Dù cơ thể luôn được vệ sinh sạch sẽ, việc bạn bị ngứa da thường xuyên có thể cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe. Ảnh minh họa: Healthgrades. |
Bị ngứa da toàn thân, kể cả ngay khi vừa tắm rửa sạch sẽ, không chỉ là dấu hiệu của các bệnh ngoài da mà còn có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trong cơ thể. Những lý do sau đây có thể giải thích da bạn thường xuyên bị ngứa.
Da khô
Theo GoodRx, da khô là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa. Nếu không nhìn thấy bất kỳ vết sưng đỏ tươi hoặc sự thay đổi đột ngột trên da, nguyên nhân gây ngứa gần như là da khô.
Các yếu tố môi trường có thể dẫn đến khô da bao gồm thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh với độ ẩm thấp. Rửa mặt quá nhiều cũng có thể gây khô da.
Bệnh da cơ địa
Theo Viện Da liễu Mỹ (AAD), có một số tình trạng da có thể dẫn đến ngứa da, phổ biến là bệnh vẩy nến và bệnh chàm. Bệnh vẩy nến là tình trạng gây ra các mảng da có vảy hoặc dày lên (gọi là mảng bám) có xu hướng ngứa.
Bệnh chàm (còn gọi là viêm da dị ứng) khiến da khô, ngứa, nhạy cảm với các vết sưng tấy và phát ban. Nếu mắc phải 2 căn bệnh này, bạn sẽ phải đến gặp bác sĩ da liễu để được điều trị.
Dị ứng
Khi da tiếp xúc với chất gây dị ứng, nó có thể chuyển sang màu đỏ và ngứa. Thủ phạm rất có thể là dị ứng với niken, nước hoa hoặc mủ cao su. Để hết ngứa đòi hỏi phải ngừng tiếp xúc với chất gây dị ứng. Bạn có thể cần gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng hoặc bác sĩ da liễu để xác định chất gây dị ứng.
Mất nước
Cơ thể không đủ chất lỏng sẽ dễ bị mất nước. Mất nước thường gây khô da, có thể dẫn đến ngứa. Da của một người bị mất nước có thể trông khô, xỉn màu hoặc trũng xuống. Các triệu chứng mất nước khác bao gồm đau đầu, mệt mỏi và chuột rút cơ, nước tiểu ít, có màu vàng đậm và mùi nặng hơn.
Côn trùng cắn
Theo Medical News Today, vết cắn của côn trùng thường khiến da sưng dẫn đến ngứa ngáy. Vết cắn của muỗi và nhện thường sẽ tạo ra vết sưng đỏ. Các vết cắn của rệp và ghẻ có thể được tập hợp lại trên các vùng da lớn hơn và có thể gây ngứa khắp cơ thể.
Các nốt do côn trùng đốt có thể gây sưng và ngứa khó chịu. Ảnh minh họa: Thehealthy. |
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là ngứa da. Theo AAD, aspirin, opioid và thuốc điều trị tăng huyết áp được biết là gây ngứa da. Nếu thuốc của bạn gây ngứa da khó chịu, hãy nói chuyện với bác sĩ nếu tác dụng phụ này gây phiền toái trước khi thay đổi hoặc ngừng thuốc.
Vấn đề về dây thần kinh
Khi dây thần kinh không hoạt động bình thường, nó có thể gây ngứa da. Nếu có tổn thương dọc theo dây thần kinh do bệnh tật hoặc chấn thương, bạn cũng có thể bị ngứa da. Cơn ngứa này có xu hướng xảy ra ở một nơi trên cơ thể và bạn không thấy phát ban.
Các bệnh có thể gây ra loại ngứa này bao gồm bệnh zona thần kinh, đột quỵ, bệnh đa xơ cứng. Rất lâu sau khi phát ban zona thần kinh biến mất, bạn có thể bị đau, tê, ngứa và ngứa ran có thể kéo dài hàng tháng - hoặc nhiều năm.
Mắc bệnh mạn tính
Đôi khi, ngứa da có thể là dấu hiệu cảnh báo của một căn bệnh tiềm ẩn (và không mong đợi). Đáng ngạc nhiên là da ngứa có thể báo hiệu một trong những tình trạng này, theo AAD:
- Một bệnh về máu, chẳng hạn ung thư hạch
- Bệnh cường giáp
- Bệnh thận
- Bệnh gan, chẳng hạn viêm gan C hoặc ứ mật
- Bệnh tuyến tụy
- HIV
- Bệnh tiểu đường
- Ung thư da
Vì ngứa da có thể là dấu hiệu của những căn bệnh mạn tính và nghiêm trọng này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu không thấy thuyên giảm khi áp dụng các thói quen dưỡng ẩm cơ bản cho da.
Học cách già đi
Trong cuốn sách Khoa học tâm thức, Carl Jung mổ xẻ một số lĩnh vực quan trọng và gây tranh cãi nhất trong tâm lý học phân tích: Phân tích giấc mơ, vô thức nguyên thủy và mối quan hệ giữa tâm lý học và tôn giáo. Ông cũng xem xét những khác biệt giữa lý thuyết của mình và của Freud, cung cấp kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của phân tâm học.