Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao nhiều trẻ em thích tham gia gameshow truyền hình?

Khi tham gia trò chơi truyền hình, nhiều trẻ em bị áp lực lớn từ phía dư luận và tổn thương. Cán bộ tâm lý trong các trò chơi truyền hình rất quan trọng.

Tiến sĩ Tâm lý Ragnhild Dybdahl (Phó đại sứ Na Uy tại Việt Nam) đã có những chia sẻ về những trò chơi truyền hình và trẻ em trong hội thảo khoa học quốc tế về tâm lý học đường lần thứ V.
Ảnh hội thảo tâm lý
Ảnh hội thảo tâm lý học đường.

- Theo bà, tại sao ngày càng có nhiều các trẻ em yêu thích và tham gia các gameshow truyền hình?

- Có thể do sự hào nhoáng của các chương trình truyền hình đem lại. Mỗi thí sinh khi lên truyền hình đều được ăn mặc lộng lẫy, các em được gặp những người nổi tiếng, và chính các em cũng sẽ trở nên nổi tiếng. Ngoài ra, cũng không loại trừ lý do vì phần thưởng có giá trị.

- Còn những ảnh hưởng không mong muốn từ các trò chơi truyền hình có thể giải quyết bằng cách nào?

- Các ê-kíp sản xuất có thể mời chuyên gia tư vấn tâm lý cho các thí sinh và cả người nhà thí sinh. Đây là một quy định bắt buộc trong các trò chơi truyền hình tại Mỹ và châu Âu. Qua hội thảo CASP – V, tôi thấy ở Việt Nam đã có những chương trình như Chinh phục - Vietnam’s Brainiest Kid áp dụng phương pháp này, và rõ ràng tránh được cho các em thí sinh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy đến trước, trong và sau cuộc thi. Tôi đánh giá cao việc Vietnam’s Brainiest Kid coi trọng việc giúp những người chơi nhỏ tuổi trưởng thành hơn về tâm lý, kể cả khi các em không phải là người thắng cuộc. Có thể nói, Chinh phục là một trong số ít các chương trình khoa giáo, văn học nghệ thuật gợi mở phát triển và nuôi dưỡng đời sống tâm hồn của các thí sinh và khán giả nhí.

Những chuyên gia tâm lý của chương trình Chinh phục.
Những chuyên gia tâm lý của chương trình Chinh phục.

- Bà có lời khuyên gì đối với các bạn học sinh có mong muốn tham gia các gameshow truyền hình?

- Các em hãy cứ làm những gì các em nghĩ là đúng, đừng ngại ngần khi thể hiện bản thân mình. Tuy vậy, hãy nghe những lời khuyên của bố mẹ các em trước khi đưa ra quyết định có tham gia một chương trình truyền hình nào đó. Các chương trình truyền hình có thể sẽ giúp các em mạnh dạn hơn, có thêm kiến thức, có thêm bạn bè, trải nghiệm, và trên hết là một kỉ niệm đẹp, nhưng không thể thay đổi toàn bộ cuộc đời của các em được. Và không phải chương trình truyền hình nào cũng có sự chuẩn bị đủ tốt về tâm lý cho người chơi. Như vậy, khi chưa hiểu rõ quyền lợi của mình, trẻ em phải đánh cược khi quyết định tham gia một chương trình truyền hình.

- Việc thực hành tâm lý học đường không chỉ ở trường học, mà cả những môi trường xã hội mở khác như các chương trình truyền hình sẽ giúp trẻ em Việt dễ dàng thích nghi với những biến đổi của xã hội hiện đại trong thời đại toàn cầu?

- Dĩ nhiên là như vậy. “Trẻ em Việt Nam được đánh giá là thông minh nhưng không sáng tạo. Vậy đó có phải là do giáo dục hay không?” là một trong những câu hỏi được đặt ra cho các nhà tâm lý học đường tại hội thảo CASP-V lần này.

Ngành tâm lý học ở Việt Nam đang phát triển và có những kết quả đáng kể. Đây là liệu pháp phù hợp chung cho một xã hội đang từng ngày phát triển với những nảy sinh mới, do đó mọi người cần lĩnh hội phương pháp sống tích cực, từ đây đủ khả năng và đủ bản lĩnh để hội nhập với thế giới rộng lớn. Giữa những sang chấn về tâm lý với những tổn thất về kinh tế chưa chắc bên nào tác hại nặng nề hơn bên nào. Bởi lẽ này, quảng bá lý luận và tổ chức thực hành về tâm lý học ở càng nhiều cơ sở xã hội là rất cấp thiết.

Hồng Minh

Bạn có thể quan tâm