Nhóm nhân khẩu học của fan Kpop đã thay đổi khi Hallyu (Làn sóng Hàn Quốc) ngày càng mở rộng. |
Hà Vy (sinh năm 1995) là người hâm mộ cuồng nhiệt của các nhóm nhạc Kpop Super Junior, T-ara và NCT Dream.
Khi Super Junior tổ chức show diễn ở TP.HCM hồi tháng 3, cô đã gác lại công việc tại Đà Nẵng để có thể tham dự. Vy cũng bay sang Malaysia để xem concert của NCT Dream vào cuối tháng 5.
Nhưng tất cả những chuyến đi này đều được Vy thực hiện một cách "bí mật". Chỉ một số người bạn thực sự thân thiết mới biết hành trình của cô.
"Tôi không thích người khác nói ra nói vào về sở thích cũng như cách tiêu tiền của mình", Vy chia sẻ.
Khi tìm kiếm từ "fan cuồng" trên Google, 40 trong số 100 bài viết đầu tiên đề cập đến fan Kpop. Những bài viết còn lại liên quan đến chủ đề thể thao, sao US-UK, người nổi tiếng Việt Nam, trò chơi điện tử, showbiz Hoa ngữ...
Fan cuồng, những người bị ám ảnh quá mức đối với thần tượng, tồn tại trong mọi lĩnh vực, nhưng khi nhắc đến từ này, nhiều người lại có xu hướng nghĩ đến fan Kpop.
Đó là lý do Vy và một số người hâm mộ khác không thích công khai sở thích của mình. Bắt đầu trở thành fangirl (người hâm mộ là nữ giới) từ những năm còn học trung học, Vy từng không ít lần nghe người khác nói những điều tiêu cực về Kpop.
"Ngày nay, thái độ nhìn chung đã thay đổi nhiều, chủ yếu theo hướng tích cực, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy một số người nhíu mày khi nghe nói đến fan Hàn Quốc", Vy nói.
Thuật ngữ xúc phạm
CedarBough Saeji, giáo sư thỉnh giảng về Văn hóa Hàn Quốc tại Đại học Indiana, Mỹ, nói rằng người hâm mộ Kpop thường bị chế giễu là có "sở thích thấp kém". Một trong những biểu hiện của quan niệm sai lệch này là coi tất cả người hâm mộ Kpop đều là "những cô gái nhỏ chưa trưởng thành".
"Từ lâu, tuổi tác và giới tính đã được sử dụng như một vũ khí chống lại fan Kpop".
Ở Hàn Quốc, thậm chí còn có một thuật ngữ xúc phạm các fan girl, "Bbasooni", có nghĩa là "cô gái trẻ hâm mộ mù quáng những nam ca sĩ lớn tuổi hơn".
huật ngữ "Bbasooni" trong tiếng Hàn được cho xúc phạm fan Kpop và phụ nữ. |
Thuật ngữ này được đặt ra vào những năm 1990 khi các nghệ sĩ nam như ban nhạc rock Seo Taiji and Boys trở thành ngôi sao nổi tiếng ở xứ kim chi. Truyền thông Hàn thường xuyên đưa tin về các fan nữ đầu tư rất nhiều thời gian, công sức vào các hoạt động hâm mộ thần tượng.
Nhà phê bình âm nhạc Kim Young Dae ở Seattle (Mỹ) nói thêm rằng về bản chất "Bbasooni" hoàn toàn không phù hợp vì đang xúc phạm cả fan Kpop lẫn phụ nữ.
"Khi một người đàn ông dành tiền mua xe hơi hoặc những món đồ đắt tiền khác, anh ta thường không bị chỉ trích. Nhưng khi nói đến fangirl Kpop, nhiều người nghĩ rằng họ chỉ đang phí tiền cho những ngôi sao đẹp trai", Kim chỉ ra.
Giai đoạn của những người hâm mộ bị ám ảnh quá mức thường nổi bật hơn so với thời kỳ của các fandom chân chính. "Tuy nhiên, người hâm mộ Kpop ngày nay đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp", giáo sư Saeji nói.
Định kiến "đu idol"
"Nếu không có EXO, sẽ không có tôi của hôm nay".
Bích Phượng (sinh năm 1994) thường tự hào nhắc về nhóm nhạc nam thần tượng Hàn Quốc yêu thích mỗi khi được hỏi về động lực làm việc.
Ở tuổi 29, cô hiện giữ vị trí trưởng nhóm tại một công ty truyền thông, đồng thời là quản lý của một nghệ sĩ Việt Nam. Bích Phượng tiết lộ chính idol khiến cô rẽ hướng sang lĩnh vực truyền thông.
Sau khi trở thành một phần của cộng đồng người hâm mộ EXO vào năm 2013, cô mạnh dạn tham gia một số dự án Kpop cũng như ứng tuyển vị trí cộng tác tại các fanpage, qua đó tự tìm tòi và học hỏi kỹ năng mềm.
Bích Phượng tại một sự kiện gặp gỡ thần tượng ở Singapore hồi tháng 5. |
Đến nay, dù công việc bận rộn, Bích Phượng cùng hai người bạn vẫn duy trì một fanpage quy mô quốc tế nhằm ủng hộ thần tượng tại Việt Nam, Mỹ và Hàn Quốc. Cô cũng tổ chức sự kiện offline dành cho cộng đồng người hâm mộ thường niên, với quy mô vài chục tới vài trăm người; hay tổ chức quyên góp từ thiện trong và ngoài nước dưới tên thần tượng.
"Có thể nói, việc 'đu idol' đã mang lại cho tôi cơ hội phát triển khả năng mà tôi chưa từng nghĩ đến trước đây", cô chia sẻ.
Tương tự, Tuấn Phạm (sinh năm 1999) cho biết việc hâm mộ thần tượng Kpop mang đến cho anh cơ hội thử sức trong lĩnh vực truyền thông. Anh hiện làm việc tại một agency ở Hà Nội và là fan của nhóm nhạc Hàn Quốc SNSD hơn 12 năm.
Chàng trai 24 tuổi cho biết số lượng fanboy (người hâm mộ là nam giới) trong cộng đồng Kpop có thể không đông đảo bằng fangirl, nhưng cũng chịu nhiều định kiến, cả về xu hướng tính dục.
"Fanboy Kpop thường được mô tả bằng những từ như 'đồng tính', 'đanh đá' hay 'ẻo lả'", anh chia sẻ. Tuấn Phạm cho biết anh chưa từng thấy ai nhận xét mình như vậy một cách trực tiếp, nhưng từng chứng kiến trên mạng xã hội hoặc vô tình nghe được trong các cuộc hội thoại nơi công cộng.
Fan Kpop điển hình là người châu Á, phụ nữ và dưới 24 tuổi, nhưng cũng có hàng triệu người như Bích Phượng hay Tuấn Phạm không phù hợp với nhóm nhân khẩu học này.
Theo Korea Foundation, tổ chức theo dõi người hâm mộ Hallyu, chỉ có 15% người tham dự KCON, sự kiện âm nhạc Kpop thường niên đã được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới, dưới 17 tuổi.
Những người tham gia ở độ tuổi 18-24 chiếm 54%, tiếp theo là nhóm 25-34 tuổi với tỷ lệ 22%. 9% người tham dự lớn hơn 35 tuổi.
Trong số 158.000 người tham dự lễ hội âm nhạc Kpop ở New York và Los Angeles vào năm 2019, 20% là nam giới. Ngay cả BTS, nhóm nhạc nổi tiếng với lượng fangirl hùng hậu, cũng có hơn 11% người hâm mộ là nam giới.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.