Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đột quỵ não ở người trẻ tuổi ngày càng tăng. Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ, năm 2019, số lượng bệnh nhân trẻ đột quỵ tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây. Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50.
Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm. Trong đó, số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, từng điều trị cho bệnh nhân 12 tuổi bị đột quỵ. Đây là trường hợp nhỏ tuổi nhất được ghi nhận trong năm nay tại đơn vị này. Ngoài ra, nhiều thanh thiếu niên khác bị đột quỵ não đang được điều trị.
Theo bác sĩ Phạm Văn Cường, những nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi bị đột quỵ não bao gồm:
Bệnh lý dị dạng mạch máu não: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ não ở người trẻ. Sự phát triển bất thường của mạch máu não có thể gây nên những túi phình, thành mạch máu mỏng, dẫn đến xuất huyết não.
Ngoài ra, mạch máu có thể bị bóc tách gây hẹp, tắc mạch, nhồi máu não. Y học chưa có biện pháp hiệu quả để dự phòng dị dạng mạch máu não. Những bất thường này có thể phát hiện sớm qua chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ mạch máu não.
Bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ não điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC. |
Hút thuốc lá: Khoảng 50% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy có sự tương quan giữa số lượng thuốc hút mỗi ngày và nguy cơ đột quỵ não.
Thuốc lá chứa khoảng 7.000 chất độc hóa học như carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide. Những chất độc này được vận chuyển vào máu sau khi hấp thu qua phổi, làm thay đổi và phá hủy các tế bào trong cơ thể, tăng nguy cơ xơ vữa, tổn thương mạch máu não.
Rối loạn chuyển hóa mỡ máu: Khoảng 50-60% bệnh nhân nhồi máu não trẻ tuổi có rối loạn chuyển hóa mỡ máu, trong đó, nam giới hay gặp hơn nữ.
Các nhà khoa học Brazil đã chỉ ra tỷ lệ Apolipoprotein B và Apoprotein A-I (ApoB/ApoA-I) có liên quan mật thiết đến nhồi máu não. Người trẻ tuổi với thói quen ăn uống không khoa học (ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…) có nguy cơ đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn (đột quỵ, tim mạch…).
Bệnh béo phì và lười vận động: Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ trẻ có thừa cân (chỉ số BMI >30). Ngoài ra, các chỉ số tỷ lệ vòng bụng/vòng hông, tỷ lệ vòng bụng/chiều cao còn có mối liên quan chặt chẽ hơn đến nguy cơ đột quỵ.
Tại Việt Nam, chúng ta chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, trong 5 năm vừa qua (2014-2020), tỷ lệ người béo phì tại Việt Nam tăng 33%, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Giới trẻ ngày càng thích ngồi trước máy tính hoặc điện thoại di động hơn là tham gia các hoạt động thể dục, thể thao.
Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ trẻ có thừa cân. Ảnh: Twitter. |
Đái tháo đường và tăng huyết áp: Đái tháo đường gặp ở 30% bệnh nhân đột quỵ trẻ và với bệnh tăng huyết áp khoảng 10%. Đặc biệt, với khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trẻ tuổi có đái tháo đường lên tới 54,8%.
Tại Việt Nam, bệnh tiểu đường ở người trẻ đang gia tăng, thậm chí với trẻ em. Nhiều ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ từ 9 đến 13 tuổi, thanh niên 20-30 tuổi. Thói quen ăn uống thay đổi, lối sống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường khiến độ tuổi mắc tiểu đường ngày càng trẻ.
Uống rượu bia: Uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý chảy máu não ở bệnh nhân trẻ tuổi. Nghiên cứu của tạp chí Y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990-2017, cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới.
Năm 2017, bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít, Nhật Bản là 7,9 lít.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não. Trong đó, khoảng 5 triệu người tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu trường hợp tử vong. Vì vậy, chúng ta cần có các biện pháp phòng tránh đột quỵ não kịp thời.
Theo bác sĩ Cường, từ các nguyên nhân trên, đột quỵ ở người trẻ có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực thể dục thể thao, hạn chế dùng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thuốc lá, bia rượu… Đó là những điều mà thanh thiếu niên Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.
Ngoài ra, người trẻ không nên chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó…).