Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Vì sao phim trả thù đẫm máu như 'The Glory' thống trị màn ảnh Hàn Quốc

Các phim gây tiếng vang của Hàn Quốc trong thời gian gần đây như "The Glory" cho thấy sự lên ngôi của thể loại phim báo thù, phơi bày mặt tối xã hội.

Trong bài bình luận trên The Korea Herald hồi đầu tháng 2, Kim Seong-kon, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul và là học giả thỉnh giảng của Đại học Dartmouth, giải thích rằng "Hallyu" (hay Làn sóng Hàn Quốc) vốn phát triển từ các bộ phim truyền hình tình cảm lãng mạn như Bản tình ca mùa đông, Trái tim mùa thu, Nàng Dae Jang Geum.

"Trong các bộ phim này, những người trẻ tuổi yêu nhau bất chấp thử thách và trở ngại, hoặc cố gắng hoàn thành mục tiêu cao cả là trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Những bộ phim truyền hình như vậy miêu tả Hàn Quốc là một nơi lãng mạn, có bề dày lịch sử mà người nước ngoài muốn đến thăm", Kim viết.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, "mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn" với sự lên ngôi của thể loại phim báo thù, phơi bày những mặt tối, góc khuất, hiện thực xã hội, ông nói.

Thể loại báo thù

Trong các bộ phim Hàn Quốc ăn khách thời gian gần đây - chẳng hạn như The Glory, Eve, Taxi Driver hoặc Revenge of Others - "nhân vật chính, người bị ám ảnh bởi sự báo thù, dùng cả cuộc đời để trả thù ai đó vì những lỗi lầm mà họ đã gây ra trong quá khứ", Kim nói.

Trong một số bộ phim, mục tiêu báo thù thường là những kẻ bắt nạt học đường hoặc các doanh nhân giàu có và quyền lực.

"Một trong những vấn đề chưa được thừa nhận với những bộ phim truyền hình trả thù như vậy là chúng vô tình miêu tả Hàn Quốc như một vùng đất của oán hận", Kim nêu ý kiến.

"Dù không cố ý, những bộ phim này cũng khiến Hàn Quốc trở thành một xã hội tràn lan nạn bắt nạt học đường. Việc công khai như vậy có thể khiến đất nước trở thành một nơi kém hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài".

Kim cho biết sự xuất hiện đột ngột của thể loại có thể là kết quả của việc ngày càng có nhiều người tin rằng họ là "nạn nhân của bất công xã hội".

the glory phan 2 anh 1

"The Glory" xoay quanh kế hoạch trả thù sau 18 năm bị bắt nạt ở trường trung học của nữ chính.

Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước thành viên OECD. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người trong độ tuổi 12-39.

Với tỷ lệ sinh là 0,8 và chỉ có 200.000 trẻ sơ sinh/năm, mức sinh đã xuống mức thấp nghiêm trọng, chưa kể đến dân số già đi nhanh chóng. Giới trẻ Hàn Quốc đang từ bỏ việc hẹn hò, kết hôn và sinh con.

Trong Chỉ số Hạnh phúc Thế giới do Liên Hợp Quốc công bố năm ngoái, Hàn Quốc xếp thứ 59 trong số 146 quốc gia. Xếp hạng về hỗ trợ xã hội, lòng khoan dung đối với người khác và nhận thức tích cực về đất nước đặc biệt thấp.

Hầu hết người Hàn Quốc nghĩ rằng họ không hạnh phúc. Dù giàu hay nghèo, họ đều cảm thấy bất mãn và bất hạnh trong địa vị của mình.

"Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như bầu không khí xã hội cạnh tranh quá mức, việc so sánh với những người khác đã trở nên dễ dàng hơn nhờ mạng xã hội và sự bất lực về kinh tế. Ngày nay, sự bất hòa trong xã hội, thái độ thù địch giữa các nhóm và lòng căm thù tột độ là những nguyên nhân chính phá hoại hạnh phúc trong cuộc sống", Kwon Jun-soo, giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, cho biết.

Jungmin Kwon, phó giáo sư tại Đại học Bang Portland ở Oregon, người chuyên về văn hóa đại chúng Đông Á, không chắc liệu có sự gia tăng đáng kể nào về số lượng các bộ phim báo thù hay không.

