Theo thống kê từ Globocan, Việt Nam có số ca mắc ung thư mới và tỷ lệ tử vong trong năm 2020 tăng nhanh. Nam giới Việt Nam chủ yếu mắc ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và tuyến tiền liệt (khoảng 65,8%).
Hầu hết bệnh ung thư, trong đó có ung thư tuyến tiền liệt đều khó phát hiện do những triệu chứng âm thầm. Nhiều người biết mình có bệnh đã muộn, khối u di căn, khó điều trị.
Triệu chứng âm thầm, dễ bị bỏ qua
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh phổ biến ở nam giới. Theo Dịch vụ Y tế Anh, bệnh thường phát triển chậm, vì vậy, người mắc có thể không gặp dấu hiệu trong nhiều năm.
Đó cũng là lý do nhiều nam giới phát hiện mắc ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn cuối dù sức khỏe hoàn toàn bình thường. Bệnh nhân có thể sống chung với nó hàng chục năm mà không có triệu chứng bất thường.
Tuyến tiền liệt là bộ phận nhỏ trong khung chậu, chỉ có ở nam giới. Nó nằm giữa dương vật và bàng quang, bao quanh niệu đạo. Tuyến tiền liệt có chức năng tiết dịch đặc màu trắng, tạo tinh dịch.
Các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt thường chỉ xuất hiện khi nó phát triển đủ lớn, ảnh hưởng ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài dương vật, niệu đạo.
Ung thư tuyến tiền liệt khó phát hiện vì triệu chứng âm thầm, chỉ xuất hiện ở giai đoạn bệnh đã di căn. Ảnh: Freepik. |
Bệnh nhân sẽ gặp hiện tượng tăng nhu cầu tiểu tiện, căng thẳng khi tiểu, cảm giác bàng quang chưa hết nước tiểu. Tài liệu của Dịch vụ Y tế Anh cảnh báo nam giới không nên bỏ qua những dấu hiệu này. Gặp phải các vấn đề trên không có nghĩa chắc chắn bạn bị ung thư tuyến tiền liệt, tuy nhiên, với xu hướng bệnh ngày càng trẻ hóa như hiện nay, chúng ta nên cẩn trọng.
Nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi tác. Nam giới trên 50 tuổi có khả năng bị ung thư tuyến tiền liệt cao nhất. Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối (giai đoạn 4) xuất hiện khi khối u ác tính đã lan đến hạch bạch huyết lân cận, di căn xương, gan và khu vực khác của cơ thể. Theo Web MD, hầu hết nam giới mắc bệnh ở giai đoạn này không thể chữa khỏi mà các liệu pháp nhằm mục đích khắc phục triệu chứng, duy trì, kéo dài thời gian sống.
Theo Mayo Clinic, dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối gồm: Tiểu đau; giảm lực của dòng nước tiểu; có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch; đau xương; sưng, phù nề chân; mệt mỏi; chán ăn; đau tinh hoàn; sụt cân bất thường. Tuy nhiên, nam giới lớn tuổi cũng gặp tình trạng có dấu hiệu tương tự là phì đại tuyến tiền liệt. Do đó, chúng ta càng dễ bỏ qua nó.
Đau lưng, sụt cân, mệt mỏi, chán ăn... có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Ảnh: Getty Images. |
Tỷ lệ sống sót của nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối
Theo Web MD, sau ung thư da, ung thư tuyến tiền liệt phổ biến nhất ở nam giới. Cứ 7 người đàn ông, một người sẽ được chẩn đoán mắc căn bệnh này trong đời. Đặc biệt, 2/3 nam giới có thể bị ung thư tuyến tiền liệt mà không được phát hiện.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là tỷ lệ tử vong của ung thư tuyến tiền liệt là 1/36. Hầu hết bệnh nhân phát triển bệnh chậm. Người bệnh qua đời vì bệnh tim, đột quỵ hoặc nguyên nhân khác mà không phải do ung thư tuyến tiền liệt.
Thống kê từ Web MD cho thấy 92% bệnh nhân phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn đầu. Gần như 100% nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt tại chỗ hoặc chưa di căn đều sẽ sống sót trên 5 năm sau khi chẩn đoán.
Một khi bệnh đã di căn, tỷ lệ sống sót của người mắc giảm xuống. Với nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt di căn xa, chỉ chưa đầy 35% bệnh nhân sống sót trên 5 năm. Theo Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ, nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt tại chỗ sống trên 10 năm sau khi phát hiện bệnh là 98%. Tỷ lệ sống sót trên 15 năm là 96%.
Như vậy, khả năng sống sót, tuổi thọ của bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt và ngay cả những loại ung thư khác đều phụ thuộc thời điểm họ phát hiện. Giai đoạn bệnh càng lớn, việc điều trị càng khó khăn.
Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt giúp phát hiện bệnh sớm, tăng khả năng chữa khỏi và sống sót sau khi điều trị. Ảnh: iStock. |
Cách duy nhất để biết bạn có mắc ung thư tuyến tiền liệt hay không là tầm soát. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, để xác định một người có bị ung thư tuyến tiền liệt hay không, các bác sĩ sẽ xét nghiệm máu; quét MRI hoặc sinh thiết.
Khi xét nghiệm máu, các bác sĩ sẽ tìm kháng nguyên đặc hiệu PSA. Đây là chất tạo ra bởi tuyến tiền liệt, nồng độ PSA trong máu cao hơn có thể là do ung thư cơ quan này. Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, nếu nồng độ PSA cao bất thường, bệnh nhân có thể được chỉ định sinh thiết.
Sinh thiết sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt gồm qua bìu và qua trực tràng. Một mảnh nhỏ của mô trong tuyến tiền liệt sẽ được lấy ra và quan sát dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư. Các bác sĩ xác định nó trên thang điểm Gleason, dao động từ 2 đến 10. Điểm càng thấp, khả năng di căn của ung thư càng ít.
Với sinh thiết qua bìu, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân. Sau đó, bác sĩ lấy cây kim và đưa vào tuyến tiền liệt qua da sau bìu. Phương pháp này có ưu điểm là giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Sinh thiết qua trực tràng là quá trình bác sĩ sử dụng cây kim đưa vào tuyến tiền liệt nhờ trực tràng. Quá trình này có thể gây đau đớn nên bệnh nhân được gây tê cục bộ. Biến chứng của nó là chảy máu, nhiễm trùng.
Phương pháp quét MRI, X-quang nhằm tìm kiếm khối u, những tế bào bất thường trong cơ thể, tuyến tiền liệt, vùng kín của nam giới.