Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao mây đang biến mất trên bầu trời?

Mây đang thay đổi theo hướng khiến Trái Đất nóng lên nhanh hơn, nhưng giới khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác và mức độ ảnh hưởng dài hạn của hiện tượng này.

Mây đang thay đổi với các tầng cao, khó quan sát, giữ nhiệt nhiều hơn.

Các nhà khoa học đang ghi nhận sự thay đổi đáng kể trong hình thái và hành vi của mây – yếu tố vốn đóng vai trò then chốt trong việc điều hòa khí hậu Trái Đất. Những thay đổi này đang làm phức tạp thêm các dự báo khí hậu, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải về mức độ tác động của chúng đến quá trình ấm lên toàn cầu.

Dữ liệu mới cho thấy một số đám mây đang có xu hướng dịch chuyển lên các tầng khí quyển cao hơn, nơi chúng giữ nhiệt hiệu quả hơn. Ngược lại, lớp mây thấp - thường có tác dụng làm mát bằng cách phản xạ ánh sáng - đang giảm dần cả về diện tích lẫn độ phản xạ. Kết quả là nhiều bức xạ Mặt Trời hơn xuyên qua được bầu khí quyển và làm ấm bề mặt hành tinh.

Trái Đất có ít mây hơn

Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng mây ảnh hưởng lớn đến cán cân năng lượng của Trái Đất. Tuy nhiên, việc dự đoán chính xác sự thay đổi của mây theo thời gian là một thách thức lớn.

Bjorn Stevens, chuyên gia tại Viện Khí tượng Max Planck (Đức), nhận định rằng việc hiểu và mô hình hóa được hành vi của mây là trở ngại lớn nhất đối với các dự báo khí hậu hiện nay.

may bien mat anh 1

Mây tầng thấp đang dần biến mất.

Robin Hogan, nhà khoa học tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Tầm trung Châu Âu, cho biết sự thay đổi trong tính chất của mây có thể dẫn đến các kịch bản nhiệt độ rất khác nhau, ngay cả khi lượng khí nhà kính thải ra không đổi. Theo ông, đây chính là một trong những nguồn bất định lớn nhất trong khoa học khí hậu hiện đại.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng sự suy giảm của mây thấp đã làm thay đổi đáng kể cán cân năng lượng của Trái Đất. Trong một nghiên cứu công bố tháng 3 vừa qua, các nhà khoa học phát hiện lớp mây này đã mờ đi và xuất hiện ít hơn trong hai thập kỷ qua, góp phần khiến đại dương đạt mức nhiệt độ kỷ lục vào năm 2023.

Một nghiên cứu khác, công bố cuối năm 2024, cũng chỉ ra sự biến mất nhanh chóng của mây tầng thấp là nguyên nhân chính cho hiện tượng ấm lên đột ngột trong thời gian gần đây.

Nguyên nhân

Mặc dù giới nghiên cứu đồng thuận rằng Trái Đất đang trở nên “ít mây” hơn, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này vẫn còn nhiều tranh luận. Một giả thuyết cho rằng sự biến động mang tính tự nhiên trong chu kỳ khí hậu có thể là yếu tố chính. Giả thuyết khác lại nhấn mạnh vai trò của biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Ngoài ra, những nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng không khí toàn cầu cũng có thể là một phần nguyên nhân. Từ năm 2020, việc sử dụng nhiên liệu ít lưu huỳnh trong ngành hàng hải đã làm giảm lượng aerosol phát tán vào khí quyển. Các hạt nhỏ này vốn là điều kiện cần để mây hình thành, đồng thời giúp chúng phản xạ ánh sáng hiệu quả hơn. Việc giảm lượng aerosol có thể khiến mây xuất hiện ít hơn, kém phản xạ hơn, dẫn đến hiện tượng hấp thụ nhiệt nhiều hơn ở bề mặt Trái Đất.

may bien mat anh 2

Nguyên nhân và tác động của những thay đổi về hình dạng, hành vi của mây vẫn là ẩn số.

Richard Allan, chuyên gia khí hậu tại Đại học Reading (Anh), cho rằng nhiều khả năng hiện tượng này không xuất phát từ một nguyên nhân đơn lẻ, mà là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có sự thay đổi của khí hậu và ảnh hưởng của các chính sách môi trường.

Để cải thiện độ chính xác trong nghiên cứu, các cơ quan vũ trụ đã triển khai loạt vệ tinh quan sát mới. EarthCARE - vệ tinh do Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Nhật Bản hợp tác phát triển - đang cung cấp dữ liệu chưa từng có về cấu trúc và chuyển động của mây. Trong khi đó, vệ tinh PACE của NASA cũng đang khảo sát tương tác giữa aerosol, mây và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các phương pháp phân tích bằng trí tuệ nhân tạo và học máy đang giúp giới khoa học rút ngắn khoảng cách trong hiểu biết về cơ chế hoạt động của mây.

Theo nhà nghiên cứu Kara Lamb tại Đại học Columbia (Mỹ), tuy còn nhiều điều chưa rõ, nhưng những công nghệ mới đang từng bước giúp làm sáng tỏ vai trò của mây trong việc điều tiết nhiệt độ Trái Đất - một yếu tố then chốt để dự báo chính xác hơn về tương lai khí hậu toàn cầu.

IQ của Elon Musk thực sự là bao nhiêu?

IQ - thước đo gây tranh cãi - giờ đây không còn gắn với bất kỳ bài kiểm tra cụ thể nào mà đã trở thành công cụ củng cố quyền lực ở Thung lũng Silicon, theo The New York Times.

Những đứa trẻ tim rỗng

Hiện nay, ngày càng nhiều em nhỏ mắc phải chứng "tim rỗng". Chúng đạt thành tích cao trong học tập nhưng lại thiếu sức sống và động lực sống nên được gọi là "người rỗng tuếch". Trong quá trình trưởng thành, những đứa trẻ chỉ biết học tập không ngừng nghỉ để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, sẽ vô tình bỏ qua cảm xúc và mong muốn của chính mình.

Lê Vy

Ảnh: Reuters

Bạn có thể quan tâm