Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao sinh viên chán ghét học online?

"Học online giống như chế độ ăn kiêng dành cho thanh niên 18 tuổi. Ở tuổi 18, bạn muốn đến lớp nhưng khi 28 tuổi, đã có gia đình, công việc, bạn nhận ra học online hữu ích hơn".

Zing trích dịch bài viết trên New York Times nói về những hạn chế của chương trình giáo dục đại học trực tuyến trong mùa dịch và lý do sinh viên mong muốn trở lại trường hơn là học online tại nhà.

Giáo sư tại Đại học Loyola New Orleans dạy lớp học ảo đầu tiên từ sân nhà trong khi mặc áo tắm và nhấm nháp rượu vang. Một khoa tại trường Cao đẳng Lafayette ở Pennsylvania hướng dẫn sinh viên chế tạo máy ảnh tại nhà từ thùng các tông và dây cao su.

Còn tại trường Hamilton, ở New York, các trạm wifi được lắp đặt để hỗ trợ giảng viên dạy trực tuyến. Sinh viên một khóa học âm nhạc tại Virginia Tech được yêu cầu tạo video TikTok.

Đó là những gì đang diễn ở các trường đại học trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Dù tất cả được gọi chung là giáo dục trực tuyến, theo New York Times, những điều này không phải là giáo dục trực tuyến đúng nghĩa và sẽ chưa thể thay thế giảng đường như nhiều người suy đoán.

sinh vien khong thich hoc online anh 1
Học sinh, sinh viên nhiều nước học online vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Vijay Govindarajan, giáo sư trường Kinh doanh Dartmouth’s Tuck, cho biết: "Giáo dục trực tuyến là sử dụng công nghệ kỹ thuật số để chuyển đổi các trải nghiệm học tập. Điều đó không đúng với hiện tại. Thực tế chúng ta chỉ có 8 ngày để đưa mọi thứ lên Zoom mà thôi".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, làn sóng chuyển đổi trực tuyến sẽ có một số tác động quan trọng và lâu dài cho giáo dục. Ví dụ, các trường có thể kết hợp các công cụ trực tuyến vào các lớp học thông thường. Sinh viên đang trải qua một kiểu học linh hoạt, có thể chưa kịp thích nghi ngay lúc này, nhưng sẽ thấy hiệu quả về sau.

Lớp học thụ động, chỉ tập trung vào người dạy

Tiến sĩ Eric Fredericksen, phó giám đốc giáo dục đại học tại Trung tâm học tập kỹ thuật số, Đại học Rochester, cho rằng xây dựng và phát triển một khóa học trực tuyến chất lượng có thể mất một năm, bao gồm đào tạo giáo viên, cơ sở hạ tầng, công nghệ... Trong khi đó, các trường chỉ có 7-8 ngày để làm điều này, do tính cấp bách của đại dịch.

Chính vì vậy, kết quả nhận được không như ý. Bill Cope, giáo sư ngành chính sách giáo dục, tổ chức và lãnh đạo tại Đại học Illinois, lo lắng sinh viên chán ghét học online sẽ không bao giờ muốn trở lại cách học này.

"Sinh viên ghét việc học online vì tất cả những gì chúng ta đang làm là sử dụng Zoom để tái tạo mọi thứ, kể cả phương thức giảng dạy thụ động, chỉ tập trung vào người dạy", giáo sư Cope nói.

sinh vien khong thich hoc online anh 2

Sinh viên thích trở lại trường, chán ghét việc học online. Ảnh: institucional.

Trước đại dịch, sinh viên tỏ ra khá hào hứng với việc học online. Công ty tư vấn Eduventures ước tính, khoảng 20% sinh viên Mỹ đã đăng ký các lớp học trực tuyến vào đầu năm học 2018.

Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát gần đây với 1.300 sinh viên của nhà cung cấp luyện thi trực tuyến OneClass, hơn 75% cho biết trải nghiệm học tập qua Zoom không chất lượng. Trong cuộc thăm dò 14.000 sinh viên đại học và sau đại học của trang niche.com vào tháng 4, 67% cho biết các lớp trực tuyến không hiệu quả bằng các lớp học trực tiếp.

Những con số cho thấy khả năng sinh viên bỏ lớp học thực để gia nhập trường học ảo là rất thấp. Trong mùa dịch, sinh viên cảm thấy tiếc nuối hoạt động giáo dục hàng ngày trước đó: lớp học ít công nghệ, đa dạng văn hóa, hoạt động ngoại khóa, thể thao, thư viện, giao tiếp xã hội...

"Học online giống chế độ ăn kiêng của thanh niên 18 tuổi"

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng giáo dục đại học trực tuyến là xu hướng và sinh viên sẽ quay lại vào một ngày không xa, khi thực sự sẵn sàng.

Học online đem lại một số lợi ích như cho phép sinh viên học với tốc độ riêng, tính năng đánh giá liên tục, nâng cấp nội dung dễ dàng...

Richard Garrett, giám đốc nghiên cứu của Eduventures, nói: "Học online giống như chế độ ăn kiêng dành cho thanh niên 18 tuổi. Ở tuổi 18, bạn muốn đến lớp nhưng khi 28 tuổi, đã có gia đình, công việc, bạn nhận ra học online hữu ích hơn".

Cuộc khảo sát trên 1.000 người của Strada Education Network cho thấy một nửa số người Mỹ trưởng thành muốn tiếp tục học online sau đại dịch.

sinh vien khong thich hoc online anh 3

Giống sinh viên, giảng viên cũng gặp nhiều khó khăn khi dạy online. Ảnh: AP.

Cùng với sinh viên, các giảng viên cũng đang phải tự "bơi" khi dạy trực tuyến. Michael Moe, giám đốc điều hành của GSV Asset Management, nói: "Một số người sẽ chìm, một số người sẽ bò lên, trèo ra ngoài và không bao giờ quay lại bể bơi nữa. Nhưng nhiều người sẽ biết phải làm gì và giữ vững phong độ".

Theo John Rogers, lãnh đạo giáo dục công nghệ tại quỹ Rise, bộ phận hành chính và các giáo viên đang thay đổi thái độ nhìn nhận về giáo dục trực tuyến. Các khoa sẽ xem xét phần nào có thể được thay thế và phần nào có thể được bổ sung bằng công nghệ để chuyển đổi giáo dục đại học trong tương lai.

"Các trường đại học nên coi học kỳ này là một thử nghiệm để xem phần nào chuyển sang học online là hiệu quả nhất", tiến sĩ Govindarajan nói.

Ông cho rằng các khóa học có nội dung cơ bản có thể dùng video của các giáo sư hàng đầu, chia sẻ online để giảm học phí. Còn những sinh viên ở các lớp như nghệ thuật biểu diễn hoặc cần phòng thí nghiệm, sẽ tiếp tục học trực tiếp.

"Hãy tận dụng thời điểm này để bắt đầu một cuộc thảo luận rộng hơn về toàn bộ chương trình giáo dục đại học. Chúng ta không nên để vụt mất cơ hội này", ông Govindarajan nói.

Du học sinh kiện trường ĐH, mong lấy lại tiền vì chỉ được học online

Đối mặt với phí sinh hoạt đắt đỏ và việc học online kém chất lượng, nhiều sinh viên bức xúc vì nhà trường không hoàn trả tiền học và phí cho các dịch vụ mà họ không sử dụng.


Lê Vy

Bạn có thể quan tâm