Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB) bắt nguồn từ một sai lầm đơn giản: Ngân hàng này phát triển quá nhanh bằng cách sử dụng nguồn tiền gửi ngắn hạn - khi người gửi có thể yêu cầu hoàn tiền bất cứ lúc nào - và đầu tư vào những tài sản dài hạn mà họ không thể hoặc không muốn bán.
Khi lãi suất tăng lên nhanh chóng, SVB phải gánh chịu những khoản lỗ lớn tới mức ngân hàng phải nỗ lực huy động vốn mới, khiến người gửi tiền hoang mang và ồ ạt rút hết chỉ trong 2 ngày.
Theo Wall Street Journal, sau vụ sụp đổ của SVB vào hôm 10/3, nhiều người thắc mắc tại sao các nhà quản lý Mỹ có thể cho phép ngân hàng này phát triển nhanh chóng và chịu nhiều rủi ro lãi suất tới như vậy?
Phép thử lớn
SVB không phải là ngân hàng gặp vấn đề duy nhất vào tuần trước. Chỉ vài ngày trước khi SVB sụp đổ, Silvergate Capital - một trong những ngân hàng lớn nhất của ngành công nghiệp tiền điện tử - thông báo ngừng hoạt động, CNBC đưa tin.
“Hệ quả từ hai trường hợp này là bằng chứng cho thấy lỗ hổng giám sát nghiêm trọng. Đó là lý do chúng ta có đội ngũ thanh tra ngân hàng, và đó là những gì họ phải làm”, Karen Petrou - đối tác quản lý của Federal Financial Analytics, công ty tư vấn pháp lý cho ngành ngân hàng - nhận định.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là cơ quan quản lý liên bang chính cho cả hai ngân hàng. Đáng chú ý, rủi ro rõ ràng rình rập 2 doanh nghiệp này. Tài sản và tiền gửi tăng nhanh ghi rõ trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Trong khi đó, các khoản lỗ ngày càng tăng từ việc nắm giữ trái phiếu được thể hiện trong các báo cáo tài chính.
SVB tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, tăng gần gấp đôi tiền gửi chỉ sau một năm. Tổng tài sản của công ty mẹ, SVB Financial Group, nhảy lên mức 211 tỷ USD vào cuối năm 2021, so với 116 tỷ trước đó. Đến cuối năm 2022, SVB là công ty cho vay lớn thứ 16 tại Mỹ.
SVB đã bị giới chức California đóng cửa và giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. Ảnh: AP. |
Sự sụp đổ của SVB là vụ ngân hàng phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử Mỹ, đánh dấu phép thử lớn nhất cho đến nay với hệ thống quy định sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hệ thống này được thiết kế buộc các ngân hàng cắt giảm rủi ro và giám sát chặt chẽ hơn nữa.
“Với các cơ quan giám sát, tăng trưởng nhanh chóng ít nhất luôn là dấu hiệu cảnh báo”, Daniel Tarullo - cựu thống đốc Cục Dự trữ Liên bang, người từng chịu trách nhiệm chính về cải tổ quy định sau cuộc khủng hoảng tài chính - cho biết.
Theo đó, các biện pháp kiểm soát rủi ro và bộ đệm dự phòng thường không phát triển đồng thời với những rủi ro mới mà các ngân hàng đang phát triển nhanh đối mặt.
Ngoài ra, gần 90% tiền gửi của SVB không được bảo hiểm, khiến chúng dễ bốc hơi khi gặp khó khăn do Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) không đứng sau.
“Một ngân hàng trị giá 200 tỷ USD không nên bị phá sản vì thanh khoản”, Eric Rosengren - người từng là chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston từ năm 2007-2021 - nhận định.
“Đáng lẽ họ phải biết danh mục đầu tư của mình chủ yếu tập trung vào quỹ đầu tư mạo hiểm, và các công ty đầu tư mạo hiểm không muốn mạo hiểm tiền gửi. Vì vậy, khả năng cao nếu các công ty có danh mục đầu tư mạo hiểm bắt đầu rút vốn, thì sẽ kéo theo hàng loạt động thái tương tự”, ông nói thêm.
"Họ đã không làm gì để giúp ngân hàng này"
SVB và Silvergate đều có các quy tắc thanh khoản ít nghiêm ngặt hơn so với các ngân hàng lớn nhất.
Thông thường, các ngân hàng thường huy động tiền gửi ngắn hạn để cho vay trong một thời gian dài. Tuy nhiên, SVB tập trung bảng cân đối kế toán vào các tài sản dài hạn, chú trọng vào thu lợi nhuận.
Điều này diễn ra vào thời điểm được coi là tồi tệ, ngay trước khi Fed bắt đầu tăng lãi suất. Việc đó khiến ngân hàng gánh khoản lỗ chưa thực hiện lớn và dễ bị khách hàng rút tiền ồ ạt.
Theo Timothy Coffey - phó giám đốc nghiên cứu tại Janney Montgomery Scott, giới chức nhận thức được các khoản lỗ chưa thực hiện trong danh mục đầu tư chứng khoán của ngân hàng có thể dẫn đến rắc rối, nhưng không hành động cụ thể giải quyết vấn đề.
“Đây là chuyện đã xảy ra trong ngành vài tháng. Họ đã không làm gì để giúp ngân hàng này”, ông nói, đề cập tới SVB.
Silvergate Capital - một trong những ngân hàng lớn nhất của ngành công nghiệp tiền điện tử - gần đây thông báo ngừng hoạt động. Ảnh: Silvergate Capital. |
Thật vậy, đây không phải 2 ngân hàng duy nhất đối mặt với rủi ro từ các khoản lỗ chưa thực hiện. Theo FDIC, ngành ngân hàng Mỹ có khoảng 620 tỷ USD khoản lỗ chứng khoán chưa thực hiện vào cuối năm ngoái.
Ngoài ra, một vấn đề khác nằm ở quy định về kế toán và vốn, cho phép các ngân hàng bỏ qua các khoản lỗ tính theo giá thị trường với một số chứng khoán nếu họ có ý định giữ chúng đến ngày đáo hạn. Tại SVB, nhóm nắm giữ các chứng khoán này ghi nhận lỗ vốn lớn nhất.
Một số người khác cho rằng sự việc của SVB một phần là do chính sách tiền tệ của Mỹ trong thập niên qua. Silvergate và SVB đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi của điều kiện kinh tế vì họ tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh bùng nổ.
Saule Omarova - giáo sư luật tại Đại học Cornell - cho hay với việc các công ty trong những lĩnh vực này hiện chuyển tài sản sang khu vực khác trong hệ thống tài chính, bản chất của những rủi ro đó có thể thay đổi.
Điều này cho thấy cơ quan quản lý Mỹ cần có cái nhìn bao quát hơn về những rủi ro trong hệ thống tài chính. “Tất cả cơ quan quản lý tài chính cần bắt đầu chịu trách nhiệm và suy nghĩ về những hậu quả mang tính cấu trúc từ những gì đang xảy ra ngay bây giờ”, bà kết luận.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế