Elizabeth Chai (40 tuổi) quyết tâm không mua bất cứ món đồ gì trong năm 2020 ngoại trừ thức ăn, cà phê, nhu yếu phẩm và chi phí cho các dịch vụ thiết yếu như cắt tóc.
Cô phải cưỡng lại ham muốn mua trang phục mới hay vật dụng linh tinh trong gia đình. Thay vào đó, Elizabeth chọn cách sửa chữa hoặc mượn, đồng thời vứt bỏ hay cho đi những thứ mà cô có nhiều hơn 1 cái.
Mục tiêu của cô là “thanh lý” 2.020 món đồ bằng cách vứt, đem tặng hoặc bán đi.
Elizabeth Chai, nhà thiết kế đồ họa, từ thiện phần lớn đồ đạc trong nhà để theo đuổi lối sống ít phụ thuộc vào vật chất hơn. Ảnh: The New York Times. |
Hơn cả lối sống tối giản
Cam kết “không mua gì” của Elizabeth Chai được truyền cảm hứng bởi mong muốn giảm thiểu tác động của con người lên môi trường và coi trọng những thứ bản thân đang sở hữu. Cô kể với một số người bạn về dự án này và lên danh sách các quy tắc để tuân theo.
Dự án của cô bắt đầu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, buộc nhiều người phải ở nhà trong phần lớn thời gian của năm 2020.
Ba tháng sau khi bắt đầu thực hiện, cô thấy mình đang bị bao quanh bởi những đồ đạc cũ kỹ mà không có sự đa dạng hay thú vui tiêu khiển nào.
Tuy nhiên, cô vẫn tuân thủ cam kết từ ban đầu, thường xuyên quyên góp hoặc bán những thứ không thiết yếu và cự tuyệt việc mua đồ đạc, vật dụng mới.
Elizabeth lên danh sách những đồ cô muốn mua. Nếu đến cuối năm mà món đồ này vẫn còn trong danh sách chờ, cô sẽ tự thưởng cho bản thân vào năm 2021. Điều cô học được là những sự cám dỗ và ham muốn biến mất nhanh một cách đáng kinh ngạc.
Chiếc máy pha cà phê này là một trong những "kho báu" và vật dụng có giá trị nhất còn lại trong nhà Elizabeth. Ảnh: The New York Times. |
Năm ngoái, nhờ sử dụng tiền một cách có chủ ý hơn, Elizabeth dư dả để giúp đỡ người thân bị mất việc và gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà.
Khi các cuộc biểu tình nổ ra để phản ứng lại vụ sát hại George Floyd, cô đã quyên góp vào quỹ tại ngoại cho người biểu tình ôn hòa.
Dù cam kết không mua gì, cô vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ như các cửa hàng cà phê địa phương - thông qua việc mua đồ ăn, cà phê hoặc thông qua quyên góp.
Khi một người bạn làm video ngắn về dự án của Elizabeth và chia sẻ lên Instagram, nhà thiết kế 40 tuổi bắt đầu nhận được rất nhiều câu hỏi từ những người muốn học theo lối sống của cô.
Cô cân nhắc việc chia sẻ danh sách các quy tắc của mình vì chúng vốn rất cụ thể đối với cuộc sống riêng. Ví như có thể mua bộ lọc cà phê, đồ công nghệ nếu cái gì đó bị hỏng, quà tặng; không được mua dụng cụ nấu ăn, thùng đựng, sổ ghi chép.
Một số vật dụng của Elizabeth đang chờ được đem đi làm từ thiện. Ảnh: The New York Times. |
Đầu tháng 12, Elizabeth đã thanh lý thành công 2.020 món đồ trước khi năm 2020 kết thúc. Vì vậy, cô đang nghĩ đến việc kéo dài dự án sang năm sau. Khi đó, cô sẽ có thể đưa ra nhiều lời khuyên bao quát hơn.
“Khi nhìn xung quanh, mọi thứ trong nhà đều có lý do tồn tại chính đáng của nó”, người phụ nữ 40 tuổi nói.
Thay đổi nhận thức
Khi các cửa hàng và doanh nghiệp buộc đóng cửa do đại dịch, chi tiêu của người tiêu dùng giảm, song lượng mua sắm trực tuyến lại tăng đột biến.
Bất chấp tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và làn sóng rủi ro tài chính, mức tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng từ tháng 1 đến tháng 9 tại Mỹ tăng khoảng 7%.
Tuy nhiên, một số người nhận thấy việc chi tiêu trở nên căng thẳng và mệt mỏi hơn bao giờ hết.
Ngày càng nhiều người hiểu tác động của việc tiêu dùng và chất thải của con người đối với cuộc khủng hoảng khí hậu như thế nào.
Hơn nữa, ngày càng có nhiều sự phẫn nộ đối với các tập đoàn đang ngày càng giàu lên khi quá nhiều người phải vật lộn để sống qua ngày.
Việc mua bất cứ thứ gì như trở thành một câu hỏi hóc búa về đạo đức. Đại dịch càng khiến nhiều người thắc mắc hơn về những sản phẩm nào nên mua để không gián tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng.
Nivi Achanta (25 tuổi, sống ở Seattle), mong muốn trở thành người tiêu dùng thông thái hơn. Tháng 8/2020, cô phải thay đổi thói quen chi tiêu khi mất việc tại công ty tư vấn công nghệ mà cô đã làm từ năm 2017.
Theo Nivi, cách tốt nhất để trở thành người tiêu dùng bền vững là ngừng mua đồ mới. Ảnh: Squarespace. |
Cô cho biết cảm thấy thất vọng vì sự khác biệt giữa các giá trị mà doanh nghiệp đem ra quảng cáo và những gì họ thực sự ưu tiên. Họ sẽ nói về việc quan tâm đến các vấn đề xã hội, nhưng rồi lợi nhuận luôn đặt lên hàng đầu.
“Và tôi chỉ đang làm cho những người giàu trở nên giàu có hơn”, cô nói.
Trước đây, Nivi cho rằng cô sẽ tập trung kiếm tiền trước và tạo ra sự khác biệt sau. Nhưng mất việc khiến cô phải thay đổi sớm hơn dự kiến.
Tháng 9, cô bắt đầu làm việc toàn thời gian cho dự án Soapbox - nền tảng cung cấp thông tin và hướng dẫn hành động về các vấn đề công bằng xã hội.
Thông qua dự án này, Nivi hướng tới mục đích giáo dục độc giả về những cách thực tế để giảm tác động lên hành tinh của chúng ta. Cụ thể, cô viết rất nhiều về lợi ích của việc mua đồ cũ, đã qua sử dụng. Theo Nivi, cách này giúp mọi người có trách nhiệm với môi trường và nền kinh tế hơn.