Dưới đây là bài chia sẻ của bà mẹ hai con Nguyễn Phương Trang (sinh năm 1982, Hà Nội) về hiện tượng xổ bụng sau sinh cùng Zing.vn:
Xổ bụng sau sinh là vấn đề thường gặp của các chị em và tôi cũng không ngoại lệ. Tại sao người gầy nhưng vẫn như đeo một cái túi trước bụng? Tại sao sinh con xong lại bị đau lưng? Tại sao tập và ăn kiêng mà bụng không nhỏ lại?
Bản thân tôi từng trải qua quá trình tập luyện và ăn uống lành mạnh, vóc dáng đã săn chắc hơn nhưng vùng bụng vẫn như còn một túi mỡ. Mỡ là một phần nguyên nhân, nhưng lý do chính bởi hai cơ vùng bụng bị tách đôi.
Thông thường, cơ bụng trái và phải được giữ với nhau bằng các mô, chịu trách nhiệm giữ nội tạng phần bụng nằm yên ở vị trí của nó. Khi mang thai hoặc béo phì, mô này bị kéo quá căng dẫn đến hai phần cơ trái và phải tách xa nhau gây ra hiện tượng "xổ bụng". Lúc này, nội tạng không có cơ bụng giữ, vùng lưng cũng bị ảnh hưởng và gây ra hiện tượng đau lưng sau sinh. Vì vậy, nếu bạn tìm cách chữa bằng châm cứu, vật lý trị liệu, uống thuốc cũng không có tác dụng.
Sau sinh, hai cơ vùng bụng có xu hướng cách xa nhau gây xổ bụng. Ảnh: Healthy Habits. |
Không phải mẹ nào sinh con xong cũng bị xổ bụng, nghiên cứu cho thấy có 35-62% phụ nữ bị hiện tượng này. Đây là lý do vì sao có người nhanh chóng lấy lại vóc dáng hoặc rất lâu, thậm chí không bao giờ nếu không tập luyện và ăn kiêng đúng cách.
Hai cơ bụng trái, phải tách nhau quá 2,5 cm có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ. Chúng có quan hệ chặt chẽ với xương chậu, tách cơ có thể gây ra đau lưng, táo bón.
Để tránh bị xổ bụng, bạn không nên để cơ thể béo phì hoặc mang thai quá lớn. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ tập luyện thường xuyên sau khi sinh con sẽ ít bị bệnh này hơn người ít hoạt động.
Làm thế nào để biết bạn có bị xổ bụng?
Bạn nằm co chân, nâng vai lên, lấy ngón tay ấn vào giữa bụng phần trên rốn. Nếu cảm thấy khoảng cách giữa hai cơ thì bạn đang bị xổ bụng. Tuỳ mỗi người, khoảng cách này có thể từ 1-2 ngón tay cho tới cả nắm đấm cho những trường hợp nghiêm trọng. Nếu quá nghiêm trọng, ta có thể khắc phục bằng phẫu thuật. Người ở mức độ nhẹ sau một thời gian cơ sẽ tự liền.
Cách kiểm tra xổ bụng. Ảnh: Befitmom.
|
Việc tập luyện đúng cách rất quan trọng. Có những động tác tập bụng không cải thiện được vấn đề mà còn làm chúng tồi tệ hơn. Những động tác yoga như up-dog, cow pose, triangle pose, tập bụng nâng cả chân và vai, hay nâng 2 chân lên (double leg extension), gập bụng (crunches), đạp xe (bicycles), sẽ không tốt với người bị bệnh lý này.
Nếu bạn thấy khoảng cách giữa hai cơ dưới hai ngón tay thì cơ bụng đang dần liền lại. Phụ nữ ở bất kỳ lứa tuổi nào, sinh con bao nhiêu lần, đều có thể lành lại được. Chăm chỉ tập luyện và ăn uống lành mạnh bạn sẽ rút ngắn thời gian hồi phục đồng thời giảm mỡ ở khu vực này.