"Đúng là người Hàn Quốc rất nhạy cảm với những vấn đề liên quan đến bất công xã hội, khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng kinh tế. Tuy nhiên, đây không phải là một thể loại mới, mặc dù độ nhạy cảm có thể đã tăng lên gần đây".

Lo sợ bắt chước?

Kwon nói với DW rằng phim truyền hình Hàn Quốc đã chứng kiến ​​sự chuyển đổi sang các câu chuyện và nhân vật đa dạng hơn.

"Các bộ phim truyền hình từng tập trung vào tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa hoặc cổ trang. Nhưng giờ đây, với sự tiến bộ của công nghệ truyền thông, chúng ta sống trong thời đại mà đa nền tảng và đa kênh đang cạnh tranh để thu hút sự chú ý", bà giải thích.

Sự cạnh tranh khốc liệt đã buộc các nhà cung cấp nội dung phải tìm kiếm chất liệu, góc nhìn mới và nhiều nhân vật khác nhau, đặc biệt nếu họ muốn thu hút phân khúc khán giả trẻ quan trọng nhất.

"Các thể loại như huyền bí, tội phạm, giả tưởng và hành động, trước đây ít được sử dụng trong ngành truyền hình, đang gia tăng. Về mặt nhân vật, chúng ta thấy ngày càng có nhiều chương trình truyền hình có nữ chính, nam chính và nhân vật đồng tính, mặc dù chủ yếu là vai phụ".

David Tizzard, trợ lý giáo sư giáo dục tại Đại học Nữ sinh Seoul, cho biết phim truyền hình Hàn Quốc là "một hiện tượng văn hóa mới" xuất hiện từ các loạt phim trên đài phát thanh về giai đoạn khó khăn của đất nước trong những năm 1950-1960.

Khi truyền hình màu trở thành chủ lực, Kdrama cũng phát triển theo hướng tương tự và thành công nhờ dàn diễn viên được tuyển chọn kỹ lưỡng.

the glory phan 2 anh 2

"Revenge of Others" thuộc chủ đề bắt nạt, bạo lực học đường.

"Những bộ phim đó tập trung vào mối tình tay ba và đề cao những người thành thị đang khám phá sự hiện đại hóa. Chúng là những mô tả giả tưởng về cuộc sống được viết bởi giới thượng lưu của đất nước, để mang lại cảm giác thoát khỏi thực tế nghèo đói mà người dân phải trải qua".

Những bộ phim này, được ví như "phiên bản lãng mạn hóa của một cuộc sống đơn điệu, bảo thủ hơn", gây được tiếng vang ở châu Á cũng với lý do tương tự.

"Tuy nhiên, nếu mọi người xem phim truyền hình ngày nay, tôi khá chắc rằng họ có thể nghĩ ngay Hàn Quốc là nơi bắt nạt khủng khiếp, bạo lực và chết chóc".

Theo Tizzard, những chất liệu đó dường như gây được tiếng vang và rất phổ biến ở phương Tây.

"Đó là cách giúp phim Hàn dễ tiếp cận hơn với lượng khán giả lớn, ngoài người xem chủ yếu là phụ nữ châu Á".

Tuy nhiên, Tizzard bác bỏ ý kiến của Kim Seong-kon cho rằng sự lên ngôi của thể loại báo thù có thể dẫn đến hành vi bắt chước ngoài đời thực.

"Đó là một lối suy diễn cũ, giống như cách nghĩ Rock and roll là âm nhạc của ma quỷ hay người chơi game có xu hướng bạo lực. Tôi không tin những bộ phim này sẽ ảnh hưởng đến lượng lớn khán giả trong xã hội và biến họ thành những người đứng ngoài pháp luật.

Sẽ luôn có những sự cố riêng lẻ và tất nhiên chúng nên được xử lý nghiêm túc, nhưng tôi không tin rằng những thể loại báo thù sẽ tạo ra sự gia tăng xu hướng tìm cách trả thù người khác", Tizzard nhấn mạnh.

Vì sao nhà sản xuất 'Taxi Driver 2' chọn Việt Nam để quay phim

Kdrama lấy bối cảnh nước ngoài được cho sẽ thu hút các nhà tài trợ, quảng cáo, công ty du lịch quốc tế, nhưng đồng thời vẫn góp phần thúc đẩy "làn sóng Hàn Quốc".

Tuổi trẻ vô định và dễ sa ngã

Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.

Lê Vy

Ảnh: Netflix

Bạn có thể quan tâm