Nhiều gia đình từng gặp tình huống khó xử khi con từ chối chia sẻ đồ chơi với bạn bè. Khi đó, phần lớn cha mẹ sẽ yêu cầu con nhường, thậm chí ép con phải tặng món đồ chơi yêu thích của mình cho người khác.
Hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng mục tiêu của việc dạy con biết chia sẻ là để giúp các em hòa nhập với môi trường cộng đồng. Cha mẹ mong muốn con lớn lên trở thành những người hào phóng, biết giúp đỡ, chia sẻ với người khác.
Tuy nhiên, ép con phải chia sẻ những món đồ mình thích không phải cách giúp con nâng cao các kỹ năng xã hội. Ngược lại, điều này vô tình khiến trẻ tổn thương và có những hiểu biết sai lệch về các mối quan hệ, theo Aboluowang.
Ép buộc khiến trẻ tổn thương và hình thành những suy nghĩ sai lệch. Ảnh: Movement Matters. |
Ép buộc chia sẻ tạo ra những thông điệp sai lầm
Trong những năm đầu đời, trẻ đang học cách tự đáp ứng nhu cầu của chính mình. Các khái niệm chia sẻ, cho đi và nhận lại quá phức tạp để trẻ "cắt nghĩa". Vì thế, các em khó có thể đồng cảm và đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác.
Tiến sĩ Laura Markham, tác giả cuốn Peaceful Parent, Happy Kids: How to Stop Yelling and Start Connecting, nhận thấy việc ép buộc trẻ nhỏ phải chia sẻ khiến các em hình thành một số suy nghĩ, hành vi sai lệch. Ví dụ, trẻ sẽ khóc thật to để có được món đồ mình muốn và cha mẹ sẽ là người chịu toàn bộ trách nhiệm cho điều đó.
Ngoài ra, HuffPost nêu các lý do cha mẹ không nên ép trẻ phải nhường những món đồ của mình cho bạn bè. Trước khi đưa ra yêu cầu chia sẻ, người lớn cần nghĩ đến các yếu tố sau:
Thứ nhất, một số món đồ chơi quá đặc biệt để trẻ chia sẻ với người khác. Nếu đó là món quà được người thân tặng, hoặc là một món đồ gắn bó nhiều năm, trẻ sẽ không bằng lòng nhường bạn, thậm chí không muốn người khác chơi chung đồ của mình.
Nếu cha mẹ buộc con mình phải chia sẻ, trẻ cảm thấy không công bằng. Khi đó, các em sẽ có suy nghĩ cha mẹ không tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Thứ hai, sở hữu là quyền cơ bản của mỗi đứa trẻ. Chia sẻ là một điều tốt, nhưng chỉ đúng trong trường hợp trẻ bằng lòng cho đi. Khi người lớn dạy con bằng những lời ép buộc, các em sẽ lớn lên với suy nghĩ người lớn có quyền kiểm soát con cái. Chỉ cần nắm giữ sức mạnh, bất cứ ai cũng có thể chiếm đoạt thứ mình muốn.
Thứ ba, trẻ chưa có khái niệm về sự chia sẻ. Đặc biệt, trẻ dưới 3 tuổi chưa đủ năng lực để xử lý và hiểu tâm trạng của người khác.
Margaux Khoury, nhà sáng lập công ty The Best Deodorant In The World, cho rằng trẻ sẽ biết cách sẻ chia ở một thời điểm nào đó, theo cách tự nhiên nhất. Cha mẹ không nên ép trẻ phải rộng lượng với mọi người khi các em còn quá nhỏ để hiểu những khái niệm đó.
"Khi chúng ta tử tế, rộng lượng và biết yêu thương, con chúng ta cũng sẽ như vậy", nữ CEO khẳng định.
Thứ tư, trẻ chưa có khả năng giải quyết các vấn đề xã hội. Mặt trái của việc ép buộc khiến trẻ hình thành tâm lý phản kháng và có thể nảy sinh xung đột với những đứa trẻ khác. Ở độ tuổi này, các em chưa biết cách giải quyết vấn đề, những mâu thuẫn phát sinh có thể khiến trẻ và bạn bè tổn thương.
Cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rõ giá trị của việc chia sẻ. Ảnh: Pinterest. |
Làm thế nào để dạy trẻ học cách chia sẻ?
Để trẻ hiểu rõ giá trị của việc chia sẻ, cha mẹ cần đưa các bài học vào đời sống thực tế và trở thành tấm gương để các con noi theo. Những hành động nhỏ, tinh tế sẽ giúp trẻ thay đổi suy nghĩ về vấn đề này.
Cách tốt nhất để trẻ sẵn sàng nhường đồ chơi cho bạn là chơi theo thứ tự. Ví dụ, thay vì buộc con phải từ bỏ món đồ mình thích, cha mẹ có thể giúp các bé thay phiên chơi. Phương pháp này khuyến khích trẻ chơi với người khác một cách công bằng.
Ngoài ra, cha mẹ có thể dạy trẻ cách chia sẻ bằng cách bắt đầu từ những đồ chơi trẻ ít sử dụng. Với những món đồ không quá yêu thích, trẻ thường không có tâm lý chiếm hữu. Khi đó, việc chia sẻ sẽ dễ dàng hơn. Dần dần, trẻ sẽ hiểu giá trị của sự chia sẻ và chấp nhận điều đó.
Khi trẻ biết nhường đồ chơi cho các bạn, cha mẹ nên dành lời khen cho con. Thay vì chỉ trích, người lớn nên tập trung vào những phản ứng tốt để điều chỉnh hành vi của trẻ.
Khi hành động được ghi nhận, dù chỉ là những việc nhỏ, trẻ sẽ cảm thấy bản thân đạt được thành tựu mới. Những lời khen ngợi có tác dụng tạo tâm lý thoải mái và khuyến khích trẻ làm những điều tích cực.
Đối với những gia đình đông con, cha mẹ nên chọn các món đồ có thể chơi chung. Thay vì dán nhãn "đây là đồ chơi của anh chị", "đây là đồ chơi của em", người lớn hãy cho trẻ hiểu những món đồ trong nhà là của chung, không thuộc về một cá nhân nhất định. Cách làm này khuyến khích trẻ học cách hoạt động theo nhóm, nâng cao kỹ năng phối hợp, tương tác với người khác
Cha mẹ cũng không nên "nhúng tay" vào mọi hoạt động của con. Thay vào đó, hãy dạy trẻ tự xử lý bằng cách hướng dẫn bằng lời nói. Ví dụ, khi trẻ cho bạn chơi chung, hãy để các con tự đặt giới hạn thời gian cho mỗi lượt chơi.
Nếu được người lớn xử lý thay, trẻ sẽ mất khả năng học hỏi kinh nghiệm. Từ những hoạt động thực tế, các em sẽ biết cách tự lên tiếng và đối xử với người khác theo cách lịch sự nhất.
Đặc biệt, các gia đình cần dạy con không được đòi hỏi những thứ không thuộc về mình. Cha mẹ cần dạy con học cách đề nghị chơi chung và chờ đến lượt của mình. Qua đó, các em sẽ rèn được tính kiên nhẫn, lòng cảm thông và biết cách xử lý các tình huống phức tạp về mặt cảm xúc khi trưởng thành.