9 tháng sau khi chuyển từ thành phố New York đến Portland, tiểu bang Oregon, Julie Fishkin (39 tuổi) vẫn thấy đó là nỗi mất mát khó nguôi ngoai.
Fishkin là cư dân lâu năm ở New York. Trước đại dịch Covid-19, cô kinh doanh thương mại điện tử trong căn hộ rộng 80 m2 ở khu dân cư Fort Greene. Tháng 3/2020, vợ chồng Fishkin và 2 con chuyển đến nhà của bố mẹ ở tiểu bang Pennsylvania.
Cuối hè năm ngoái, Fishkin phân vân giữa việc trở về Brooklyn hay đi tiếp. Cô tham gia nhóm “Into the Unknown” - nơi quy tụ những người New York đang cân nhắc di cư khỏi thành phố.
Cuối cùng, gia đình Fishkin chọn chuyển tới Oregon. Ban đầu, mọi thứ thật tuyệt vời. Căn nhà họ thuê có sân, khu phố rất sạch sẽ. Cleo, con gái của Fishkin, tham gia trường học trong rừng mỗi tuần một lần. Cuộc sống trôi qua bình dị.
“Càng nói, cuộc sống này nghe càng có vẻ hoàn hảo. Nhưng tôi lại cảm thấy khó chịu. Có lẽ bởi mỗi ngày, tôi chỉ biết đi bộ đến khu mua sắm cùng với xe đẩy, túi xách và 2 đứa trẻ… giống như rất nhiều cư dân ở đây. Không ai làm điều gì mới mẻ cả”, Fishkin nói.
Julie Fishkin và con gái Cleo tại căn nhà ở Portland, Oregon. Từ khi chuyển khỏi thành phố New York, cô nhớ những người bạn cũ ở quận Brooklyn. |
Nhiều trong số 400.000 cư dân New York rời thành phố trong những tháng đầu của đại dịch đã quay trở lại, theo The New York Times.
Tuy nhiên, trong số những người chuyển đi hẳn, không ít cảm thấy quá trình này gây nên sự căng thẳng. Đó là điều xảy đến với các cá nhân sống ở New York lâu năm. Họ cảm thấy hòa quyện với năng lượng, sự đa dạng và văn hóa của thành phố.
Họ nhớ thương New York, đặc biệt khi thành phố bắt đầu mở cửa trở lại, dù biết rằng mình sẽ không quay trở lại.
Tìm kiếm sự thân thuộc
Katherine Loflin, nhà tư vấn nghiên cứu những ràng buộc về cảm xúc và xã hội học, cho biết: “Tìm được nơi ở thích hợp giống như tìm được bạn đời phù hợp. Mọi người có thể ‘hẹn hò’ hoặc ‘kết hôn’ với một địa điểm nhưng cũng có thể ‘ly hôn’ nó”.
Loflin gọi Covid-19 là “ly hôn ép buộc”. Trong đó, các bên thường chia tay nhau không phải vì hết yêu mà do biến cố khiến hôn nhân tan vỡ. “Mọi người sẽ hối tiếc vì mối quan hệ không đi đúng hướng. Họ bắt đầu hành trình mới trong khi vẫn chưa hết yêu nơi từng gắn bó”.
Với nhiều người chuyển từ thành phố New York đến Atlanta, tiểu bang Georgia trong đại dịch, một số nhà hàng mới có cảm giác thân thuộc rõ rệt. |
Sau nhiều năm tiên phong trong việc nghiên cứu “sự gắn bó của con người với địa điểm sinh sống”, Loflin nhận thấy mối ràng buộc này phụ thuộc vào 3 yếu tố: khả năng tận hưởng các cơ hội xã hội, mức độ hài lòng về thẩm mỹ và cảm giác thân thuộc.
Một phân tích của Apartment List cho The New York Times cho thấy từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021, người dân New York tìm kiếm nhà ở 9 khu vực tàu điện ngầm lớn và lân cận thành thị, trung tâm thành phố.
Dân cư New York cũng ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng trên mức trung bình của người thuê, ngay cả ở những thành phố không được biết đến với hệ thống vận chuyển kiểu này. Bên cạnh đó, một tỷ lệ lớn người New York tìm kiếm các hợp đồng thuê nhà ngắn hạn (1-6 tháng) ở địa phương khác.
