Tổng cộng 948 người đã thay đổi giới tính đăng ký chính thức trước đó ở Nhật Bản vào năm 2019. Theo Kyodo, con số này là cao nhất kể từ khi luật thay đổi giới tính được thực thi cách đây hơn 15 năm như một phần của nỗ lực bảo vệ quyền của người chuyển giới.
Theo các chuyên gia, xu hướng này phản ánh sự tiếp nhận của cộng đồng, luật pháp đối với những người rối loạn định dạng giới.
Tuy nhiên họ cũng cảnh báo rằng môi trường xung quanh những người như vậy vẫn chưa được cải thiện đáng kể, với lý do là các điều kiện khắt khe để họ nộp đơn thay đổi giới tính trong sổ hộ khẩu.
948 người đã thay đổi giới tính đăng ký chính thức trước đó ở Nhật Bản vào năm 2019. |
Theo số liệu của Tòa án Tối cao, số người thay đổi giới tính theo luật đã tăng từ 868 người vào năm 2018, 903 người vào năm 2017 và 500 người vào năm 2010.
Luật thay đổi giới tính có hiệu lực vào năm 2004 với khoảng 97 người đăng ký thay đổi trong năm đầu tiên. Trong suốt 15 năm qua đã có 9.625 trường hợp thay đổi giới tính tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, Liên minh Pháp luật LGBT Nhật Bản, một nhóm ủng hộ quyền LGBT, dự kiến số lượng đăng ký tạm thời giảm do đại dịch Covid-19 cũng như các yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt hiện tại.
Một số người đã phải hoãn các cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính của họ do hạn chế đi lại và khó khăn tài chính vì đại dịch gây ra, nhóm cho biết.
Theo luật, những người được ít nhất hai bác sĩ chẩn đoán là bị rối loạn nhận dạng giới tính có thể đăng ký thay đổi giới tính.
Người nộp đơn cũng được yêu cầu đáp ứng các điều kiện khác bao gồm từ 20 tuổi trở lên, chưa kết hôn, không có con dưới tuổi vị thành niên và "các cơ quan sinh sản của giới tính cũ không còn hoạt động do trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính" hay nói cách khác họ không còn khả năng sinh sản.
Takakito Usui buộc phải cắt bỏ buồng trứng và tử cung nếu muốn được công nhận giới tính mới về mặt pháp lý. |
Nếu tất cả điều kiện được đáp ứng, người nộp đơn tiếp tục phải chờ đợi sự chấp thuận của tòa án gia đình. Sau đó, một đăng ký mới có thể được tạo với mục nhập giới tính khác.
Vụ việc Takakito Usui, người sinh ra là phụ nữ nhưng đã cảm thấy mình là đàn ông từ khi sinh ra, đã bị Tòa án Tối cao buộc phải cắt bỏ buồng trứng và tử cung của mình nếu muốn được công nhận giới tính mới về mặt pháp lý đã gây xôn xao dư luận vào năm 2019.
Luật sư Tomoyasu Oyama của Usui nói với CNN: "Không thể tưởng tượng nổi trong thời đại ngày nay mà luật pháp yêu cầu một cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính để được thừa nhận giới tính như vậy".
"Khi luật ra đời cách đây 15 năm, những người LGBT đã phải đưa ra quyết định cay đắng, mở đường cho việc chính thức chuyển giới. Với quyết định này, tôi hy vọng các nhà làm luật sẽ thay đổi luật để ủng hộ nguyện vọng của LGBT".
Giám đốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tại Nhật Bản, Kanae Doi, kinh hoàng trước phán quyết này và lên án luật thay đổi giới tính khắt khe của Nhật Bản. "Nhật Bản nên duy trì các quyền của người chuyển giới và ngừng buộc họ phải trải qua phẫu thuật để được công nhận về mặt pháp lý".