Nếu không có sự bùng phát của dịch bệnh, đêm hội thời trang lớn nhất trong năm Met Gala đã có thể diễn ra vào thứ 2 đầu tiên của tháng 5, tức ngày 4/5 (hôm nay) theo thông lệ. Do không thể tổ chức như truyền thống, tạp chí Vogue Mỹ quyết định thay thế bằng chương trình phát trực tiếp mang tên "A moment with the Met" (tạm dịch: Khoảnh khắc với Met).
Viện bảo tàng Metropolitan Museum of Art tại New York từng chỉ định chủ đề cho năm 2020 là "About Time: Fashion and Duration" (tạm dịch: Thời gian phát triển và trường tồn của thời trang). Giới mộ điệu đã rất mong chờ Met Gala 2020 bởi sự kiện đánh dấu kỷ niệm 150 năm thành lập viện bảo tàng.
Hàng năm, sau khi sự kiện Met Gala được tổ chức, không chỉ giới mộ điệu mà người dân trên thế giới đều có dịp bàn tán về các bộ cánh thảm đỏ của dàn ngôi sao. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết tầm ảnh hưởng của sự kiện này với nền giải trí nói chung và ngành công nghiệp thời trang nói riêng.
Sân chơi của 'bà đầm thép' Anna Wintour
Ban đầu, theo hồ sơ của bảo tàng Metropolitan, tiền thân của Met Gala được đặt tên là Bữa tiệc của năm (Party of the Year). Trong đó, sự kiện bao gồm nhiều hình thức giải trí như trào phúng, xổ số và cuộc thi nhan sắc trong trang phục lịch sử.
Biên tập trước kia của Vogue - Diana Vreeland - bắt đầu mang đến diện mạo mới cho sự kiện này khi đảm nhiệm vai trò cố vấn từ năm 1972. Ngoài việc tổ chức các buổi triển lãm đình đám, bà chỉ định những chủ đề cụ thể cho sự kiện và sử dụng buổi dạ tiệc như lễ khánh thành. Từ đó, buổi gala trở thành bữa tiệc khánh thành cho nhiều buổi triển lãm như "Vinh quang của trang phục Nga", "La Belle Époque", "Thế giới của Balenciaga"...
Anna Wintour chuyển trọng tâm Met Gala sang những người nổi tiếng từ khi làm chủ tịch năm 1995. Ảnh: Standard. |
Vẫn tiếp tục truyền thống đó một cách chọn lọc, Anna Wintour - tổng biên tập hiện tại của Vogue - lại chuyển trọng tâm Met Gala sang những người nổi tiếng từ khi làm chủ tịch vào năm 1995. Không thể phủ nhận rằng từ khi chuyển hướng, Anna đã giúp Met Gala phổ biến toàn cầu.
Bên cạnh các nhà thiết kế gạo cội và có tầm ảnh hưởng đến làng thời trang, khách mời của Met Gala bao gồm những ngôi sao giải trí, thậm chí là nhân vật mới nổi, nhằm thu hút thêm sự chú ý cho sự kiện.
Người lựa chọn và quản lý danh sách khách mời không ai khác ngoài Anna Wintour. Danh sách khách mời chỉ nằm gọn trong khoảng 600-750 người và đều phải ăn mặc đúng chủ đề khi tham dự sự kiện.
Khách mời của Met Gala đều là những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng tới thời trang. Ảnh: Insider, Popsugar. |
Một công dân bình thường có thể không am hiểu gì về thời trang hay các nhà mốt nhưng không thể không biết tới ngôi sao hạng A hay ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Tập trung vào đối tượng khách mời này chính là sự khôn ngoan của Anna, bởi điều đó cũng có nghĩa bà sẽ thu hút được lượng lớn những người theo dõi Met Gala, dù không phải tín đồ thời trang.
Vốn là người chủ chốt và có quyết định cuối cùng về mọi thứ của Met Gala từ khách mời tới chủ đề, "bà đầm thép" lại không bao giờ tuân theo dresscode do chính mình đặt ra. Bà có thể mặc mọi thứ mình muốn, đặc biệt là thể hiện niềm đam mê với loạt thiết kế của Chanel.
Chẳng thế mà người ta còn nói đùa nhau rằng Met Gala là trò chơi búp bê của Anna Wintour, do bà có khả năng quyết định họ sẽ mặc gì.
Là người ra chủ đề nhưng Anna Wintour chẳng khi nào mặc đúng dresscode. Ảnh: Getty, Glamoure. |
Dresscode là thử thách thời trang thực sự
Dàn khách mời của Met Gala đều biết rằng phải mặc đúng yêu cầu trang phục khi tới sự kiện. Nghe có vẻ đơn giản, song Anna Wintour đâu phải người mang đến mọi thứ sẵn có và dễ dàng như vậy.
