Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao hàng loạt giáo sư, phó giáo sư không có công bố ISI/Scopus?

Theo PGS Lê Hoàng Sơn, việc công bố các bài báo trên tạp chí khoa học uy tín của thế giới có ý nghĩa quan trọng để phục vụ cho việc đào tạo trong trường đại học.

PGS.TS Lê Hoàng Sơn - Trung tâm Tính toán Hiệu năng cao, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa được công nhận chức danh PGS trong năm 2017 và là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Hà Nội.

Trong khoảng 10 năm nghiên cứu, ông Sơn có 100 công bố khoa học, trong đó có 48 bài báo trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục SCI/SCIE - bảng xếp hạng về công bố khoa học uy tín nhất trên thế giới.

Trò chuyện với Zing.vn, PGS Lê Hoàng Sơn cho rằng với một số ngành việc có công bố quốc tế là bắt buộc dù ít hay nhiều, để phục vụ việc đào tạo trong trường đại học.

Cần chọn những tạp chí uy tín

- Việc công bố quốc tế có ý nghĩa như thế nào với các nhà khoa học, thưa ông?

- Riêng với ngành khoa học công nghệ, việc có công bố quốc tế là bắt buộc dù ít hay nhiều, để phục vụ việc đào tạo trong trường đại học, cũng như bổ sung tri thức vào giờ giảng trên lớp, có tài liệu viết giáo trình.

Ngoài ra, những sản phẩm công nghệ khi chuyển hóa thành bài báo sẽ đến gần hơn với thực tiễn.

Công bố quốc tế cũng góp phần nâng cao vị thế khoa học của đất nước, giúp trường đại học xếp hạng trong top của thế giới để thu hút sinh viên.

Các tạp chí trong nước và trên thế giới cũng gồm nhiều thể loại, vì thế rất cần thiết chọn những tạp chí uy tín được hội đồng, thế giới công nhận như các tạp chí trong danh mục ISI/Scopus.

cong bo quoc te anh 1
Ông Lê Hoàng Sơn (bên phải) là PGS trẻ tại Trung tâm Tính toán Hiệu năng cao, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội  Ảnh: NVCC.

- Việc gửi bài, tương tác với các tạp chí trên thế giới được thực hiện theo quy trình như thế nào?

- Mỗi nhà xuất bản sẽ có những quy định gửi bài riêng, tuy nhiên tựu trung là một bài báo khi được gửi lên tạp chí sẽ được tổng biên tập hay ban biên tập xem xét có phù hợp không? Bài viết không phù hợp với định hướng ưu tiên của tạp chí hoặc có nhiều lỗi sẽ bị loại ngay từ vòng đầu.

Thông thường, mỗi tạp chí có khoảng từ 2 đến 5 người phản biện, gồm các nhà khoa học uy tín trong chuyên ngành trên thế giới. Bài báo được cả 3 người đồng ý sẽ được đăng tải. Một trong 3 người từ chối sẽ bị loại. Nếu cả 3 nhất trí với phương án sửa chữa, tác giả sẽ viết lại theo góp ý của người phản biện. Quá trình trao đổi này được diễn ra liên tục cho đến khi hoàn thiện.

Ngoài ra, một số tạp chí có thể mời thêm những người phản biện khác. Tôi có những bài báo phải trải qua 5 vòng phản biện với 11 chuyên gia và mất một năm rưỡi để được nhận đăng.

Tuy nhiên, khi vượt qua khó khăn này, kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí rất đáng tự hào.

-Trở lại với câu chuyện về chức danh giáo sư, phó giáo sư Nhà nước. Các công bố quốc tế sẽ được tính điểm dự tuyển ra sao?

- Chức danh phó giáo sư, giáo sư Nhà nước không yêu cầu cần có bao nhiêu bài công bố quốc tế mà chỉ xét tổng điểm. Với chức danh phó giáo sư, giảng viên cần có tối thiểu 6 điểm, nghiên cứu viên tối thiểu 10 điểm, không có mức cụ thể cho số điểm đạt.

Các bài báo được tính số điểm tối đa như sau: Bài in trên danh mục SCI được tối đa 2 điểm; SCIE được tối đa 1,5 điểm; tạp chí trong nước uy tín được tối đa 1 điểm; tạp chí thường và hội thảo được tối đa 0,5 điểm.

cong bo quoc te anh 2
Giấy chứng nhận PGS Lê Hoàng Sơn đã tham gia đánh giá về mặt kỹ thuật cho các bài thuyết trình trong hội thảo quốc tế lần thứ nhất về công nghệ truyền thông và kỹ thuật dữ liệu do Aspire tổ chức. Ảnh: NVCC.

Công bố quốc tế phải có tính mới

- Là người thường xuyên có công bố quốc tế, theo ông, yếu tố để thành công là gì?

- Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy để công bố trên các tạp chí quốc tế phải bao gồm nhiều yếu tố. Trước tiên, đó là sự đam mê.

Thứ hai, nhà khoa học cần có phương pháp nghiên cứu đúng bao gồm đặt vấn đề đúng (vấn đề có tính thời sự và được nhiều người quan tâm), phương pháp nghiên cứu đúng, và tổ chức nghiên cứu đúng.