Igor Popov, nhà kinh tế trưởng của Apartment List, cho biết: “Điều này báo hiệu rằng nhiều người New York không chắc sẽ gắn bó lâu dài với ngôi nhà mới. Họ có thể chỉ đang thử nghiệm”.
Không nỡ rời đi
Charlotte Morgan (38 tuổi), người New York bản địa, không nghĩ sẽ có ngày phải rời xa quê hương.
“Con trai 6 tuổi của tôi thuộc lòng tất cả tuyến tàu điện ngầm. Tôi nghĩ rằng mình sẽ nuôi dạy lũ trẻ khôn lớn ở New York”, cô nói.
Vài năm trước, chồng Morgan được đề bạt vị trí quan trọng tại cơ sở của công ty ở thành phố Houston, tiểu bang Texas. Khi đó, cô không chấp nhận việc chuyển đi. Nhưng khi cơ hội một lần nữa xuất hiện giữa đại dịch, người mẹ 2 con biết đã đến lúc phải đi.
“Điều đó không hề dễ dàng. Tôi cứ khăng khăng nghĩ rằng Manhattan là trung tâm của vũ trụ”, cô nói.
Vào tháng 2, Morgan đi tìm nhà ở ngoại ô Houston. Khi xe rời trung tâm thành phố hơn 10 phút, cô bắt đầu hoảng loạn.
Cuối cùng, gia đình Morgan định cư ở Houston Heights, gần trung tâm thành phố. Nhà của họ ở gần quán cà phê, cơ sở y tế và studio dạy pilates. “Điều này cho phép tôi hy vọng và tin rằng cuộc sống sẽ không hoàn toàn tách biệt khỏi thành phố”, cô nói.
Tuy nhiên, không nơi nào, dù hiện đại tới đâu, có thể thay thế New York.
Vợ chồng Jared Heiman và Zey Halici cùng con trai thường lui tới cửa hàng ở Los Angeles - nơi khiến họ nhớ đến thành phố New York. |
Zey Halici (37 tuổi), cùng gia đình chuyển từ Brooklyn đến Venice, vùng lân cận ở Los Angeles, cho biết: “Bất cứ khi nào xem phim hoặc chương trình nào được quay ở thành phố New York, trái tim tôi lại đau đớn. Năm 2009, khi rời Washington D.C. để tìm kiếm cơ hội việc làm ở New York, tôi chưa bao giờ thấy đau lòng như lần này”.
Halici dành nhiều thời gian ở quán cà phê và tiệm bánh địa phương vì bầu không khí nơi đây gợi nhớ về New York. Tuy nhiên, cô cũng tích cực tìm kiếm đồng hương New York ở Denver và cảm thấy “lập tức gắn bó” khi gặp họ.
Đại dịch đã khiến nhiều người dân New York hiểu rằng trụ lại thành phố là điều không đáng để đánh đổi. Thay vào đó, họ quyết định đưa những gì mình yêu thích về thành phố tới nơi ở mới.
Seon John, đồng sáng lập công ty phát triển bất động sản The John Bennett Group, đã giúp khoảng 10 người New York chuyển đến Atlanta trong đại dịch. Nhiều trong đó là người Tây Ấn đến từ quận Queens và tin rằng họ có thể xây dựng cộng đồng của riêng mình ở phía nam.
Anh nói: “Họ nhìn thấy cơ hội, những lĩnh vực kinh doanh mà ở đây đang thiếu như nhà hàng, CLB giải trí. Người bản xứ gọi đây là ‘đô thị mới’, nhưng cốt lõi và trái tim vẫn là New York”.
Laura Young, một blogger, nói: “Khi New York đã trở nên quá gắn bó, thật đáng sợ khi phải rời đi. Tôi vẫn nói với mọi người rằng hãy dũng cảm và cứ thử chuyển đổi nơi ở. Trong trường hợp tồi tệ nhất, họ có thể chuyển trở lại New York. Ngược lại, họ có thể tìm thấy cuộc sống hạnh phúc, viên mãn hơn”.