Thời còn đi học, qua một số bài khóa tiếng Anh, tôi đã được biết đến thói quen dùng bữa trưa và bữa tối rất muộn của người Tây Ban Nha. Tuy nhiên, việc biết trước điều này không giúp tôi bớt ngạc nhiên khi có cơ hội tới thăm đất nước ven bờ Địa Trung Hải và trải nghiệm văn hóa ẩm thực của nơi đây.
Tôi đã bị "sốc" trong hầu hết thời gian lưu lại Tây Ban Nha khi phần lớn các cuộc hẹn ăn trưa hoặc ăn tối không nằm trong khung giờ quen thuộc với người Việt Nam (và nhiều nước khác nữa trên thế giới). Tôi được một người bạn hẹn ăn trưa lúc 14h. Một lần khác, tôi được báo rằng bữa tối tại một nhà hàng được xếp hạng 1 sao Michelin sẽ bắt đầu lúc 21h. Vào các khoảng thời gian này, nhiều đầu bếp ở các quốc gia khác đã thu dọn xong khu bếp của họ.
Nhưng đó là giờ hẹn có mặt tại nhà hàng và bữa ăn chỉ thưc sự được bắt đầu sau đó từ 30-45 phút. Vì sao người Tây Ban Nha lại có nhịp sinh hoạt khác thường như vậy?
Nhiều quán ăn ở thủ đô Madrid và trên toàn Tây Ban Nha thường có khu vực quầy bar. Đây là nơi nhiều người sẽ ngồi tán gẫu với bạn bè hoặc người thân. Họ cùng uống rượu và dùng một số đồ ăn nhẹ, rồi sau đó mới bắt đầu ăn trưa hoặc ăn tối. |
Múi giờ sai gần 80 năm
Nhiều người nghĩ rằng giờ ăn muộn của người Tây Ban Nha là vì phong cách thư thái đặc trưng Địa Trung Hải. Tuy nhiên, lý do thật sự lại khác thường hơn thế. Người Tây Ban Nha đã sống trong múi giờ sai suốt gần 8 thập kỷ qua.
Nếu bạn nhìn trên bản đồ, bạn sẽ thấy Tây Ban Nha ở cùng kinh độ với Anh, Bồ Đào Nha và Morocco. Vì thế, đất nước này lẽ ra sẽ theo giờ GMT (Greenwich Mean Time). Tuy nhiên, Tây Ban Nha lấy giờ theo CET (Central European Time - Giờ chuẩn Trung Âu). Bởi vậy, thủ đô Madrid có chung múi giờ với thủ đô Belgrade của Serbia ở cách đó 2.500 km về phía đông.
Vì sao người Tây Ban Nha sống trong múi giờ khác với vùng địa lý của mình?
Năm 1940, Tướng Francisco Franco đã đổi múi giờ của Tây Ban Nha, với việc chỉnh giờ nhanh lên một tiếng để bằng với giờ của Đức Quốc xã.
Với những người dân Tây Ban Nha, vốn đang phải chịu đựng cuộc nội chiến, phàn nàn về việc thay đổi nói trên thậm chí còn không phải là điều thoáng qua trong tâm trí. Họ vẫn giữ thói quen ăn uống như trước đó, nhưng vì đồng hồ đã đổi giờ, bữa trưa lúc 13h của họ trở thành bữa ăn lúc 14h, trong khi bữa tối từ 20h thành 21h.
Theo BBC, sau khi Thế chiến II kết thúc, những chiếc đồng hồ chưa bao giờ được điều chỉnh lại. Tuy nhiên, vào năm 2016, Thủ tướng Tây Ban nha Mariano Rajoy đã thông báo rằng chính phủ khi đó đang lên kế hoạch thực hiện một ngày làm việc kết thúc lúc 18h thay vì 20h. Một phần quan trọng của kế hoạch là đánh giá khả năng đổi múi giờ của Tây Ban Nha từ CET thành GMT. Diễn biến này đã làm dấy lên những tranh cãi gay gắt trong cả nước.
