Sona Boker (25 tuổi, người Iraq) tự ti về hình dạng chiếc mũi của mình ngay từ khi còn nhỏ. Năm 11 tuổi, Sona đã muốn đi phẫu thuật để chỉnh hình chiếc mũi gỗ.
“Khi còn là thiếu nữ, tôi thường tự hỏi tại sao mũi mình không nhỏ nhắn, dễ thương như các bạn mà lại có kích thước to vậy”, cô gái kể lại.
Sự tự ti lớn đến nỗi Sona làm đủ cách để tránh bị chụp ảnh từ góc nghiêng bên cạnh bởi nó dễ làm lộ đường nét của chiếc mũi. “Từ rất lâu, tôi đã tự dạy mình cách tạo dáng sao cho chiếc mũi trông nhỏ hay bớt thô nhất có thể”, cô cho hay.
Nỗi ám ảnh của Sona với dáng vẻ của chiếc mũi không hề cá biệt, mà là tâm lý chung của rất nhiều nữ giới trên thế giới. Mũi là tâm điểm, trung tâm của gương mặt, được coi là điểm dễ gây chú ý, tạo ấn tượng đầu tiên với người đối diện khi giao tiếp.
Bella Hadid hối hận vì phẫu thuật thẩm mỹ năm 14 tuổi. Ảnh: Andreas Rentz. |
Mũi là tâm điểm khuôn mặt
Cùng với mắt và môi, mũi là một trong những đặc điểm nổi bật nhất trên gương mặt. Một chiếc mũi cân đối, hấp dẫn giúp làm tôn lên các đặc điểm còn lại. Nói cách khác, bộ phận này đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng các nét khác, quyết định vẻ ngoài hài hòa.
Chính vì vậy, kích thước và hình dạng của chiếc mũi mang ý nghĩa thẩm mỹ, tác động lớn đến ngoại hình cá nhân. Do đó, điều dễ hiểu là nhiều phụ nữ cảm thấy phiền lòng nếu hình dạng mũi không ưng ý, thiếu "ăn nhập" với các bộ phận khác và sẵn sàng bỏ tiền để đi chỉnh sửa lại.
Theo Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Mỹ, hơn 220.000 ca “làm mũi” được hoàn thành mỗi năm. Điều đó làm cho nâng mũi trở thành một trong những quy trình phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất.
Từ năm 2014, các số liệu thống kê đã cho thấy sự gia tăng đáng kể số lượng các ca phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó sửa và nâng mũi chiếm vị trí cao nhất. Việc đông đảo các người đẹp nổi tiếng ở Hollywood nhờ dao kéo can thiệp để có chiếc mũi cân đối, thon gọn càng khiến công chúng quan tâm và bắt chước theo.
Nâng, sửa mũi là một trong những thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất. Ảnh: USA Today. |
"Thủ thuật nâng mũi phổ biến cho cả nam và nữ giới. Vì mũi là đặc điểm dễ thấy nhất trên khuôn mặt nên chỉ cần trải qua một thay đổi nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt hoàn toàn trong việc cải thiện diện mạo của một người", bác sĩ Elise Bevan, giải thích một số lý do khác khiến xu hướng này trở nên phổ biến và dần quen thuộc trong thập kỷ qua.
Việc sửa mũi có thể làm tăng hoặc giảm kích thước bộ phận này, hoặc giảm khoảng cách giữa hai lỗ mũi hay thay đổi góc giữa mũi và môi trên. Hầu hết bệnh nhân cho biết ca phẫu thuật không gây đau đớn nhưng thường phải mất từ 3 đến 6 tháng để vết sưng tấy mới giảm bớt hoàn toàn và dáng mũi mới ổn định.
Các bác sĩ nhấn mạnh việc phẫu thuật không nhằm tạo ra "chiếc mũi hoàn hảo", mà tạo ra một chiếc mũi trông tự nhiên và hài hòa với các đường nét khác, tôn lên tổng thể khuôn mặt tươi tắn. Chiếc mũi được coi là đẹp trên gương mặt này có thể sẽ thành "lạc quẻ" khi đặt vào một gương mặt khác.
