Theo Global Times của Trung Quốc, hai bác sĩ Yi Fan và Hu Weifeng được chẩn đoán mắc Covid-19 vào ngày 18/1 khi làm việc tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Cả hai bác sĩ đều trong tình trạng nặng, nguy kịch khi được đưa đến Bệnh viện Phổi Vũ Hán.
Làn da đổi màu sau khi mắc Covid-19
Các chuyên gia y tế Trung Quốc cho hay nguyên nhân thay đổi sắc tố da mặt của hai bác sĩ này có thể là chức năng gan bất thường. Trong khi đó, Yi Fan, bác sĩ tim mạch, cho rằng làn da của họ trở nên tối màu là do tác dụng phụ của loại thuốc họ được uống khi bắt đầu điều trị. Yi Fan phải sử dụng máy hỗ trợ sự sống ECMO (oxy hóa màng ngoài cơ thể) trong 39 ngày.
"Khi tôi có ý thức lần đầu tiên, đặc biệt là sau khi tôi biết về tình trạng của mình, tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi thường xuyên gặp ác mộng", Yi chia sẻ.
Bác sĩ Yi thú nhận rằng thử thách chiến đấu với căn bệnh chết người này, ở mức độ nhất định, đã làm anh đau đớn. Nhưng rất may, Yi đã dần vượt qua rào cản tâm lý sau khi được các bác sĩ động viên, tư vấn. Hiện bác sĩ Yi gần như hồi phục, có thể rời giường bệnh, tập đi lại và được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Nhật - Trung tại Vũ Hán.
Hai bác sĩ bị đổi màu da sau quá trình dài điều trị Covid-19. Ảnh: Sciencetimes. |
Trong khi đó, Hu Weifeng, bác sĩ chuyên ngành tiết niệu, đã nằm liệt giường suốt 99 ngày và vẫn còn rất yếu sau khi trải qua liệu pháp ECMO từ ngày 7/2 đến ngày 22/3. Bác sĩ Li Shusheng, người điều trị cho bác sĩ Hu, cho biết bệnh nhân đã có thể giao tiếp bình thường vào ngày 30/3.
Nhưng bác sĩ Li rất lo lắng về sức khỏe tâm thần của người bệnh. "Anh ấy nói không ngừng với tất cả bác sĩ đến kiểm tra sức khỏe cho mình", bác sĩ Li chia sẻ. Hiện Hu nằm trong phòng hồi sức tích cực tại cùng bệnh viện với bác sĩ Yi.
Một bác sĩ giấu tên làm việc tại phòng khám ở Bệnh viện Renmin, Đại học Vũ Hán, giải thích rằng sắt đi vào cơ thể được chuyển hóa và lưu trữ ở gan. Nhưng nếu gan của bệnh nhân bị tổn thương và không hoạt động, sắt sẽ chảy vào mạch máu, dẫn đến lượng sắt trong máu tăng lên. Sau đó, điều này có thể dễ dàng làm tăng sắc tố da mặt.
Theo Zhan Qinyuan, Trưởng khoa Phổi và Chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Hữu nghị Nhật - Trung, khó khăn trong việc điều trị Covid-19 nằm ở chỗ virus tấn công phổi, tim, đường tiêu hóa và thận, ức chế quá trình tan máu, làm tê liệt hệ thống miễn dịch.
Các bác sĩ điều trị cho biết màu da của hai bệnh nhân này có thể trở lại bình thường khi chức năng gan được cải thiện. Họ cũng đang được điều trị hỗ trợ tâm thần sau khi trải qua quá trình mắc bệnh khó khăn này.
Hai bác sĩ này đều là đồng nghiệp của bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra, đã qua đời vì mắc Covid-19 vào ngày 7/2.
Nguyên nhân?
Về hiện tượng này, bác sĩ Hoàng Văn Tâm, chuyên khoa Da liễu, Đại học Y Hà Nội, cho biết qua quan sát hình ảnh của hai bác sĩ này cho thấy toàn bộ mặt bị tăng sắc tố, tức đen hơn so với lúc điều trị. Ông nhận định có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tăng sắc tố do thuốc dùng trong quá trình điều trị và suy tuyến thượng thận mạn tính.
