Không dũng mãnh và tàn bạo như Barcelona trong lối đá tấn công, không tốc độ lên đến chóng mặt như Arsenal ở các pha lên bóng, những gì MU thể hiện mùa này như một điệp khúc ru ngủ người xem. Họ nhập cuộc chậm chạp và thận trọng đến thái quá. Không ít lần, người hâm mộ chỉ trích Van Gaal vì tư duy bảo thủ làm biến chất "Quỷ đỏ" từ một thế lực siêu nhiêu luôn hừng hực khí thế thành một điệu ballad buồn.
Vậy mà Van Gaal vẫn đang lèo lái đội chủ sân Old Trafford đi đúng hướng. Tại Premier League, nhà cựu vô địch đang xếp thứ hai trên bảng xếp. Còn ở Champions League, một chiến thắng vào rạng sáng mai (26/11) trước PSV Eindhoven sẽ giúp đội bóng Anh vượt qua vòng bảng để có mặt ở vòng đấu loại trực tiếp.
MU là của Van Gaal
Cá tính của Van Gaal được miêu tả bằng sự bướng bỉnh và độc đoán. Thậm chí, nhà cầm quân người Hà Lan chỉ áp dụng duy nhất tư duy bóng đá dựa trên công thức thành công của Ajax hơn hai thập niên trước vào từng đội bóng, và những con người khác nhau. Môi trường có thể thay đổi, song, bất kỳ đội bóng nào của Van Gaal cũng luôn tuân theo phương pháp có tổ chức tốt và phát cuồng nghệ thuật kiểm soát bóng.
MU của Van Gaal tẻ nhạt, nhưng không chừng lại giúp đội bóng tại Champions League. Ảnh: Getty Images. |
Khi tới MU, kẻ thù lớn nhất với một HLV không phải đến từ môi trường mới, mà bởi cái bóng của Sir Alex Ferguson. Điều này khiến Van Gaal không thể giở lại những chiêu bài cũ từ người tiền nhiệm để áp dụng cho đội bóng. Tuổi đời Van Gaal không kém Sir Alex là bao. Giữa họ có những thành công khác nhau trong sự nghiệp, theo đó tạo ra cái tôi rất lớn về mặt nhận thức và tư duy. Van Gaal không muốn bị so sánh với Sir Alex.
Một nghiên cứu cho thấy, càng lớn tuổi và gặt hái được nhiều thành công trong đời, người ta rất khó thay đổi tư duy hay tiếp thu nhận thức mới. Đồng quan điểm này có chuyên gia Michael Cox của ESPN. Trong bài bình luận mới đây, Michael Cox giải thích triết lý bóng đá tẻ nhạt được Van Gaal thổi vào MU đến từ sự đúc kết đã thành thói quen của một người đàn ông trên 60 tuổi. Thời điểm này, rất khó để họ thay đổi suy nghĩ.
Ngày trước, Jose Mourinho, Arsene Wenger và Carlo Ancelotti toàn phải thích nghi nhanh chóng với môi trường bóng đá Anh để giành được những danh hiệu Premier League. Song, tất cả họ đều trẻ hơn Van Gaal và suy nghĩ luôn theo hướng cởi mở. Gần nhất, Manuel Pellegrini cùng Man City vô địch Premier League khi đã ở tuổi 60, nhưng cá tính của ông thầy người Chile lại rất thoải mái, không bị ràng buộc bởi sự rập khuôn.
Trong khi đó, Van Gaal lại rất ư bướng bỉnh và bảo thủ. Ông muốn biến MU thành một thể hợp nhất, có tổ chức, thi đấu theo công thức khoa học dựa trên sự tính toán kỹ lưỡng từ hàng thủ đến tấn công, cự ly của từng vị trí trên sân. Điều này khiến “Quỷ đỏ” đôi lúc hoá rô-bốt. Cũng chính vì chơi bóng theo khoa học và thiếu ngẫu hứng, thống kê cho thấy họ đứng thứ 5 trong danh sách những đội có số lần dứt điểm ít nhất. Cũng phải, cầu thủ MU phải đợi đúng vị trí và thời điểm thì mới sút.
