Thèm ăn là biểu hiện rõ rệt khi phụ nữ mang thai. Ảnh: Shutterstock. |
Hầu hết phụ nữ mang thai đều bất chợt cảm thấy muốn ăn một thứ gì đó, đôi khi vào những giờ khác nhau trong ngày. Đây được xem là biểu hiện phổ biến nhất khi mang thai.
Chia sẻ với HerZindagi, tiến sĩ Bhavna S Mehta - chuyên gia tư vấn cấp cao sản khoa và phụ khoa tại bệnh viện Cloudnine, Chennai (Ấn Độ) - đã lý giải nguyên nhân và thời điểm phụ nữ cảm thấy thèm ăn trong quá trình mang thai.
Định nghĩa và nguyên nhân của sự thèm ăn
Theo bà Mehta, thèm ăn được định nghĩa là cảm giác bất chợt thèm một món ăn nào đó và không thể kiểm soát được trong thời kỳ mang thai. Đối với một số bà mẹ, tình trạng này có thể diễn ra trong giai đoạn đầu của thai kỳ (từ tháng đầu tiên đến tháng thứ 3). Sau đó, nó sẽ đạt đỉnh điểm trong giai đoạn tháng 4-6 và giảm dần khi sắp sinh. Tùy theo sở thích ăn uống, thai phụ có thể thèm mặn, ngọt hoặc cay.
"Không nhiều thai phụ biết đây là cách để cơ thể bù đắp sự thiếu hụt dưỡng chất. Ví dụ, nếu một phụ nữ mang thai thèm ăn kem, có thể họ đang cần canxi. Trường hợp thai phụ thèm một loại thức ăn nào đó không lành mạnh, bạn có thể chọn những loại thức ăn thay thế tương tự để giải quyết tình trạng này. Chẳng hạn sữa chua kèm một ít chocolate đen hoặc nước trái cây là lựa chọn thay thế tốt hơn cho kem", bà Mehta cho biết.
Bà Mehta nhận định đối với phụ nữ, mang thai là quãng thời gian vui vẻ. Nó sẽ truyền tín hiệu đến não và hormone dopamin được giải phóng trong cơ thể - đây là một trong những chất dẫn truyền thần kinh quan trọng thúc đẩy động lực, hành vi mong muốn.
Tiến sĩ Mehta chỉ ra một nghiên cứu gần đây đã giải thích vai trò của các cơ chế thần kinh cùng với sự thay đổi nội tiết tố dẫn đến cảm giác thèm ăn hoặc những thứ khác. Do đó, cảm giác thèm ăn khi mang thai chính là cảm giác thèm ăn của bộ não khi mang thai.
Phụ nữ cần ăn uống lành mạnh trong thời kỳ mang thai. Ảnh: Shutterstock. |
Tầm quan trọng và cách vượt qua cảm giác thèm ăn
Rõ ràng, thèm ăn là cách cơ thể biểu hiện sự thiếu hụt, vì vậy, bà Mehta nhấn mạnh sản phụ không cần cố phớt lờ cảm giác này. Thay vào đó, sản phụ nên giải quyết cảm giác thèm ăn bằng các phương án lành mạnh.
Cụ thể, nếu thai phụ tăng cân quá mức và dinh dưỡng không hợp lý, cuộc sống của người mẹ lẫn em bé có thể ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, thai phụ cần phải tìm ra những lựa chọn tối ưu để giải quyết cảm giác thôi thúc bất ngờ.
Bên cạnh đó, nhiều thai phụ cũng cảm thấy thèm ăn những thứ không phải thực phẩm, bao gồm phấn, đất sét, bụi bẩn, nước đá, xà phòng... Tình trạng này được gọi là Pica và chúng xuất hiện do sự thiếu hụt chất sắt trầm trọng trong cơ thể.
Theo bà Mehta, thỉnh thoảng, thai phụ sẽ cảm thấy khó chịu kèm theo tiết nhiều nước bọt. Tình trạng này được gọi là Ptyalism, thường xuất hiện do sự kích thích của tinh bột với tuyến nước bọt.
Một vài bí quyết giúp vượt qua cảm giác thèm ăn được liệt kê là: Ăn nhiều loại thực phẩm; bổ sung đủ hydrat trong cả ngày; lên kế hoạch cho các bữa ăn nhỏ hoặc ăn theo khẩu phần nhỏ sau 2-3 giờ; duy trì hoạt động bằng cách tập thể dục ở mức độ nhẹ đến vừa phải; tiêu thụ thực phẩm bổ dưỡng như các loại hạt, trái cây, thịt nạc và bánh mì; sử dụng ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế tiêu thụ caffeine; duy trì lối sống lành mạnh.
Ăn uống khoa học không còn là vấn đề xa lạ với mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ thời điểm và loại thức ăn phù hợp để áp dụng. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến độc giả cuốn sách Ăn gì, khi nào - tác giả Michael CrupainMichael RoizenTed Spiker.
Cuốn sách khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.