Tại các nước sử dụng hệ thống pháp luật chung (Common Law), hình ảnh những vị thẩm phán cùng luật sư xuất hiện với chiếc áo choàng đen và bộ tóc giả trắng tại phiên tòa không phải điều xa lạ. Đây từng là những phụ kiện bắt buộc, đặc biệt tại những phiên tòa hình sự.
Việc luật sư không đeo tóc giả thậm chí từng bị coi là sự xúc phạm đối với những người tham gia tố tụng.
Vậy tóc giả xuất phát từ đâu. Và tại sao đây từng là phụ kiện bắt buộc đối với những người tham gia tố tụng ở thế kỷ trước?
Tóc giả từng được sử dụng để đảm bảo sự vô danh tính cho các thẩm phán và luật sư tại phiên tòa. Ảnh: Ana Cristina Blumenkron. |
Thế kỷ 16, bệnh giang mai bắt đầu hoành hành tại châu Âu. Số ca bệnh tại châu lục này tăng đột biến, đi kèm với đó là tỷ lệ hói đầu và rụng tóc ngày một cao. Khi đó, tóc giả bắt đầu trở nên phổ biến và được nhiều người sử dụng như một công cụ che giấu khuyết điểm của bản thân.
Tuy nhiên, nó chỉ thực sự trở thành xu thế khi hoàng đế Louis XIV của Pháp sử dụng tóc giả để giấu đi mái đầu hói của bản thân trong giai đoạn 1643-1715. Nhiều người nghi ngờ đây là hậu quả của căn bệnh giang mai.
Từ đó, tóc giả trở thành biểu tượng của phong cách thời trang thế kỷ 17 và được giới trung lưu, thượng lưu tại châu Âu sử dụng như một biểu tượng của sự đẳng cấp. Hoàng đế Charles II của Anh sau đó đã cho nhập khẩu những bộ tóc giả từ Pháp. Ông cho rằng những bộ tóc này thể hiện cho sự giàu có, quyền lực, và những người đội nó có vị thế xã hội cao hơn thường dân.
Một bộ tóc giả thường được làm hoàn toàn từ thứ nguyên liệu đắt tiền là bờm ngựa. Mức giá dao động của mỗi sản phẩm thường vào khoảng hơn 600 USD (tóc ngắn) và hơn 3.000 USD (tóc dài).
Năm 1685, chính hoàng đế Charles II đã chỉ thị giới thẩm phán và luật sư tại Anh phải đội những bộ tóc này. Ông cho rằng nó mang tới sự trang nghiêm cho phiên tòa và khẳng định vị thế, uy quyền của giới thẩm phán, luật sư tại tòa án.
Bên cạnh đó, tóc giả còn đảm bảo sự vô danh tính cho các luật sư và thẩm phán tại phiên tòa, ngăn cách họ bởi những vấn đề cá nhân liên quan, đảm bảo sự công tư, phân minh, giúp họ nhân danh quyền lực tối cao của pháp luật đưa ra các phán quyết công bằng, bất chấp màu da, sắc tộc, thu nhập, địa vị xã hội hay quan điểm chính trị của mỗi người.
Đặc biệt, các bộ tóc giả sẽ không được giặt hay làm sạch bởi quan điểm cho rằng bộ tóc giả càng cũ, càng đậm màu thì càng thể hiện sự dày dạn kinh nghiệm của vị thẩm phán, luật sư đó.
Tóc giả trở thành biểu tượng của luật pháp, là thứ tối quan trọng, đặc biệt tại các phiên tòa hình sự. Việc luật sư không đội tóc giả được xem như hành động thể hiện sự xúc phạm với những người tham dự phiên tòa.
Tóc giả dành cho luật sư thường xoăn, dày ở giữa, ngắn ở hai bên còn tóc dành cho thẩm phán thường xoăn, dày đều và dài đến ngang vai. Ảnh: The Guardian. |
Tới thế kỷ 18, dưới thời hoàng đế Charles III, tóc giả không còn là xu thế thời trang đại chúng. Tuy nhiên, giới tư pháp tại Anh, châu Âu cùng những nước sử dụng hệ thống pháp luật chung vẫn xem nó như một phần quan trọng trong văn hóa và trang phục tòa án của mình.
Tới thế kỷ 20 và 21, tóc giả hầu như không còn được sử dụng. Hiện chỉ còn Anh cùng một số quốc gia, lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh sử dụng tóc giả nhằm mục đích lễ nghi.
Đối với các phiên tòa thường ngày, luật sư và thẩm phán vẫn thường sử dụng tóc giả, song được rút gọn, làm ngắn hơn những bộ tóc giả truyền thống nhằm tạo sự thoải mái. Tóc giả dành cho luật sư được cắt ngắn, để lộ một phần trán và tóc phía trước.