Vừa qua, UBND TP.HCM đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ từ ngày 28/10 và phải đảm bảo một số điều kiện nhất định.
Riêng quận 7 và TP Thủ Đức được phép thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống bán, sử dụng đồ uống có cồn tại một số địa bàn do chủ tịch UBND quyết định dựa trên đánh giá yêu cầu phòng, chống dịch thực tiễn.
Nguy cơ từ việc di chuyển quá xa
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, khẳng định chủ trương thí điểm hoạt động bán, sử dụng đồ uống có cồn tại một số địa bàn của thành phố là phù hợp với tình hình mới.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này thừa nhận giải pháp thí điểm theo địa phương như hiện nay dẫn đến hiện tượng nhiều người dân có nhu cầu tập trung đông đúc ở 2 điểm đáp ứng điều kiện phục vụ rượu, bia là quận 7 và TP Thủ Đức.
Một quán bia trên đường song hành Xa Lộ Hà Nội (phường An Phú, TP Thủ Đức) đông đúc khách ngồi ăn uống, trò chuyện tối 28/10. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Khi lượng khách quá lớn, các quán nhậu, nhà hàng bán rượu, bia sẽ có tình trạng quá tải. Lúc này, việc đảm bảo không tụ tập, giữ khoảng cách sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, đây chưa phải một giải pháp tối ưu”, PGS Dũng đánh giá.
Ngoài ra, Trưởng khoa Y tế Công cộng cho biết dù TP.HCM đã chấp nhận để người dân đi lại trong quá trình sinh hoạt, việc chúng ta di chuyển một quãng đường quá dài để tới một địa điểm nhằm đáp ứng nhu cầu về ăn uống, giao lưu có phần đi ngược lại chủ trương phòng, chống dịch.
“Chủ trương của chúng ta khi sống chung an toàn với SARS-CoV-2 là hạn chế xáo trộn trong dân cư nhiều nhất có thể. Việc người dân đi lại từ vùng này tới vùng khác quá lớn cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới công tác phòng dịch”, ông nhận định.
Vị chuyên gia ví dụ một quận thuộc TP.HCM có số ca mắc lớn là Bình Tân, người dân tại địa phương này có tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 khá cao. Những người này khi có nhu cầu sẽ phải di chuyển một quãng đường dài đến quận 7 hoặc TP Thủ Đức gặp gỡ và được phục vụ đồ uống có cồn.
"Tình trạng này mang tới nguy cơ lây nhiễm cao cho toàn bộ cư dân ở 2 địa phương này, thậm chí nhiều quận, huyện khác trên địa bàn thành phố do mật độ giao lưu lớn tại quán rượu, bia với người dân ở các nơi đổ về", ông giải thích.
Mặc dù vậy, theo PGS Dũng, với tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao tại TP.HCM, nguy cơ từ việc tập trung đông đúc ở quán nhậu là có nhưng không quá lớn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nhìn nhận rằng giải pháp thí điểm hiện nay chưa thực sự tối ưu.
Không quá khác biệt về nguy cơ
PGS Đỗ Văn Dũng nhận định các quán nhậu, nhà hàng bán rượu, bia nói chung có nguy cơ cao hơn cơ sở kinh doanh ăn uống khác.
“Thứ nhất, khách hàng sử dụng đồ uống có cồn thường ngồi lại lâu hơn so với việc ăn các món thông thường hay uống cà phê. Thứ hai, trong không gian đó, tần suất giao lưu rất lớn, người dân thường nói chuyện to hơn, tiếp xúc nhiều. Từ đó, khả năng lây nhiễm virus tại đây cũng cao hơn”, ông Dũng chia sẻ.
Phía ngoài một quán ốc trên đường Trần Não chật cứng xe của thực khách. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tuy nhiên, vị chuyên gia này khẳng định đây không phải nguy cơ quá lớn. Bên cạnh lây nhiễm virus, nguy cơ về tai nạn giao thông khi người dân sử dụng đồ uống có cồn thậm chí đáng lo ngại hơn.
Ngoài ra, so với quán nhậu, các nhà hàng ăn, quán cà phê cũng mang đến nguy cơ tương tự khi tại đây vẫn có sự giao lưu giữa nhiều người. Tại các quán cà phê, những nhóm bạn bè cũng thường xuyên tập trung lại từ nhiều quận, huyện khác nhau, qua đó vẫn mang tới khả năng lây nhiễm.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố được cân nhắc khi đưa ra quyết định mở cửa các nhà hàng, quán ăn uống như hiện nay là tỷ lệ tiêm chủng của người dân tại TP.HCM khá cao.
Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM bày tỏ: “Thành phố nên cho các hàng quán này mở cửa hoạt động và phục vụ đồ uống có cồn tại chỗ nhưng phải đảm bảo hướng dẫn của Sở Y tế. Khi đó, với cấp độ dịch của thành phố hiện tại (cấp 2), các nhà hàng này chỉ được hoạt động 50% công suất cũng như sức chứa. Điều đó sẽ phù hợp hơn, tránh được tình trạng quá tải ở quận 7 và TP Thủ Đức”.