Đối với trường hợp tăng sắc tố do dùng thuốc, bác sĩ Tâm cho biết đây là một bệnh lý khá thường gặp trong chuyên ngành da liễu, chiếm 1/4 số bệnh nhân đến khám, do rất nhiều thuốc. Riêng với hai bệnh nhân này, có thể khu trú ở một số thuốc. Thứ nhất là thuốc chống virus. Trên y văn, một số thuốc chống HIV hoặc chống virus SARS có thể gây tăng sắc tố với biểu hiện tăng sắc tố lan tỏa mặt, bàn tay bàn chân và niêm mạc.
“Có thể những thuốc này tăng nhạy cảm với ánh sáng nên ở những vùng tiếp xúc với ánh sáng như vùng má, tai, tam giác cổ áo, mặt ngoài cánh tay sẽ tăng sắc tố trội hơn. Tuy nhiên, một trong những điều quan trọng là tình trạng tăng sắc tố do thuốc chống virus nói riêng và thuốc nói chung phải mất vài tuần, vài tháng mới xuất hiện. Do đó, hai bác sĩ này phải dùng thuốc trong thời gian dài mới gặp tình trạng này”, bác sĩ Tâm nói.
Loại thuốc thứ hai là Interferon. Bác sĩ Tâm cho biết đây là thuốc được đưa vào điều trị Covid-19 của Trung Quốc, có thể hai bác sĩ này đã được dùng thuốc này. Trước đây, đã có báo cáo loại thuốc này khi được dùng để điều trị cho bệnh nhân viêm gan C cũng gây tình trạng tăng sắc tố lan tỏa vùng mặt, tay, chân. Tuy nhiên, những biểu hiện này cũng xuất hiện khi dùng vài tuần đến vài tháng.
Các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường thuộc nhóm NSAID cũng có thể gây nên tình trạng tăng sắc tố song thuốc này thường gây gây hồng ban cố định nhiễm sắc, tức một vài tổn thương tắc sắc tố khu trú, trước khi xuất hiện thường đỏ da, bọng nước. Do đó, bác sĩ Tâm cho rằng khả năng hai bác sĩ dùng thuốc này cực thấp.
Ở giả thuyết thứ hai, bác sĩ Tâm cho rằng hai bác sĩ có màu da đổi màu là do mắc suy tuyến thượng thận. Bệnh lý này có hai thể là cấp tính và mạn tính. Ở suy tuyến thượng thận cấp tính, người bệnh không có biểu hiện da như vậy.
Một nghiên cứu năm 2003 cho thấy bệnh nhân SARS có triệu chứng hô hấp có biểu hiện suy tuyến thượng thận. Virus này sản sinh ra một protein có cấu trúc giống ACTH (hormone vỏ thượng thận). Lúc này, cơ thể sản sinh ra kháng thể để chống lại và chống cả ACTH của cơ thể. Điều đó làm cho nồng độ này giảm xuống dẫn tới tình trạng suy tuyến thượng thận. Các bác sĩ thường dùng corticoid để giảm triệu chứng. Chuyên gia cũng lo ngại khi ở nước ta, tình trạng sử dung corticoid đường toàn thân kéo dài và không được kiểm soát rất nhiều dẫn tới tỷ lệ suy tuyến thượng thận mạn tính rất cao.
“Đây là 2 nhóm nguyên nhân chính. Tuy nhiên, chỉ là giả thuyết. Tôi ủng hộ nguyên nhân do thuốc nhiều hơn, trong đó có thể hai bác sĩ được dùng thuốc chống virus hoặc Interferon hoặc phối hợp cả hai thuốc này. Tôi ít nghĩ tới suy tuyến thượng thận mạn tính bởi để có những triệu chứng này cần có thời gian dài. Để chính xác, chúng ta phải thăm khám những bộ phận và triệu chứng khác, khai thác tiền sử sử dụng thuốc và thực hiện các xét nghiệm cần thiết với hai bác sĩ này”, bác sĩ Tâm khẳng định.