Các chính sách mới của chính quyền Trung Quốc không đủ thuyết phục giới trẻ kết hôn và sinh con. Ảnh: Bridelope Productions. |
Giới trẻ Trung Quốc dường như không có hứng thú với chuyện kết hôn, Sixth Tone nhận định.
Chỉ 11,58 triệu người lần đầu kết hôn vào năm ngoái, giảm 0,71 triệu người so với năm 2020, theo tạp chí tài chính Yicai báo cáo hôm 1/12 dựa trên dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia.
Những số liệu này, hiện chưa có trên các website chính thức, làm gia tăng mối lo ngại về khả năng của quốc gia trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng dân số do tỷ lệ sinh thấp và tình trạng già hóa.
Các nhà nhân khẩu học cũng lo ngại rằng Trung Quốc không thể đảo ngược tỷ lệ sinh giảm. Năm 2021, tỷ lệ này cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1960. Một số tỉnh lần đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng dân số âm trong lịch sử hiện đại của đất nước.
Trung Quốc chuẩn bị đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số khi tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ ngày càng đi xuống. Ảnh: VCG. |
“Tình hình cũng dự đoán rằng tỷ lệ già hóa sẽ tiếp tục tăng do tỷ lệ kết hôn giảm”, Dong Yuzheng, trưởng khoa tại Học viện Phát triển Dân số Quảng Đông, nói với Yicai.
Tính đến năm 2021, những người trên 65 tuổi chiếm 14,7% tổng dân số Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức 7% mà Liên Hợp Quốc định nghĩa về một xã hội già hóa.
Năm sau, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều này càng nhấn mạnh tình trạng khó khăn về nhân khẩu học của Trung Quốc.
Đứng trước cuộc khủng hoảng sắp xảy ra, chính quyền các cấp của Trung Quốc đưa ra loạt chính sách khuyến khích người dân kết hôn và sinh con.
Các chính sách này nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng sinh đẻ và nuôi dạy con cái, bằng cách gia hạn thời gian nghỉ phép cho cha mẹ, giảm thuế và cung cấp nhiều lợi ích tài chính khác.
Cùng với đó, để cứu vãn các cuộc hôn nhân khỏi cảnh đổ vỡ, giới chức Trung Quốc đưa thêm chính sách “30 ngày hòa giải”. Theo đó, các cặp vợ chồng có ý định ly dị sẽ cần trải qua một tháng cân nhắc trước khi cơ quan chức năng xử lý hồ sơ. Các nhà chức trách khẳng định rằng chính sách này đang có tác dụng.
Con cái chưa kết hôn, nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc sốt sắng thay con tìm bạn đời ở những điểm mai mối. Ảnh: EPA-EFE. |
Mặt khác, trong những năm gần đây, một số chuyên gia đề xuất hạ thấp độ tuổi kết hôn tối thiểu, hiện là 22 tuổi đối với nam và 20 tuổi đối với nữ, nhằm phù hợp hơn với những thay đổi trong chính sách kế hoạch hóa gia đình.
Tuy nhiên, đáp lại nỗ lực của giới chức Trung Quốc thường là phản ứng thờ ơ, đặc biệt là nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi ở thành thị, những người muốn trì hoãn kết hôn do các vấn đề liên quan đến cam kết hoặc chi phí lập gia đình.
Năm 2020, độ tuổi trung bình của những người lần đầu kết hôn là 28,7 tuổi, tăng từ mốc 24,9 tuổi vào năm 2010, theo kết quả điều tra dân số quốc gia mới nhất.
“Ở giai đoạn này, tôi chỉ muốn tập trung vào sự nghiệp và phấn đấu đạt được tự do tài chính. Nếu ngay cả bản thân tôi còn chả tự chăm sóc được, làm thế nào tôi có thể quan tâm săn sóc người khác và gia đình?”, Li (24 tuổi) nói với Sixth Tone. Cô nói thêm rằng cô chưa cân nhắc chuyện cưới xin trong 5 năm tới.
Và thái độ miễn cưỡng đối với hôn nhân của người trẻ có thể sẽ tiếp tục trong năm nay. Dữ liệu chính thức cho thấy chỉ có 5,45 triệu cặp đôi kết hôn trong 3 quý đầu năm 2022, giảm 7,5% so với năm ngoái và là con số thấp nhất kể từ năm 2007.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.