Thông thường, các bác sĩ sẽ điều chỉnh kích thước của mũi, hoặc trong một số trường hợp là điều chỉnh hình dạng và cấu trúc, nhưng luôn hướng tới kết quả trông tự nhiên và tinh tế. Mục tiêu chính là thay đổi diện mạo mà không làm lộ rõ rằng khách hàng đã phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngoài lý do thẩm mỹ, nguyên nhân khác còn là cải thiện chức năng thở, sửa dị tật ở mũi...
Farrah Nousha (29 tuổi) từng bị bắt nạt vì hình dáng chiếc mũi. Dima Akkash (bên phải) hối hận vì từng đi sửa mũi. Ảnh: Vice. |
Hối hận
Trong buổi phỏng vấn gần đây với tạp chí thời trang Vogue vào năm ngoái, siêu mẫu Bella Hadid thừa nhận đã phẫu thuật chỉnh sửa mũi vào năm 14 tuổi và cho biết cô rất hối hận.
“Tôi ước rằng mình giữ chiếc mũi ban đầu. Tôi nghĩ mình sẽ lớn lên cùng với nó”, cô nói với Vogue.
Các tiêu chuẩn sắc đẹp thông thường, cùng với ảnh hưởng của mạng xã hội, khiến đông phụ nữ mệt mỏi vì phải chạy theo và tìm cách phẫu thuật thẩm mỹ cho mũi của mình đẹp hơn.
Còn trên TikTok, Sona thường xuyên bắt gặp những bức ảnh “trước và sau” của những người đã sửa mũi hoặc sử dụng bộ lọc chỉnh ảnh khiến chiếc mũi cao, thon gọn và hợp thị hiếu số đông.
‘Khi trở thành một influencer trên mạng, tôi bắt đầu dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh và càng chú ý hơn về chiếc mũi. Vài năm trước, tôi bay đến Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành nâng mũi, để mọi người không còn gọi tôi là mũi phù thủy hay mũi quạ được nữa”, Dima Akkash (21 tuổi, người Syria), kể lại.
Vẻ ngoài được cải thiện sau phẫu thuật song Dima không vui vẻ hoàn toàn.
“Đụng chạm dao kéo xong, hầu hết mọi người đều nghĩ tôi là người châu Âu. Tôi không thích gương mặt mình hiện giờ như tôi nghĩ. Nhiều người theo dõi nhắn tin xin tôi lời khuyên sửa mũi, nhưng tôi không muốn họ mắc sai lầm tương tự. Tôi cũng không muốn các cô gái trẻ tin rằng mũi chỉ nhỏ mới đẹp được”, cô cho hay.
“Tôi từng bị gia đình, bạn bè ở trường bắt nạt, chê bai vì mũi xấu, sau đó tôi trở nên bất an. Mọi người luôn cười cợt về nó, làm tôi thực sự tin rằng chiếc mũi của mình rất xấu xí. Bất cứ khi nào nói chuyện với ai đó, tất cả những gì tôi nghĩ là làm thế nào để định vị cơ thể mình để làm cho mũi trông đẹp hơn hoặc ít bị chú ý hơn", Farrah Nousha (29 tuổi), kể lại.
Sau đó, Farrah bắt đầu dùng app chỉnh ảnh để làm cánh mũi nhỏ đi và nuôi mong muốn đi sửa mũi. Sau cùng, cô từ bỏ ý định vì nghĩ làm vậy đồng nghĩa với việc đánh mất bản thân.
"Mặc dù tôi đã tự tin, đôi khi mọi người vẫn nói những điều ác ý như một đồng nghiệp cũ từng bảo 'bạn thực sự xinh xắn, giá như bạn đi sửa mũi'. Tôi là người Marocco, chúng tôi được biết đến với những chiếc mũi to và tôi tự hào về điều đó", cô khẳng định.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.