Sáng 17/8, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân Lê Thị Sáu (88 tuổi, ngụ huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) tiếp xúc tốt, vận động tứ chi bình thường.
Ngày 12/8, người này nhập viện trong tình trạng liệt nửa người bên phải. Gia đình cho biết bà phát bệnh trước khi vào viện 3 giờ.
Tứ chi của bệnh nhân hoạt động bình thường. Ảnh: T.P. |
Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết và chụp CT não, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não (tắc mạch máu nuôi trong não). Bệnh nhân được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết nhằm tái thông mạch máu não. 45 phút sau, bệnh nhân hồi phục tri giác và cử động tốt.
Một năm qua, đội cấp cứu đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã điều trị thành công cho 460 trường hợp. Tuy nhiên, số lượng này chỉ chiếm khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ nhập viện vì nhồi máu não. Nhiều người đến bệnh viện sau 6 giờ kể từ khi khởi phát bệnh nên không thể điều trị. Vì vậy, khi bị đột quỵ người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa sớm.
Theo bác sĩ Phong, bệnh viện đã triển khai can thiệp cấp cứu đột quỵ trong vòng 3 năm, đảm bảo có 2 kíp bác sĩ trực thay phiên. Ngày 18/8, đội ngũ này sẽ trở thành khoa Đột quỵ. Đây là đơn vị chuyên khoa đột quỵ đầu tiên tại các bệnh viện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.