Sống trong múi giờ chậm hơn 60 phút so với múi giờ chuẩn theo địa lý đồng nghĩa với việc thấy mặt trời mọc và lặn đều muộn hơn. Tây Ban Nha có những "buổi tối mùa hè thật dài" với hoàng hôn lúc 22h. Những người sở hữu các khu nghỉ dưỡng ở Tây Ban Nha tin rằng nhiều ánh nắng mặt trời là một điểm hấp dẫn rất lớn đối với du khách. Chính quyền vùng quần đảo Balearic phản đối mạnh mẽ việc quay lại múi giờ GMT và thậm chí còn vận động cho việc duy trì giờ mùa hè (CET+1) trong cả năm để giúp du khách có thể tận dụng khí hậu mùa đông ấm áp của vùng này.
Một nhà hàng tại Madrid có khu bếp được thiết kế mở để thực khách có thể trực tiếp theo dõi các đầu bếp chế biến và nấu các món ăn. Chúng tôi tới đây lúc 21h và chỉ thực sự dùng những món đầu tiên sau đó khoảng 30 phút. |
Nếu không thể đổi múi giờ, hãy tiếp tục ăn muộn
Tuy nhiên, với nhiều người Tây Ban Nha, sống trong múi giờ không chuẩn dẫn tới việc thiếu ngủ và giảm năng suất lao động. Một ngày làm việc điển hình ở Tây Ban Nha bắt đầu lúc 9h sáng. Sau 2 giờ nghỉ ăn trưa từ 14h-16h, người lao động trở lại làm việc và ra về lúc 20h. Giờ làm việc muộn khiến người Tây Ban Nha buộc phải để dành đời sống xã hội của họ cho buổi tối muộn. Giờ vàng của truyền hình chỉ bắt đầu từ 22h30.
Việc đổi giờ sẽ khó xảy ra tại Tây Ban Nha bởi nó sẽ kéo theo rất nhiều xáo trộn trong đời sống và có thể tác động đến nền kinh tế. Người Tây Ban Nha đã quen ăn muộn và coi đó là một nét văn hóa đặc trưng.
Với những du khách nước ngoài, giờ ăn muộn của đất nước trên bán đảo Iberia có thể gây nên đôi chút khó khăn nhưng ẩm thực phong phú của quốc gia này sẽ là sự bù đắp xứng đáng. Trong buổi chiều đầu tiên ở Madrid, tôi và nhóm bạn của mình tới một quán ăn gần quảng trường Puerta del Sol. Dù khá đói vì phải đi bộ nhiều và thích nghi với giờ ăn lệch nhịp sinh học lúc 14h, chúng tôi đã quên hết mệt mỏi khi được thưởng thức món thịt bò Chuletón giòn tan hay những lát thịt bò muối Jamon đậm đà.
Khi đã quen với giờ ăn của người Tây Ban Nha, chúng tôi thậm chí còn cảm thấy thú vị với phong cách sống khác biệt của người dân ở đây. Trong chuyến đi ngắn tới Barcelona ở cuối hành trình khám phá Tây Ban Nha, tôi và một người bạn của mình đã phải chờ khá lâu để một quán ăn gần sân vận động Camp Nou chuẩn bị các món ăn trưa. Chúng tôi tới đây khi đồng hồ chỉ 13h30 và chủ quán nhất quyết chờ tới 14h mới bắt đầu việc nấu nướng vì cho rằng các vị khách của ông đã tới quá sớm.
Nhưng sự chờ đợi của chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng. Món cơm hải sản Paella ngon trứ danh dùng cùng với đồ uống Sangria đặc trưng Tây Ban Nha đã giúp chúng tôi quên đi một ngày mưa gió dầm dề ở Barcelona. Cũng trong ngày mưa ấy, chúng tôi đã phải chờ khá lâu trong một quán ăn chỉ để họ chờ đến đúng giờ bữa tối (21h) mới bắt đầu làm món thịt bò Chuletón.
Nếu có lần trở lại Tây Ban Nha, tôi sẽ vẫn sẵn lòng thử thách nhịp sinh học của mình với giờ ăn muộn của đất nước này, bởi những món ăn mang phong vị Địa Trung Hải đặc trưng luôn bù đắp tất cả.
Chúng tôi dùng món khai vị này cho bữa trưa tại một nhà hàng 1 sao Michelin ở ngoại ô thành phố cổ Toledo khi đồng hồ đã chỉ gần 15h30. |