Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao nhiều thí sinh chê trường đại học?

Kết thúc 40 ngày xét tuyển vào đại học, cao đẳng nhưng nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu, trong đó có cả những trường công lập.

Thi khối A được 18,75 điểm, thí sinh Đỗ Hồng Ngọc (Nam Định) quyết định chỉ chọn 2 ngành để nộp hồ sơ NV1 vào ĐH Thủy lợi là Kinh tế và Quản trị kinh doanh. Đến chiều ngày cuối cùng nộp hồ sơ NV1, biết mình không có khả năng đỗ, Ngọc quyết định không rút hồ sơ và cũng không nộp NV2 vào trường nào, chấp nhận trượt ĐH.

Chia sẻ về quyết định của con gái, anh Đỗ Ngọc Hùng cho biết, Ngọc chỉ có nguyện vọng học hai ngành đã nộp tại ĐH Thủy lợi, nên không quan tâm đến trường, cũng như ngành khác. Lý do nữ sinh đưa ra là thi hai ngành trên để sau này tốt nghiệp, về quê làm tại doanh nghiệp địa phương. Nếu không đỗ, Ngọc sẽ ở nhà học nghề.

Điểm chuẩn cao nhất Cao đẳng Cảnh sát nhân dân là 28,25

Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I vừa công bố mức điểm trúng tuyển vào trường. Mức điểm chuẩn cao nhất dành cho thí sinh nữ thi khối C là 28,25 điểm.

Khi chúng tôi hỏi tại sao không chọn ngành đó ở trường thấp điểm hơn, Ngọc trả lời, vì không muốn học trường ngoài công lập. Chính vì vậy, học sinh này chọn ở nhà, dù đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 có thể đỗ vào nhiều trường.

Tương tự, thí sinh Nguyễn Hoàng Nam (quê Vĩnh Phúc) được 17 điểm khối A. Trượt NV1 nhưng Nam cũng không chọn trường nào làm “bến đỗ” NV2. Nam sinh cho rằng, nhiều trường thậm chí chưa từng... nghe tên, nên có học thì sau này cũng khó xin việc.

Nam đã nộp hồ sơ làm công nhân tại khu công nghiệp của tỉnh. “Em chỉ phải học nghề thời gian ngắn, rồi đi làm ngay, không mất tiền đào tạo, có luôn thu nhập” – Nam tâm sự về lựa chọn của mình.

Thí sinh đi đâu?

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT khi công bố ngưỡng chất  lượng tối thiểu, số thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên có 530.000 em, trong khi chỉ tiêu ĐH  xét tuyển kỳ thi THPT quốc gia là 350.000. Như vậy, hệ số dư 1,52 cao hơn năm trước. Nếu tính từ 12 điểm trở lên, số đăng ký xét tuyển vào cả ĐH, CĐ là 620.000. Nếu so với chỉ tiêu hệ CĐ 150.000, hệ số dư là 1,8. Có thể nói, nguồn tuyển khá dồi dào.

Nhưng, thực tế lại khác. Trong NV1, số thí sinh trúng tuyển khoảng 70%. Các nguyện vọng còn lại chỉ còn 30% thí sinh đạt từ ngưỡng tối thiểu trở lên. 50% số trường còn lại chưa tuyển đủ chỉ tiêu sẽ phải “chia nhau vớt” số 30% thí sinh chưa trúng tuyển NV1.

Mặt khác, năm nay, thí sinh biết điểm rồi mới nộp hồ sơ nên hoàn toàn chủ động lựa chọn. Điều này cũng gây ra bất ngờ đến “ngã ngửa” đối với một số trường ĐH.

Mọi năm, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội chỉ khó tuyển đối với một số ngành nhất định và chỉ tuyển đến NV2 là đủ. Nhưng năm nay, NV2 đã xong nhưng trường vẫn còn thiếu đến 700 chỉ tiêu.

Có trường ĐH ngoài công lập còn ngạc nhiên sao năm nay không thấy thí sinh đến nộp hồ sơ, trong khi mọi năm, trường tổ chức thi 3 chung, hàng nghìn thí sinh đăng ký. Hiện ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thiếu trên dưới 3000 chỉ tiêu nữa.

Không có gì bất ngờ

Theo phân tích của một chuyên gia giáo dục, tình trạng trường không có thí sinh đến học xảy ra đã vài năm nay. Một trong những nguyên nhân chính là sự phát triển ồ ạt của các trường ĐH trong thời gian dài không tính đến nhu cầu của xã hội.

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc các trường tuyển được hay không có nhiều yếu tố, cụ thể là uy tín trường, quan niệm xã hội về sự hấp dẫn nghề nghiệp và chính sách nhà nước (ví dụ khối công an quân đội)…

Bà Phụng cũng phân tích thêm, sở dĩ khối công an, quân đội “đắt hàng” vì tuyển sinh đồng thời với tuyển dụng, quá trình học lại được bao cấp hoàn toàn.

Cũng theo bà Phụng, trong điều kiện trường tự chủ tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho các trường  bằng cách: Phối hợp cơ quan truyền thông để hỗ trợ các trường và thí sinh trong tư vấn tuyển sinh, công bố chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện đăng ký xét tuyển…

Ngày 3/9, đoàn công tác của Bộ GDĐT đã tới thăm một số trường có tỷ lệ tuyển sinh thấp và được nhà trường cho biết việc tuyển sinh qua đợt 2, đợt 3 cũng là điều bình thường, tương tự như các năm qua.

Hàng loạt đại học chưa tuyển được sinh viên

Bộ GD&ĐT vừa công bố thông tin tuyển sinh nguyện vọng bổ sung đợt 2 tính đến chiều 11/9. Theo đó, nhiều ngành học của các trường top dưới vẫn thiếu thí sinh.

Phan Lê

Bạn có thể quan tâm