Hải. Thời điểm đó, hoàng hôn đỏ rực đang buông xuống, ban nhạc bắt đầu chơi ca khúc A Magical Encounter 1987 của Li Yuchun.

Mọi thứ diễn ra đều rất lý tưởng cho một màn cầu hôn lãng mạn.

Xiaowang lấy ra chiếc nhẫn kim cương do anh tự thiết kế và quỳ xuống. Tất cả nhân viên quán bar bắt đầu vây quanh họ, cầm trên tay những tấm bảng khẩu hiệu được đặt riêng như "Lấy anh nhé", "Anh sẽ bảo vệ em", "Công chúa của anh"...

Video về buổi cầu hôn này sau đó được chính chủ đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc kèm theo một bảng giá chi tiết những gì anh đã chi trả cho một buổi lễ cầu hôn.

Tất nhiên, đó là con số không hề nhỏ, và không phải bất cứ đôi nào cũng có thể thực hiện đầy đủ các bước tương tự.

4/2022, một chàng trai tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, cũng đã bỏ ra 1 tỷ đồng bài trí hơn 50.000 hoa hồng tươi trên khu đất 1.000 m2 ở khu Bảo tàng Nghệ thuật Sơn Hạ để cầu hôn bạn gái. Những nhân viên trực tiếp tổ chức sự kiện cho biết riêng tiền thuê địa điểm đã tới hơn 200 triệu đồng. Có tất cả 20 nghệ nhân cùng cắm hoa và hơn 100 nhân viên được bố trí để sắp xếp tất cả.

Theo Sixth Tone nhận định, giới trẻ Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm văn hóa như mạng xã hội, quảng cáo và phim truyền hình. Do đó họ mặc định rằng giá tiền bỏ ra tương đương với giá trị nhận lại.

Những món quà vật chất như hoa tươi, bữa tối dưới ánh nến, nhẫn kim cương và những món quà xa xỉ khác được coi là biểu hiện của tình yêu mãnh liệt.

Nói cách khác, người trẻ Trung Quốc đang đánh giá yếu tố tình cảm và tầm quan trọng của hôn nhân phải được thể hiện qua một màn cầu hôn công phu và tốn kém.

cau hon anh 2

Người trẻ Trung Quốc đánh giá tình cảm dựa trên sự chuẩn bị, đầu tư cho lễ cầu hôn. Ảnh: Think China.

Thậm chí, trọng tâm của họ không còn xoay quanh câu hỏi “Em đồng ý lấy anh chứ". Thay vào đó, màn cầu hôn ấn tượng nhất là tất cả những gì họ cần để thể hiện với gia đình, bạn bè, thậm chí những người xa lạ trên mạng xã hội.

Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, những người trẻ còn đưa ra các đánh giá về sự chân thành và nỗ lực của người cầu hôn dựa trên sự chuẩn bị và các nghi thức trong buổi lễ mà người đó tổ chức.

Nhiều người đồng tình, lời cầu hôn nên được khởi xướng từ một người đàn ông để thể hiện sự cam kết và thiện chí của anh ấy với bạn đời. Sự chuẩn bị mà người đàn ông đưa vào buổi lễ sẽ thể hiện sự nhẫn nại, quan tâm, muốn dành thời gian cho người phụ nữ của đời mình.

Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã thấp, nay càng thấp hơn

Tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm vào năm 2021 sau khi ghi nhận số lượng đám cưới thấp nhất kể từ năm 1985.

Nhà có nhiều cột

Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Mỹ Mỹ

Bạn có thể quan tâm