Vì sao nghệ sĩ Kpop hát ballad được yêu thích ở Nhật?
Xứ sở hoa anh đào luôn là thị trường được nhiều ca sĩ nhắm đến khi mở rộng thị trường, tuy nhiên, sở thích và gu nghe nhạc của người yêu nhạc tại đây lại đối lập với xứ kim chi.
Trong thế giới Kpop, ballad là một chủ đề khá đối lập. Một mặt, những bản ballad là phương pháp hoàn hảo để thần tượng thể hiện kỹ năng thanh nhạc. Hơn nữa, nếu tận dụng tốt, ballad có thể là một tác phẩm rất tuyệt vời, phơi bày đầy đủ những cảm xúc tình cảm của thần tượng. Những sản phẩm hiếm có này sẽ trở thành một dấu ấn vàng son trong sự nghiệp của thần tượng cũng như được fan đặc biệt yêu thích.
Ballad là cách hoàn hảo để thể hiện tài năng thanh nhạc của thần tượng . |
Tuy nhiên, không phải tất cả các bản ballad của Kpop đều tuyệt vời. Thay vào đó, trái với mục đích thật sự của nó, ballad trong Kpop thường bị xem như là "chất đệm". Những ca khúc này thường đơn điệu, tẻ nhạt, được thêm vào để lấp đầy chỗ trống trong các album. Một bản ballad truyền thống có nghĩa là phải chân thành và tình cảm. Thế nhưng, các công ty của thần tượng Kpop liên tục cho ra đời những ca khúc mờ nhạt như thể đó là một ca khúc vô thưởng vô phạt. Do đó, những bản ballad sẽ nhàm chán, xa lạ, không có cảm xúc hoặc không thể hiện một cá tính đủ để khiến ca khúc trở nên nổi bật. Tương tự như vậy, với tiến trình lặp đi lặp lại các nhạc cụ giống nhau từ nhóm này đến nhóm khác, không có gì ngạc nhiên khi Kpop fan sẽ dần cảm thấy mệt mỏi với Ballad.
Ballad nhiều khi chỉ được sử dụng để lấp chỗ trống trong album nghệ sĩ. |
Không phải tất cả các ca khúc ballad trong Kpop đều mang tính thương mại. Một số ca khúc thực sự tuyệt vời được tạo ra bởi vài nhóm chuyên về ballad như 2AM hay Davichi. Ngoài ra, ở một khu vực khác của âm nhạc Hàn, một nơi gần như tách biệt khỏi ngành công nghiệp đang bão hòa thần tượng, còn có những nghệ sĩ ALi, Gummy và Lyn. Tuy nhiên, cơ chế vận hành của Kpop trong thời điểm hiện nay khiến các nghệ sĩ ballad gặp khó khăn trong việc quảng bá. Kết quả là các nhóm này đã chuyển sang một môi trường thân thiện với ballad hơn là Nhật Bản. Đó cũng là xu hướng đang ngày càng phát triển mạnh ở hàng loạt các thần tượng ngày nay.
Vậy nguyên nhân vì sao các thần tượng lại nản chí trong việc quảng bá ballad ở Hàn? Vấn đề nằm ở đối tượng nghe nhạc. Lượng fan của thần tượng Kpop ở Hàn chủ yếu là thanh thiếu niên hoặc người trẻ tuổi, các khách hàng này thường thích những ca khúc dance bắt tai, dễ ngấm hơn là những bản ballad nhiều tình cảm và phải động não. Số ít fan còn lại trong độ tuổi đã trưởng thành sẽ chuyển sang các ca sĩ ballad chuyên nghiệp và nổi tiếng như ALi hoặc K.Will nếu như họ muốn nghe một ca khúc thuộc thể loại này.
Fan Hàn không mặn mà lắm với thể loại này. |
Vì vậy, trong ngành công nghiệp Kpop nhiều biến động hiện nay, hướng đi tốt nhất cho các nhóm nhạc chính là trình bày thể loại thu hút nhiều sự chú ý của fan nhất. Ngay cả khi những ca khúc dance thường không mấy sáng tạo và khác biệt, chúng vẫn dễ dàng khiến các bạn trẻ quan tâm. Giai điệu dễ nhớ, sân khấu đầy năng lượng và cơ hội tiếp xúc với nghệ sĩ sẽ hấp dẫn người hâm mộ hơn những bản ballad đòi hỏi nhiều sự tĩnh lặng và tinh tế.
