Năm 2016, giới trẻ Sài Gòn từng xếp hàng từ đêm, chờ đợi hơn 10 tiếng đồng hồ để mua về “siêu phẩm” adidas Originals NMD. Đầu năm 2018, các bạn trẻ lại tiếp tục thức đêm để mua về cho mình đôi Yeezy 500 Blush.
Hiện tượng ấy không có gì khó hiểu, khi từ lâu, văn hoá “camp giày” đã vô cùng phổ biến ở các nước phương Tây, và gần đây đã trở nên phổ biến ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Từ đâu mà có hiện tượng đó? Bỏ qua các yếu tố trào lưu, “sống ảo” trong giới trẻ, điều đầu tiên và quan trọng nhất, có lẽ chính là sự ám ảnh đối với sneakers, mà phần đông đều đến từ nam giới.
Run DMC tại Montreux Pop Festival, Thụy Sỹ, năm 1987. |
Theo The Guardian, Jason Coles, tác giả cuốn sách Golden Kicks: The Shoes That Changed Sport, cũng có niềm đam mê tương tự, khi nhớ mãi khoảnh khắc đầu trót lòng yêu một đôi sneakers.
“Đó là đôi Adidas Superstar thế hệ đầu”, Guardian dẫn lời Coles thú nhận. “Gần 50 năm sau lần đầu tiên xuất hiện trên sân bóng rổ, nó vẫn là một đôi giày tuyệt vời. Đó chính là bình minh của thời kỳ hoàng kim dành cho adidas, là một trong những đôi trainers đầu tiên bước ra khỏi thế giới của thể thao để đến với thời trang, và trở nên bùng nổ khi xuất hiện trên chân của Run DMC trong những năm 80”.
Tình yêu dành cho sneakers của Coles đã tăng lên đáng kể từ khi anh bắt đầu làm tiếp thị cho thương hiệu đồ thể thao IMG, trước khi thành lập công ty thiết kế riêng của mình. “Càng học được nhiều hơn về câu chuyện đằng sau những đôi giày mang tính biểu tượng, tôi càng bị chúng ám ảnh”, anh nói.
Niềm đam mê bất tận
Vậy tại sao Coles, cũng như nhiều người đàn ông khác, lại bị ám ảnh nhiều với loại giày này như vậy? “Xu hướng thích thu thập của đàn ông đóng một phần quan trọng. Hãy lên trang eBay, và bạn sẽ thấy thậm chí một đôi trainer cũ đã từng qua sử dụng và hao mòn trầm trọng, vẫn có thể được bán với mức giá trên trời,” Coles cho biết.
Một bộ sưu tập giày của sneakerhead có thể lên đến hàng trăm chiếc. |
Điển hình trong số đó chính là đôi Converse All Stars vintage hay các mẫu retro của Nike Air Jordan, với mức giá có thể lên đến con số 2.500 USD.
“Những nhà sưu tập thuộc thế hệ 8X, 9X chính là người hâm mộ cuồng nhiệt của các mẫu cổ điển, đặc biệt là những mẫu được làm ra trong thời gian nhất định, không xuất hiện trở lại”, Coles nói.
Nhưng ngay cả mức giá này cũng trở nên không đáng kể khi so sánh với những gì mà sneakerhead sẽ trả cho một số phiên bản mới giới hạn.
“Một cặp Eminem x Carhartt của Nike Air Jordan 4s đã lên đến mức giá 30.100 USD vào năm ngoái. Đôi giày đắt tiền nhất mà tôi biết là đôi của Michael Jordan mà ông ấy đã mang trong trận 'flu' nổi tiếng năm 1997, đôi mà sau đó được ký tên và được mua đấu giá với mức 107.000 USD,” Coles nói.
Những hoài vọng vô giá
Theo Business of Fashion, một yếu tố khác tạo nên nỗi ám ảnh này chính là giá trị của nỗi nhớ. Đàn ông thật sự bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các thương hiệu giày họ mang khi còn nhỏ.