Ngày trước, đội bóng của Sir Alex không phải lúc nào cũng sôi động và tấn công hoa mỹ, nhưng ít nhất không như bây giờ. Đó là một sự chậm chạp và rất toan tính. Sau những gì thể hiện, không ngạc nhiên kẻ chê Manchester United nhiều hơn người khen. Nhưng Sir Alex có cả đời để quản lý Manchester United, còn Van Gaal, ông chỉ có ba năm. Thời gian không cho phép chiến lược gia người Hà Lan thay đổi và tập tành những thứ mới.
Triết lý của Van Gaal tạo ra một hàng thủ chắc chắn. Ảnh: Getty Images. |
Một Van Gaal bảo thủ với triết lý bóng đá rất tẻ nhạt tưởng chừng sẽ huỷ hoại MU, nhưng không. Nhà cầm quân 64 tuổi có cái lý riêng.
Công thức thành công ở Champions League
Lối chơi hiện tại giúp MU kém sắc về tấn công, bù lại có hàng thủ vững chắc. Thật ngạc nhiên khi công thức hoàn hảo để không bị loại sớm ở Champions League đến từ yếu tố đó. Như Sir Alex Ferguson từng nói: "Tấn công mang về những chiến thắng nhưng phòng ngự đảm bảo cho danh hiệu". Tin hay không tuỳ bạn, nhưng số liệu không biết nói dối. Từ Champions League mùa 2004-05 tới 2011-12, các đội bóng Anh khi vào chung kết đều có hàng thủ rất mạnh.
Năm 2005, Liverpool tạo nên điều kỳ diệu trên đất Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) sau khi để thủng lưới chỉ 6 bàn tính đến trận chung kết, trong đó có 6 trận giữ sạch lưới. Số trận không để thủng lưới của Liverpool là con số thấp nhất một đội bóng Anh vào đến chung kết từng đạt được trong thời gian 8 năm tiếp theo. Mùa 2005-06, Arsenal đạt kỷ lục không thua bàn nào trong 10 trận, Liverpool năm tiếp theo giữ sạch lưới 7 trận.
Trên đường tới trận chung kết Champions League 2007-08, Manchester United và Chelsea cùng nhau không để thua bàn nào trong 12 trận, với 8 trận thuộc về "Quỷ đỏ". Ở mùa 2010-11, đại diện thành Manchester cũng có thành tích tương tự. Mùa 2011-12, Chelsea chỉ giữ sạch lưới 5 trận, nhưng đó là vì Andre Villas-Boas lúc đó tôn thờ hệ thống tấn công. Sau khi nhà cầm quân này bị sa thải, Roberto Di Matteo nhanh chóng lập trình lại hàng thủ chắc chắn cho Chelsea.
Đá như MU, biết đâu lại thành công ở Champions League. Ảnh: Getty Images. |
Theo Michael Cox, Manchester United có thể không ghi được nhiều bàn thắng trong một trận đấu và điều đó sẽ cướp đi danh hiệu vô địch giải quốc nội. Nhưng tại Champions League, đấy là một phạm trù khác. Để thắng giải trong nước, một đội bóng cần nhiều trận đấu bỏ túi 3 điểm. Còn tại cúp châu Âu, công thức thành công nằm ở chỗ không thua.
Dù cho những nhà vô địch Champions League những năm gần đây thường thi đấu rất ấn tượng từ vòng bảng tới knock-out nhờ nguồn cảm hứng nơi hàng công với sức công phá dữ dội như Barcelona, Bayern Munich và Real Madrid. Hoặc đó là các tên tuổi có lá bức tường thép trước khung thành như Liverpool, Chelsea và Inter Milan.
Song, bất ngờ hoàn toàn có thể đến từ Manchester United của Van Gaal. Nếu Barcelona hay Bayern Munich đang đứng trên đỉnh thế giới và bất khả chiến bại thì tại sao người ta không trao chức vô địch cho họ ngay từ đầu mà phải đá tận 12 trận? Lý do vì "chữ ngờ trong bóng đá không né tránh ai".