Trong 9 ngày, Việt Nam ghi nhận 177 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Năm người cao tuổi tử vong do mắc nhiều bệnh nền nguy hiểm và Covid-19. Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đưa ra những đánh giá về tình hình dịch.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định tình hình dịch của Việt Nam sẽ ổn định dần. Ảnh: Hoàng Giám. |
Tìm F0 ở Đà Nẵng không còn ý nghĩa
Ông Nguyễn Huy Nga cho hay Việt Nam đang trong đợt dịch mới với tình trạng phức tạp hơn vì xuất hiện nhiều người mắc tại bệnh viện. Bên cạnh đó, thời gian phát hiện những ca đầu tiên muộn nên không thể khống chế ngay. Khi càng nhiều người bị bệnh, tỷ lệ tử vong có thể tăng lên.
Với Đà Nẵng, PGS Nga cho rằng dịch bệnh đã có sự lây lan âm ỉ trong tháng 7, không phải chỉ diễn ra vào những ngày gần đây. Vì vậy, việc tìm F0 tại thành phố này chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, không còn nhiều ý nghĩa để chống dịch.
"Những người mang mầm bệnh có thể đã đi lại trong cộng đồng mà chúng ta không biết vì họ không có triệu chứng bệnh. Chúng ta không thể tầm soát hết 90 triệu dân để biết ai có mầm bệnh trong người. Việc quan trọng bây giờ là khi có ca bệnh, phải khống chế, bao vây và xét nghiệm những người liên quan", PGS Nga phân tích.
Việt Nam đang cố gắng bao vây, dập tắt các ổ dịch Covid-19. Bộ Y tế đã cử đội quân tinh nhuệ nhất trong các lĩnh vực dịch tễ, kiểm soát nhiễm khuẩn, điều trị đến Đà Nẵng. Vì vậy, ông cho rằng: "Chúng ta đang kiểm soát dịch quyết liệt, hy vọng khi phát hiện ra các ca lây từ F1 sang F2, sự rầm rộ không như ban đầu. Bởi lúc này, chúng ta đã cảnh giác hơn".
Theo chuyên gia này, chúng ta cần học cách sống chung với bệnh khi nó có thể còn kéo dài hàng năm. "Tôi tin tưởng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ khống chế dịch tại các địa phương và bao vây ở Đà Nẵng để Covid-19 không lan rộng", PGS Nga nhận định.
Đối với 3 trường hợp tử vong, ông cho rằng số lượng này thuộc giới hạn bình thường, không đột biến. Trên thế giới, tỷ lệ tử vong nói chung là 3-5%. Như vậy, trong 100 người mắc Covid-19, 3-5 ca tử vong. Điều đó phụ thuộc vào tình trạng người bệnh và khả năng cứu chữa của ngành y tế. Đối với người cao tuổi, có bệnh nền, tỷ lệ này là 13-15%.
Các địa phương đang thực hiện rà soát tất cả người từng đi tới Đà Nẵng. Ảnh: Việt Hùng. |
Bài học lớn từ sự mất cảnh giác
Theo PGS Nga, nhiều ngày không có ca bệnh trong cộng đồng khiến chúng ta có phần mất cảnh giác, thậm chí lơ là, chủ quan với dịch Covid-19.
"Tôi thấy nhiều người phản ứng thái quá với cán bộ an ninh, tiếp viên hàng không khi được yêu cầu sử dụng khẩu trang suốt chuyến bay. Ngay cả khi vào bệnh viện thăm người ốm, họ cũng không đeo khẩu trang. Điều đó cho thấy thái độ và tinh thần phòng dịch kém", PGS Nga nói.
Một số bệnh viện cũng chủ quan, chưa thực hiện tốt việc giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. "Nhân viên y tế phải đảm bảo an toàn cho mình và buộc mọi người tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giãn cách. Thực tế, những nhân viên công tác tại khoa lây nhiễm ít mắc bệnh hơn vì họ luôn đề phòng", nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng phân tích.
Ông cho rằng Đà Nẵng sẽ là bài học rất lớn, giúp các cơ sở y tế phải cảnh giác. Đồng thời, người dân phải coi đây là bệnh dịch thường trực. Khi người bệnh sốt, bác sĩ cần đề nghị làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19, bên cạnh sốt xuất huyết hay cảm cúm. Như vậy, chúng ta sẽ hạn chế việc để lọt ca bệnh ra ngoài và đi đến nhiều cơ sở y tế khác.