Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao thai 'đi lạc'?

Một số sai lầm trong chăm sóc sức khỏe từ nhiều năm trước khi mang thai cũng có thể góp phần khiến quá trình thụ thai không suôn sẻ.

Thai lạc chỗ hay còn gọi là thai ngoài tử cung là một trong những biến chứng rất nguy hiểm của sản khoa. Bào thai ngày một lớn lên ở vị trí không phù hợp, không đủ không gian và điều kiện phát triển nên có thể vỡ ra bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.

Không phải lúc nào cũng vô căn

Nhiều người vẫn suy nghĩ thai ngoài tử cung là “xui rủi”, tuy nhiên, sau 2 lần khổ sở vì bị thai ngoài tử cung, chị N.T.K. (32 tuổi) lên diễn đàn trò chuyện và gặp được khá nhiều người cùng hoàn cảnh. “Đến bây giờ, tôi mới biết chị em bị thai lạc chỗ nhiều quá” - chị cập nhật một dòng chia sẻ trên diễn đàn sau khi đọc tâm sự của vài người. Trong các dòng tâm sự, nhiều người cho biết bác sĩ (BS) đã xác định được nguyên nhân cụ thể chứ không phải vô căn như họ nghĩ lúc đầu. Đa số nguyên nhân đến từ sự bất thường của vòi trứng và những ảnh hưởng xấu của các thủ thuật buồng tử cung trước đó.

“Thai ngoài tử cung là thai không đi vào buồng tử cung sau khi thụ tinh như thông thường mà bám lại ở các vị trí không đúng như vòi trứng, góc tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, ổ bụng... Thai bám vào sẹo mổ lấy thai cũng được coi là  ngoài tử cung” - BS Dương Phương Mai, Phó giám đốc Y khoa, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, giải thích.

BS Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ, phân tích: “Quá trình thụ tinh thường diễn ra ở 1/3 ngoài của vòi trứng, sau đó thai di chuyển từ từ vào buồng tử cung. Nếu vì lý do nào đó quá trình di chuyển bị cản trở thì sẽ gây ra thai ngoài tử cung”.

Siêu âm thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM.

Đừng coi nhẹ viêm nhiễm

Theo BS Mai, những trường hợp thai ngoài tử cung mà nguyên nhân không rõ ràng; người đã có con bình thường nhưng lần mang thai sau lại lạc chỗ; người mang thai đầu gặp sự cố nhưng lần sau thì bình thường... Tuy nhiên, một số nguyên nhân xuất phát từ bản thân người phụ nữ có thể khiến thai “đi lạc”, trong đó các nguyên nhân không tránh khỏi như thủ thuật buồng tử cung vì bệnh lý trước đó, cũng có những nguyên nhân từ cách chăm sóc sức khỏe phụ khoa không tốt, đó là tình trạng viêm nhiễm kéo dài và lạm dụng việc phá thai.

BS Mai cảnh báo tình trạng viêm nhiễm kéo dài, không được điều trị đúng cách có thể làm biến dạng vòi trứng, ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ quan sinh sản của phụ nữ. Viêm nhiễm là bệnh lý phụ khoa phổ biến, không khó trị và nhiều người không quan tâm lắm nhưng nếu để kéo dài thì đó lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến thai lạc chỗ và thậm chí là vô sinh. Việc phá thai nhiều lần - dù là phá thai an toàn - vẫn có thể làm ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản nên cách suy nghĩ coi phá thai như một biện pháp tránh thai là rất nguy hiểm. Phá thai không đúng quy trình hay gặp biến chứng, nhiễm trùng thì mức độ ảnh hưởng còn cao hơn.

Không phát hiện rất nguy hiểm

Theo BS Hải, thai ngoài tử cung nguy hiểm nhất khi không được phát hiện đúng lúc và bị vỡ, gây xuất huyết. Ở nhiều trường hợp, tình trạng xuất huyết diễn ra bên trong nên bệnh nhân và người nhà không đánh giá được tình hình, nhập viện trễ dẫn đến tính mạng bị đe dọa. Trường hợp các cô gái thử que và biết có thai, muốn phá nhưng bằng bằng thuốc lậu với suy nghĩ “làm vậy cho an toàn”. Thực ra, phá thai nội khoa (bằng thuốc) cũng có nguy cơ như ngoại khoa, cần được thực hiện tại BV và khám kỹ. Thai ngoài tử cung mà lỡ uống thuốc sẽ gây tai biến.

Thai ngoài tử cung tuy rất nguy hiểm nhưng không phải không có cách phát hiện. Thai phụ được khuyến cáo đi khám thai, siêu âm vào khoảng 2-3 tuần sau khi trễ kinh. Lần khám thai này nhằm mục đích trả lời một số câu hỏi: "Có thai hay không? Thai có phát triển không? Bao nhiêu thai? Thai có nằm trong buồng tử cung hay không?... Nếu thai chưa vào buồng tử cung thì phải theo dõi chặt chẽ để kịp thời phẫu thuật nếu thực sự bào thai “đi lạc”. “Có một số triệu chứng nên nghĩ đến thai ngoài tử cung và kịp thời đưa thai phụ đến BV sản gấp, đó là đau bụng dữ dội, ra huyết âm đạo, trễ kinh và đột ngột ngất xỉu...” - BS Hải khuyên.

Coi chừng thuốc tránh thai khẩn cấp

Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, ngày nay, nhiều người, nhất là giới trẻ, chưa lập gia đình dùng thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên. 

Loại thuốc nội tiết này vốn được sản xuất để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, hiệu quả tránh thai không cao và chỉ được dùng giới hạn. Càng lạm dụng, hiệu quả tránh thai càng thấp, dễ mang thai ngoài ý muốn; đồng thời gây rối loạn kinh nguyệt, giảm nhu động ở vòi trứng, từ đó tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

http://nld.com.vn/suc-khoe/vi-sao-thai-di-lac-20150409205115261.htm

Theo Anh Thư /Báo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm