Trưa 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê (58 tuổi), nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, để điều tra về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến việc cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng.
Chân dung ông Trầm Bê. Ảnh: Phượng Nguyễn. |
Theo kết luận điều tra mới đây của Bộ Công an, Phạm Công Danh sau khi mua lại Ngân hàng Đại Tín đã thực hiện việc tái cơ cấu và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Bản thân VNCB liên tục mất thanh khoản, rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Ngoài ra, năm 2013, VNCB cần tất toán khoản vay 1.700 tỷ cho BIDV.
Ngày 19/4/2013, ông Phạm Công Danh cùng ông Phan Thanh Mai, Mai Hữu Khương và Nguyễn Quốc Viễn đến gặp ông Trầm Bê, khi đó ông này còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank. Sau khi bàn với nhau, Sacombank đồng ý cho ông Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng.
Cảnh sát khám xét nơi ở của ông Trầm Bê tại quận Bình Tân vào chiều 1/8. Ảnh: Lê Trai. |
Sau nhiều lần chỉ đạo, ông Phan Đình Tuệ, thành viên hội đồng tín dụng Sacombank là người trực tiếp triển khai việc cho VNCB vay 1.800 tỉ đồng.
Mặt khác, ông Phạm Công Danh chỉ đạo các thuộc cấp làm khống hồ sơ vay theo phương án kinh doanh bất động sản. Qua đó tạo ra 6 hồ sơ vay của 6 công ty do ông Phạm Công Danh làm chủ.
Thực hiện chỉ đạo của ông Trầm Bê, ông Phan Huy Khang và Phan Đình Tuệ đã làm việc với ông Bùi Văn Thành, Giám đốc Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và bà Trần Thị Hải Triều, Giám đốc Samcombank chi nhánh quận 8, TP.HCM. Hai chi nhánh này trực tiếp xuất 1.800 tỷ đồng cho 6 công ty kể trên vay. Để "tiện" làm hồ sơ, hai bên thống nhất việc trao đổi qua điện thoại một số nội dung.
Ông Trâm Bê bị khởi tố, bắt tạm giam vì những sai phạm liên quan đến 1.800 tỷ đồng cho Phạm Công Danh vay. Ảnh: Thăng Long. |
Phối hợp nhịp nhàng với đối tác, nhân viên Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và quận 8 vừa lấy tài liệu do Khương cung cấp, vừa lập hồ sơ tín dụng như hợp đồng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn, hợp đồng bảo lãnh cầm cố giấy tờ có giá do Sacombank phát hành. Tổng số tiền gửi dùng để đảm bảo khoản vay 1.800 tỷ đồng của VNCB thời điểm đó là 1.854 tỷ đồng.
Từ đây ông Phạm Công Danh dùng tiền tất toán các khoản vay gần 1.650 tỷ đồng cho BIDV.
Sau một năm, các công ty trên không thể tất toán nên Sacombank tự động thu nợ gốc 1.800 tỷ đồng và lãi vay 35 tỷ đồng từ khoản tiền gửi liên ngân hàng VNCB dùng để thế chấp.
Kết luận giám định về sai phạm của cơ quan điều tra tại số 3912/KLGĐ-NHNN ngày 27/5/2016 về việc Sacombank cho 6 công ty trên vay 1.800 tỷ đồng là sai phạm.
Sacombank xem xét quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vay để xác định tính khả thi, hiệu quả phương án vay. Cũng như khả năng tất toán của khách hàng là chưa đủ điều kiện cho vay theo quy định.
Theo kết luận điều tra, Sacombank không thiệt hại trong việc cho vay 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, bản kết luận này đánh giá VNCB thiệt hại số tiền 1.835 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, 15 cá nhân tại Sacombank như ông Trầm Bê, Chủ tịch HĐQT; ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc; ông Phan Đình Tuệ, thành viên HĐQT... có hành vi sai phạm nghiêm trọng trong việc cho vay.
Liên quan đến đại án Phạm Công Danh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an, đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Thị Trang (tức Trang 'phố núi'). Người phụ nữ này được cho là giúp sức đắc lực cho Phạm Công Danh rút hàng nghìn tỷ đồng trái phép ra khỏi VNCB.