Các nhà khoa học xã hội khi tìm hiểu sự phát triển của “văn hóa sneaker”, đã cho thấy nó có liên quan đến giấc mơ thời thơ ấu của chúng ta về thi đua thể thao.
Nike Air Jordan - những đôi giày chứa đựng nhiều nỗi nhớ của thế hệ trẻ. |
“Tôi thường nhớ rằng mình từng có đôi Puma Kings cũ, loại mà Maradona đã dùng để chơi bóng, và nghĩ rằng chúng có thể cho tôi những sức mạnh đặc biệt như ông ấy,” Coles thừa nhận.
Bên cạnh đó, thời trang cũng là một yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi sneakers từ sân chơi thể thao đến mọi ngóc ngách đường phố. Thời trang nam vốn đã rất chung chung. Chính vì thế mà các đôi sneakers sẽ giúp họ mang vào thứ gì đó khác biệt - là một sự thể hiện bản thân, nhưng vẫn nằm trong một niềm đam mê chung.
Vốn không xuất hiện nhiều trong quá khứ, giờ đây, các sự kiện sneakers đã được tổ chức rất đều đặn ở những thành phố lớn. Mức độ và quy mô của chúng có thể khiến bất cứ ai cũng cảm thấy kinh ngạc.
Và tại đó, có nhiều người xa lạ nhanh chóng trở thành bạn của nhau khi chia sẻ tình yêu chung với đôi sneakers. Điều ấy, vô hình trung, giải mã một sức mạnh khác nữa của đôi sneakers.
Khi huyền thoại xuất hiện
Complex cho biết thời điểm sneakers trở thành nỗi ám ảnh của nam giới bắt đầu từ những năm 80. Vào lúc đó, hip-hop ở Mỹ đang trở thành hiện tượng, và đội Liverpool ở Anh giành chiến thắng oanh liệt khắp châu Âu.
Làn sóng sneakers nổi lên từ đầu thập niên 1980. |
Bên cạnh đó, những người hâm mộ tennis cũng được dịp bùng nổ, khi các thần tượng như John McEnroe, Jimmy Connors và Bjorn Borg liên tục xuất hiện trên sân đấu với đôi Nike và Diadora - điều góp phần đẩy mạnh tên tuổi thương hiệu sneakers.
Làn sóng sneakers đã lên đến đỉnh điểm năm 1982, khi chiếc Air Force One của Nike xuất hiện ở New York, Philadelphia và Baltimore, để nhanh chóng chiếm lĩnh trái tim của nhiều người nổi tiếng, và sau đó là phần đông giới trẻ.
Theo lý giải của Coles, bản thân đôi giày này có lẽ là không quá đặc biệt, nhưng chính việc đánh dấu sự khởi đầu mối quan hệ giữa Nike và Michael Jordan đã thay đổi toàn bộ hoạt động kinh doanh đồ thể thao.
Và từ đó đến nay, sneakers đã ngày càng tịnh tiến trong biểu đồ thời trang của thế giới, để đến năm 2017, Converse All Star tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, đánh dấu cả thế kỷ trường tồn dù mẫu mã không thực sự thay đổi xuyên suốt từng ấy năm.
Sneakers phổ biến khắp mọi nơi. |
Có thể nói, cuộc xâm nhập của làn sóng sneakers đã và đang được chào đón nồng nhiệt nhất từ trước tới nay trong lịch sử của thời trang cao cấp, như một sự kết hợp hoàn hảo giữa thời trang và tính ứng dụng thời đại.
Chính vì thế mà giờ đây, sẽ không quá khó hiểu khi đến 8/10 chàng trai bước ra đường trong đôi sneakers. Nói như Marshal Cohen, Trưởng bộ phận Phân tích Thị trường của NPD Group, thì “đây không còn là xu hướng, đây là một lối sống văn minh của thời đại”.