Những nỗ lực trước đó nhằm quảng bá ballad hoặc các single gần giống ballad ở thị trường Kpop hầu như đều thất bại. Ví dụ, ca khúc ra mắt đầy nội lực Mia của IU đã gặp phải phản ứng thờ ơ và thụ động, mặc dù chất lượng ca khúc là điều không cần bàn cãi. Khi IU trở nên dễ thương và thể hiện một ca khúc hợp thời hơn như Boo, cô mới có thể đạt được chút ít thành công. Sau đó, IU lại quảng bá một single ballad nữa là The story only I didn’t know và lần này cô đã thu được những kết quả khả quan, nhưng đó là khi IU đã có mức độ nổi tiếng khá ổn định.
Tuy nhiên, single này vẫn thường bị xem nhẹ khi so sánh với ca khúc mang dấu ấn của IU - Good day - với nhịp điệu sôi động hơn nhiều. Có thể đây là một minh chứng cho thấy tầm ảnh hưởng của hình tượng dễ thương và trẻ trung hơn đối với sự nghiệp của cô nàng. Bên cạnh đó, nó cũng nói lên rằng những ca khúc mang đầy chất nhạc và thể hiện rõ tài năng của IU như Mia đã không thể sánh bằng các ca khúc đi theo xu hướng hiện đại như Good day hoặc Boo.
Một ví dụ khác là U-Kiss với 0330. Dù ca khúc thú vị này được xem như điểm khởi đầu cho sự tiến bộ đáng kể của nhóms, nhưng cũng giống như The story only I didn’t know, 0330 thường bị bỏ qua khi so sánh với "người kế nhiệm" mang giai điệu sôi động hơn là Neverland. DBSK là nhóm duy nhất thành công với các single dallad. Họ là một trường hợp cực kỳ đặc biệt, chỉ có điều hầu hết ca khúc theo thể loại này của DBSK cũng chỉ được phát hành ở Nhật.
Trong khi khán giả Nhật của các idol Kpop lại khá ưa chuộng ballad. |
Trái ngược với Kpop, làng nhạc Nhật cho phép các thần tượng thỏa sức khám phá cùng ballad. Điều này một phần là do thị hiếu âm nhạc ở Nhật Bản đa dạng hơn, phần còn lại là vì sức hút của các nhóm nhạc Hàn. Nếu như ở xứ kim chi, nghệ sĩ phải đi theo xu hướng chung để tồn tại và phát triển, họ được tự do thử nghiệm những thể loại nhạc mới ở xứ sở hoa anh đào. Điều này khiến nhiều nhóm đi lệch hướng so với phong cách họ đã thể hiện tại quê nhà. Ít gò bó, âm thanh sáng tạo hơn, ballad tiếng Nhật của những nhóm nhạc Hàn trở nên hấp dẫn người nghe hơn. Do đó, ngày càng nhiều thần tượng Kpop thử sức với ballad ở thị trường Nhật Bản.
Tương tự như vậy, đối tượng khán giả Nhật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép các thần tượng Kpop thử sức với thể loại này. Tại đây, phần lớn fan của các nhóm nhạc Hàn, đặc biệt là nhóm nhạc nam, lại là phụ nữ trưởng thành hơn là thanh thiếu niên. Vì vậy, họ ưa chuộng tính chất lãng mạn và tình cảm đặc trưng của ballad.
Nhiều nhóm Kpop đã khéo léo tận dụng khía cạnh thân thiện với ballad khi tiến hành quảng bá ở Nhật Bản. Trước hết phải kể đến tiên phong của làn sóng hallyu như BoA và DBSK với bề dày thành tích những ca khúc ballad xuất sắc bằng tiếng Nhật. Đến giai đoạn gần đây, thêm một số nhóm như SHINee (1000 years, Always by your side), SNSD (Time machine và All my love is for you), U-Kiss (A shared dream), Secret (So much for goodbye) cũng đi theo phong trào này.
Theo TTVN