"Không được phép vào nếu bạn có hình xăm lớn hơn 15 cm".
"Hãy che kín hình xăm của bạn bằng quần áo khi vào phòng tập thể dục".
Những thông báo kiểu này thỉnh thoảng lại xuất hiện trước các phòng gym, bể bơi khách sạn, quán cà phê ở Hàn Quốc, theo Korea JoongAng Daily.
Trên mạng xã hội, nhiều người nhìn nhận việc cấm người có hình xăm đến một số địa điểm công cộng là vi phạm quyền tự do. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng chủ doanh nghiệp cũng có quyền đặt ra quy định như vậy nếu hình xăm gây bất tiện cho khách hàng khác.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Phúc lợi, 1/3 dân số trưởng thành của Hàn Quốc, tương đương khoảng 13 triệu người, có hình xăm, bao gồm cả mực bán vĩnh viễn vì mục đích thẩm mỹ, tính đến cuối năm 2022. Thị trường đang phát triển nhanh chóng với giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ won (1,6 tỷ USD).
Các con số chứng minh rằng hình xăm đang rất phổ biến tại xứ kim chi, đặc biệt là đối với giới trẻ. Thế nhưng vì rất nhiều lý do, xã hội Hàn Quốc nhìn chung vẫn không chấp nhận hoặc có sự kỳ thị nhất định đối với người xăm mình.
Hình xăm và tội phạm
Những tên tội phạm và nghi phạm chính trong các vụ án gần đây ở Hàn Quốc đều có hình xăm. Đây có thể là nguyên nhân đằng sau thái độ kỳ thị đối với xăm mình.
Hình ảnh tài xế Rolls-Royce 28 tuổi tông xe vào một phụ nữ khoảng 20 tuổi ở Apgujeong-dong, quận Gangnam, Seoul tràn lan trên mạng, cho thấy lái xe có hình xăm khắp tay và chân.
MZ jopoks, nhóm tội phạm ma túy và tấn công tình dục dưới 30 tuổi, thường khoe hình xăm thông qua các nền tảng mạng xã hội nhằm tuyển mộ thành viên. Jopok có nghĩa là xã hội đen trong tiếng Hàn và MZ thường chỉ những người dưới 30 tuổi.
Có khoảng 5.500 thành viên các băng nhóm xã hội đen ở Hàn Quốc tính đến cuối tháng 8. Những người ở độ tuổi 20 chiếm đa số với tỷ lệ 28,6%, theo dữ liệu từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc.
Phim ảnh Hàn Quốc thường khắc họa hình ảnh tội phạm với các hình xăm lớn che phủ hết cơ thể. Ảnh: The Roundup: No Way Out 3. |
Park Young-soo, người đứng đầu Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Comfort ở quận Gangnam, cho biết: "Hình xăm tương đối phổ biến trong giới trẻ vì chúng bắt kịp xu hướng trên mạng xã hội".
Park nói thêm thế hệ cũ, những người không quen với hình xăm, coi đó là điều khác thường. Ngoài ra, những tên tội phạm có hình xăm thường xuất hiện trong các bộ phim, chương trình truyền hình.
Sự kỳ thị đối với những vết mực lớn trên cơ thể còn bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa hơn.
Nho giáo phổ biến ở Hàn Quốc có xu hướng tạo ra nhận thức tiêu cực về hình xăm. Nho giáo dạy rằng con người nên giữ thân thể như lúc mới được sinh ra.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Korea Research với 1.000 người từ 18 tuổi trở lên, khoảng 66% người trưởng thành cho rằng xăm mình là "sai lầm". 60% cảm thấy "kinh tởm" với các hình xăm lớn.
Vấn đề pháp lý
Theo pháp luật của Hàn Quốc, xăm mình được coi là một hành nghề y tế nên chỉ những người có giấy phép mới được thực hiện.
Điều này có nghĩa là gần như 13 triệu người ở Hàn Quốc có hình xăm theo cách bất hợp pháp, theo nghệ sĩ xăm hình Doy, tên thật là Kim Do-yoon.
"Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới phủ nhận sự tồn tại của thợ xăm", Doy nói.
Nhưng ngay cả khi bác sĩ được cấp phép y tế để thực hiện hình xăm thì việc đó vẫn là bất hợp pháp vì các thiết bị liên quan không được chấp thuận ở Hàn Quốc.
Các thợ xăm như Doy không được pháp luật Hàn Quốc thừa nhận. Ảnh: tattooist_doy. |
"Về cơ bản, điều này có nghĩa là tất cả các hình xăm ở Hàn Quốc đều là bất hợp pháp", Doy nói.
Theo ước tính của Do, hiện có khoảng 250.000 thợ xăm ở Hàn Quốc. Doy là một nghệ sĩ xăm hình nổi tiếng. Các khách hàng của anh bao gồm diễn viên Brad Pitt, Lily Collins và ca sĩ Chris Martin của nhóm Coldplay.
Nhưng sau khi xăm hình cho một người nổi tiếng vào năm 2021, Doy đã bị xét xử và kết tội. Kể từ đó, anh liên tục kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn.
Doy cũng thành lập hiệp hội nghệ sĩ xăm mình đầu tiên của Hàn Quốc vào năm 2020 và đang nỗ lực hợp pháp hóa việc xăm mình cho những người không phải là bác sĩ.
"Quy định này hoàn toàn sai nhưng hàng chục năm nay vẫn chưa được giải quyết", Doy nói.
Anh cho biết thêm rằng các thợ xăm Hàn Quốc là những người được trả lương cao nhất thế giới. "Không quá lời khi nói rằng xu hướng xăm mình bắt nguồn từ Seoul. 14 trong số 40 thợ xăm tại Bang Bang Tattoo, một studio nổi tiếng ở New York, là người Hàn Quốc".
Tuy nhiên theo Doy, các quy định pháp lý đang kìm hãm sự phát triển của ngành nghề này.
Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố: "Xăm mình là một thủ thuật xâm lấn có thể gây ra sẹo lồi trên da và các bệnh truyền nhiễm khác. Ngoài ra, khi được thực hiện bằng thiết bị không hợp vệ sinh, nó có nguy cơ gây viêm gan B hoặc C, giang mai và hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải".
Thế nhưng, không phải tất cả bác sĩ đều phản đối việc hợp pháp hóa hình xăm. Cho Myung-shin, bác sĩ trưởng tại Phòng khám Thẩm mỹ và Xăm hình St. Vincent, lập luận rằng lệnh cấm của Hàn Quốc có thể gây thiệt hại cho công chúng.
"Theo quy định hiện hành, khách hàng không được bảo vệ khi có những sai sót, thiệt hại. Hàn Quốc có khoảng 1 triệu y tá và trợ lý y tá. Ít nhất chúng ta có thể cho phép họ thực hiện hình xăm", ông Cho nói.
Chia sẻ với Tri thức, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.