Dẫu là sự kiện thời trang đình đám và được chú ý hàng đầu, khách mời cũng không thể tận dụng cơ hội này để lấy vài bài báo scandal nhờ việc khoe thân hay ăn mặc lố lăng, nếu còn muốn tiếp tục được xuất hiện ở những mùa sau. Thời trang ở Met Gala là văn minh và đẳng cấp.
Chẳng thế mỗi lần được đưa ra, chủ đề của sự kiện thời trang này lại khiến dàn khách mời phải đau đầu trong khoản lựa chọn trang phục. Chủ đề những năm trước có thể kể đến như Công Giáo (2018), Avant-garde (2017), Công nghệ (2016), Trung Hoa (2015), Điểm nhấn thời trang (2019).
Dresscode là thử thách thực sự đối với dàn khách mời. Ảnh: Daily Mail. |
Với dresscode mỗi năm một khác, dàn khách mời có cơ hội thể hiện tư duy thời trang trong việc lựa chọn trang phục, nhà mốt đồng hành cũng như tầm hiểu biết về chủ đề. Cũng bởi lý do đó, dù không có phần trao giải cụ thể, thảm đỏ Met Gala vẫn không khác gì trận chiến đích thực để khách mời có thể khẳng định vị thế bản thân một cách rõ ràng nhất.
Vì vậy, tại Met Gala, giới mộ điệu sẽ được chiêm ngưỡng không chỉ những bộ đồ lộng lẫy nhất mà còn đắt giá nhất. Nhiều ngôi sao không ngại việc bỏ ra cả "núi tiền" để có màn xuất hiện hoành tráng trên thảm đỏ bữa tiệc thời trang lớn nhất hành tinh.
"Bà Wintour đã sử dụng sự hiểu biết sâu sắc về thời trang và vai trò của chính mình trong vũ trụ ấy. Từ đó, bà biến sự kiện xã hội hạ cấp thành cơn bão trên thảm đỏ. Nó vượt qua giải Oscar, ít nhất là về mặt thời trang", nhà phê bình thời trang New York Times - Cathy Horyn - nhận xét về Met Gala vào năm 2006.
Một số ngôi sao vẫn mắc phải lỗi phản cảm và không theo đúng chủ đề. Ảnh: Vogue. |
Tuy nhiên, theo Elle, 90% người tham dự đều mặc sai dresscode dù trên mạng có rất nhiều bài viết phân tích và cung cấp thông tin về chủ đề của buổi lễ.
Bên cạnh lý do hạn chế về mối quan hệ với các thương hiệu hay nhà thiết kế có trang phục phù hợp chủ đề, nhiều ngôi sao vẫn chọn cách ăn mặc khác biệt, độc đáo và thậm chí là gây tranh cãi để được nhắc nhớ nhiều hơn đồng nghiệp.
Nơi tôn vinh thành tựu thời trang đẳng cấp
Bên cạnh mục đích gây quỹ thường niên cho Viện trang phục của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Met Gala cũng là dịp tôn vinh những nhà thiết kế gạo cội của làng thời trang như Alexander McQueen, Rei Kawakubo…
Bên trong buổi triển lãm Met Gala 2018. Ảnh: Hyebeast. |
Chủ đề được lựa chọn qua các năm cũng thường bao trùm nhiều khía cạnh khác nhau chi phối nền nghệ thuật đương đại như Cơ thể địa đàng: Thời trang và những tưởng tượng Công giáo, Manus x Machina: Thời trang trong kỷ nguyên công nghệ, Punk: Từ Hỗn loạn cho tới Thời trang…
Chẳng hạn như chủ đề gây tranh cãi của Met Gala năm 2019 về những điểm nhấn thời trang, bảo tàng Metropolitan đã trưng bày khoảng 200 hiện vật mỹ thuật và thời trang từ những năm thuộc thế kỷ 17, đặc biệt là từ thời cung điện Versailles đến hiện tại.
Khách tham quan từng được chiêm ngưỡng một số thiết kế mang tính chủ đề được trưng bày trong tủ kính như chiếc váy thiên nga của Marjan Pejoski, hay thiết kế của Alessandro Michele cho BST Gucci Thu 2016/17, của Jeremy Scott cho BST Moschino Xuân 2017.
Một số thiết kế được trưng bày trong bảo tàng Metropolitan vào năm 2019. Ảnh: Metropolitan Museum of Art. |
Thời trang và công giáo tưởng chừng như không liên quan nhưng cũng trở thành chủ đề khó nhằn của Met Gala một thời. Trong đó, các tác phẩm nghệ thuật đương đại đến từ những bậc thầy Công giáo vĩ đại nay lại trở thành nguồn cảm hứng, xuất hiện trên thảm đỏ cùng những ngôi sao nổi danh.
Khán giả đã được chiêm ngưỡng rất nhiều trang phục cầu kỳ, tỏa sáng theo đúng tinh thần của chủ đề. Từ hình ảnh ẩn dụ như vầng hào quang, hình ảnh dấu thánh, hay các màu sắc đặc trưng như vàng, đỏ, xanh đều được các khách mời tận dụng triệt để tại Met Gala 2018.