Những chữ “đúng” cộng dồn với một bản thảo được viết rõ ràng là điều kiện cần cho một nghiên cứu sẽ được công bố. Những nghiên cứu mang tính thời sự thường đến gần hơn với thế giới.

Thứ ba, sản phẩm cần có sự đóng góp, phản biện, góp ý của chuyên gia bao gồm giảng viên, các nhà khoa học khác hay còn gọi là phản biện “nội bộ”.

Ví dụ, trong ngành Toán - Tin, bài báo sau khi hoàn thành có thể upload lên một trang tiền ấn phẩm như ArXIV để cộng đồng đọc và cho ý kiến nhận xét, sửa chữa trước khi gửi đăng tạp chí.

Hoặc trong ngành khoa học máy tính, các bài first draft sẽ được gửi lên hội thảo chuyên ngành để lấy ý kiến phản biện và hoàn thiện gửi lên tạp chí tốt hơn. Làm như vậy, bài báo sẽ có chất lượng tốt hơn và tăng khả năng công bố quốc tế.

Yếu tố cuối cùng có một chút may mắn.

cong bo quoc te anh 3
Giáo trình do PGS Lê Hoàng Sơn làm chủ biên.

- Thống kê cho thấy có tới 34% giáo sư và 53% phó giáo sư năm 2017 không có bài báo ISI/Scopus trong đợt công bố chức danh vừa qua. Điều gì khiến nhiều nhà khoa học không có nhiều các bài báo trên tạp chí uy tín như vậy?

PGS Lê Hoàng Sơn là tác giả của hai cuốn giáo trình về lập trình ứng dụng mobile và lập trình ứng dụng WebGIS. Ông đã tham gia thực hiện hơn 20 đề tài nghiên cứu khoa học quốc tế, quốc gia, NAFOSTED, cấp ĐH Quốc gia Hà Nội và cấp trường.

PGS trẻ cũng thực hiện nhiều nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các công ty quốc tế tại Mỹ, Italy, Đức. Các đề tài này mang tính ứng dụng cao và được các công ty phát triển công nghệ sử dụng ở nước ngoài.

- Việc hạn chế công bố quốc tế một phần do văn hóa ngành chi phối.

Ví dụ, ngành Công nghệ thông tin, Toán học, Vật lý hay Hóa học có xu hướng công bố từ lâu, giảng viên hướng dẫn cũng luôn đặt mục tiêu công bố quốc tế cho học trò.

Những ngành này hòa nhập với thế giới hơn nên việc nghiên cứu dễ được chấp nhận hơn các ngành như Triết học, Xã hội học.

Việc lựa chọn tạp chí cũng phải phù hợp chất lượng bài báo. Bài tốt nên gửi vào top 5% tốt của tạp chí, bài có chất lượng vừa phải nên nộp vào top 10-60%. Bài kém hơn nên gửi vào top cuối.

Yêu cầu về Tiếng Anh cũng rất quan trọng. Nhiều bài báo tốt nhưng Tiếng Anh tồi thì sẽ bị loại.

Như vậy, để có công bố quốc tế, nhà khoa học phải có một sản phẩm tốt. Nó cần được đánh giá nội bộ, chọn tạp chí phù hợp và tương tác với ban biên tập tạp chí thành công.

Tôi cho rằng không có một bí quyết nào chung cho việc công bố quốc tế ở các ngành, cũng như không có con đường nào chung cho mọi người. Những kinh nghiệm của tôi chỉ là tham khảo trong việc tìm hướng đi tốt nhất cho chính bản thân mình.

Giáo sư trẻ nhất năm 2017 mới 36 tuổi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017.

ISI là viết tắt của Institute for Scientific Information (Viện Thông tin Khoa học). ISI đã xếp các tạp chí có uy tín của khoa học tự nhiên vào 2 danh sách: SCI (Scientific Citation Index) và SCIE (Scientific Citation Index Expanded - danh sách SCI mở rộng).

Thực tế, danh sách ISI không chỉ có các tạp chí bằng tiếng Anh mà còn có cả các tạp chí bằng các thứ tiếng khác, dù không nhiều. Tiêu chí đánh giá và thống kê của ISI đã được hầu hết tổ chức khoa học công nghệ (viện nghiên cứu, trường đại học) sử dụng làm nguồn tham khảo chính để đánh giá, xếp hạng năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ của một viện, một trường đại học hay một nước.

Scopus được xây dựng từ tháng 11/2004 và thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan). Đó là một cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học.

Scopus có chứa 57 triệu bản tóm tắt, gần 22.000 danh mục từ hơn 5.000 nhà xuất bản. Trong đó, hơn 30.000 là tạp chí đánh giá chuyên ngành trong khoa học, kỹ thuật, y tế, xã hội, nghệ thuật và nhân văn. Để được liệt kê vào danh sách Scopus, các tạp chí cũng được lựa chọn nghiêm ngặt.

Tiêu chuẩn công nhận giáo sư thấp hơn tiến sĩ

Tiêu chuẩn công nhận giáo sư ở nước ta hiện thấp và còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng những người không giảng dạy, không có bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus vẫn được phong.

Vì sao số lượng giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng 60%?

Theo GS Trần Văn Nhung, số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng do yếu tố khách quan, chất lượng vẫn được đảm bảo.


Quyên Quyên thực hiện

Bạn có thể quan tâm