Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao máu hiến tình nguyện mà người bệnh vẫn phải trả tiền?

Theo Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, máu thu được chỉ là nguyên liệu đầu vào, phải trải qua nhiều công đoạn trước khi truyền cho người bệnh nên chi phí cao.

Xoay quanh việc thiếu máu diễn ra trong thời gian vừa qua, cùng đó là câu chuyện được nhiều người dân thắc mắc khi nguồn máu thì được hiến tình nguyện nhưng bệnh nhân vẫn phải trả tiền khi truyền máu, chúng tôi có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để làm sáng tỏ thêm điều này.

GS.TS.Nguyễn Anh Trí.

GS.TS.Nguyễn Anh Trí.

- Xin ông cho biết những nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc thiếu máu trong thời gian qua?

- Việc thiếu máu kéo dài từ khoảng giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 và trên phạm vi trên toàn quốc, trong đó trầm trọng tại một số cơ sở lớn, phải đảm bảo cung cấp máu cho nhiều bệnh viện (BV) như Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Lý do của tình trạng này là thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến người dân ngại tham gia hiến máu. Học sinh - sinh viên (đối tượng đóng góp 70% lượng máu tiếp nhận được ở nước ta) bước vào giai đoạn thi và nghỉ hè, từ đó nguồn người tham gia hiến máu bị giảm sút một cách nghiêm trọng.

- Vừa qua xảy ra hiện tượng thiếu máu trên phạm vi cả nước, tuy nhiên có thông tin nói rằng tại một số địa phương phía Nam như TP HCM không hề thiếu máu. Vậy ông lý giải thế nào về vấn đề này?

- Tình trạng thiếu máu xảy ra trên bình diện của cả nước nhưng khác nhau ở từng địa phương, từng vùng miền và nhất là ở từng BV, từng trung tâm truyền máu (TTTM) vì nhiều lý do như TTTM đó đã cung cấp máu cho bao nhiêu tỉnh thành, bao nhiêu BV.

Cụ thể, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận máu để cung cấp cho hơn 120 BV ở 16 tỉnh, thành thuộc khu vực miền Bắc, còn một số TTTM chỉ phải cung cấp cho một số tỉnh, thành.

Ngoài ra, lý do khách quan đó là tùy thuộc vào phong trào hiến máu nhân đạo ở từng nơi. Công bằng mà nói, các hoạt động thiện nguyện ở các tỉnh phía Nam, trong đó có hiến máu nhân đạo phát triển tốt hơn nhiều so với các địa phương khác trong cả nước. Tất cả những lý do đó tạo ra một bức tranh thiếu máu không đồng đều, không rõ ràng, không giống nhau giữa các BV, các trung tâm.

Hiến máu cứu người - một nghĩa cử cao đẹp.

Hiến máu cứu người - một nghĩa cử cao đẹp.

- Nhiều người dân thắc mắc rằng tại sao máu thì được hiến tình nguyện mà bệnh nhân vẫn phải trả tiền khi truyền máu, ông có thể làm rõ vấn đề này để người dân hiểu rõ hơn?

- Người hiến máu là tự nguyện nhưng để tiếp nhận một đơn vị máu cần phải có nhiều chi phí kèm theo, ví dụ: chi phí cho công tác tuyên truyền, xét nghiệm trước hiến máu, bồi dưỡng cho người hiến máu... Đơn vị máu thu được chỉ là nguyên liệu đầu vào cho cơ sở truyền máu, chưa thể sử dụng để truyền cho người bệnh ngay được mà còn phải trải qua rất nhiều công đoạn tiếp theo.

Sau khi tiếp nhận, những đơn vị máu sẽ được tiến hành xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu (gồm HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét), định nhóm máu hệ ABO, Rh. Những đơn vị máu an toàn sẽ được điều chế thành các chế phẩm máu khác nhau như: hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, tủa lạnh yếu tố VIII...

Bên cạnh đó, máu sẽ được bảo quản, lưu trữ ở điều kiện nhiệt độ, thời gian, độ rung lắc khác nhau... tùy loại chế phẩm. Ngoài ra còn phải kể đến chi phí cho việc vận chuyển, cấp phát máu tới các BV và các hóa chất, sinh phẩm để tiến hành các xét nghiệm hòa hợp trước truyền máu.

Tất cả các quy trình đó phải được đảm bảo thì máu mới được sử dụng truyền cho người bệnh. Theo ước tính, chi phí cho các công đoạn này không dưới 2 triệu đồng. Ở nước ta, Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí, bảo hiểm cũng hỗ trợ một phần chi phí cho những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế hoặc chi trả toàn bộ đối với bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Bên cạnh sự hỗ trợ đó, người bệnh chỉ phải chi trả một phần chi phí cho truyền máu.

http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/mau-hien-tinh-nguyen-nhung-nguoi-benh-van-phai-tra-tien-vi-sao-20150705211830524.htm

Theo Vương Tuấn/Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm