Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Vì sao người liên quan ổ dịch mới phải cách ly tập trung 21 ngày?

Nhiều tỉnh, thành quyết định tăng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày với một số trường hợp về từ vùng dịch tễ Hải Dương và Quảng Ninh.

Trong các đợt bùng phát từ năm 2020, Bộ Y tế Việt Nam và nhiều nước trên thế giới áp dụng hình thức cách ly 14 ngày với người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây được xác định là thời gian ủ bệnh với người mang virus SARS-CoV-2 trước khi có triệu chứng bệnh.

Tại đợt dịch vừa bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh, nhiều địa phương áp dụng hình thức cách ly y tế với người đến từ vùng dịch tễ trong vòng 21 ngày. Vì sao có sự thay đổi này?

Truy vết thần tốc, chạy đua với virus "siêu lây nhiễm"

Trong công điện sáng 29/1, Bộ Y tế cho biết tình hình dịch ở Hải Dương rất nghiêm trọng do những bệnh nhân mắc Covid-19 có liên quan trường hợp nhiễm biến chủng "siêu lây nhiễm" B117. Từ hai ca bệnh ban đầu, Việt Nam đã có thêm hơn 200 người mắc mới trong 3 ngày.

vi sao phai cach ly tap trung 21 ngay anh 1

Công nhân có kết quả âm tính sẽ cách ly trong vòng 21 ngày, tính từ 28/1. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tất cả trường hợp liên quan ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh phải được truy vết thần tốc, khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện cách ly tập trung 21 ngày với các trường hợp tiếp xúc gần.

Trong phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngay khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh so với những đợt dịch trước, phạm vi phong tỏa, giãn cách xã hội lần này sẽ rộng hơn, kéo dài đến 21 ngày. Quy định này được áp dụng trên toàn TP Chí Linh (Hải Dương) và vùng dịch Quảng Ninh.

Mới đây, TP.HCM ra quy định về cách ly y tế 21 ngày với người rời Hải Dương, Quảng Ninh từ ngày 28/1. Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết quy định này được áp dụng theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, với trường hợp khác về TP.HCM từ vùng dịch tễ trong thời gian 15-27/1, trung tâm y tế quận, huyện tiến hành điều tra dịch tễ. Thời gian cách ly được áp dụng là từ 14 đến 21 ngày tùy dịch tễ của mỗi người.

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết thời gian ủ bệnh là thời gian từ lúc người lành bị nhiễm virus cho đến khi xuất hiện các triệu chứng bệnh đầu tiên. Đối với bệnh Covid-19, thời gian ủ bệnh vào khoảng 2-14 ngày.

Thời gian trung bình kể từ khi nhiễm virus tới khi có các triệu chứng khởi phát bệnh là 4-5 ngày. Tuy nhiên, gần đây, một số ít bệnh nhân được báo cáo có thời gian ủ bệnh kéo dài hơn 3 tuần. Điều này cần xem xét và đánh giá thêm.

vi sao phai cach ly tap trung 21 ngay anh 2

Biến chủng mới của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng trước đây đến 70%.

Với biến chủng với của virus SARS-CoV-2 tại Anh, TS Hùng nhấn mạnh virus có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Nếu chủng SARS-CoV-2 trước đây mất 5-6 ngày để lây bệnh, chủng mới tại Anh chỉ mất 3 ngày là hết vòng lây nhiễm. Điều này đặt ra vấn đề lớn trong việc truy vết, cách ly trên diện rộng để khoanh vùng dịch.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, cho biết: "Với SARS-CoV-2 biến chủng hiện nay có tốc độ lây lan rất nhanh, do đó, công tác truy vết, khoanh vùng của ngành y tế cần nhanh hơn tốc độ của virus. Để đảm bảo khoanh vùng triệt để, ngành y tế yêu cầu kéo dài thời gian cách ly đến 21 ngày. Dù virus gây bệnh Covid-19 vẫn chỉ ủ bệnh trong 14 ngày, kéo dài thời gian cách ly cũng là điều cần thiết để kiềm chế tốc độ lây lan của biến chủng mới", ông nói.

Làm gì trong 21 ngày?

Trong thời gian cách ly, những người có dịch tễ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Hiện ngành y tế chưa có đầy đủ quy định về mốc thời gian lấy mẫu bệnh phẩm khi cách ly 21 ngày. Tuy nhiên, đại diện HCDC cho biết người cách ly tập trung tại thành phố này được lấy mẫu bệnh phẩm ít nhất 2 lần, gồm ngày đầu tiên và ngày cuối cùng trước khi rời khu cách ly.

vi sao phai cach ly tap trung 21 ngay anh 3

Công tác lấy mẫu xét nghiệm người dân trên địa bàn TP Chí Linh. Ảnh: Thạch Thảo.

"Dù SARS-CoV-2 có biến chủng như thế nào đi nữa thì chúng vẫn là virus hô hấp và không bao giờ lọt qua được lớp chắn của khẩu trang. Trong thời gian thực hiện cách ly, người dân phải luôn luôn mang khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Nhất là khi virus có tốc độ lây lan đến 70%, người cách ly cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định giãn cách, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly", bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Ông nhấn mạnh thời gian này vẫn là "cơ hội vàng" để khoanh các vùng dịch, từ đó giúp phát hiện người nhiễm trong cộng đồng. Khi tất cả được vây lại và cách ly trong vòng 21 ngày, ngành y tế có thể kiểm soát được tình hình, không để virus lây lan âm thầm trong cộng đồng.

"Điều này không đơn giản do điểm cực kỳ nguy hiểm của SARS-CoV-2 là ẩn mình rất tốt trong cộng đồng, ngày càng nhiều người nhiễm không triệu chứng, người lành mang trùng. Với biến chủng mới, trong khi chưa tìm được F1 thì có thể F2, F3 đã bị lây nhiễm. Do đó, người dân cần tuân thủ nghiêm quy định cách ly dù 14 ngày hay 21 ngày. Virus từ người bệnh không lây được cho người tiếp xúc, nghĩa là lúc đó chúng ta đã kiểm soát được tình hình", ông nói thêm.

Để nhận biết người dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, trong 21 ngày này, chính quyền địa phương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân… rà soát toàn bộ người có liên quan dịch tễ Hải Dương và Quảng Ninh.

Các cơ sở y tế kích hoạt hệ thống phòng dịch, lưu thông tin khai báo y tế của người ra vào. Đặc biệt, tất cả người có những biểu hiện bệnh hô hấp và nhân viên y tế cũng được xét nghiệm Covid-19.

'Số lượng bệnh nhân Covid-19 ở Hải Dương có thể tăng lên rất cao' Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định số lượng bệnh nhân Covid-19 tại Hải Dương có thể không dừng lại ở con số 100-200 người.

Người thứ 3 dương tính SARS-CoV-2 ở Hà Nội đã đi đâu?

Bệnh nhân dự một đám cưới ở Thụy Việt, Thái Thụy, Thái Bình, khi cơ thể xuất hiện triệu chứng bệnh.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm