1. Tháp nghiêng Pisa ở Italy được xây dựng trong khoảng thời gian bao lâu?
Tháp nghiêng Pisa vốn là tháp chuông của nhà thờ Pisa, thuộc thành phố Pisa ở vùng Tuscany, miền Trung Italy. Tháng 8/1173, tháp bắt đầu được xây dựng. Tuy nhiên, qua nhiều lần gián đoạn vì chiến tranh, nợ nần... đến khoảng 200 năm sau, tức những năm 70 cuối thế kỷ 14, tháp mới được tuyên bố "hoàn thành". Ngày nay, tháp nghiêng Pisa là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất ở Italy, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Ảnh: @glutenfreeandglam. |
2. Ai là tác giả thiết kế công trình tháp nghiêng Pisa?
Đến nay, tác giả thiết kế công trình tháp nghiêng Pisa vẫn còn là một bí ẩn. Người ta chưa thể khẳng định chính xác điều này vì hồ sơ, tư liệu xây dựng ban đầu của tháp khá ít ỏi. Tuy vậy, một vài kiến trúc sư đã được ghi nhận có tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng tháp qua các giai đoạn là Bonanno Pisano, Giovanni de Simone, Tommaso Pisano... Ảnh: @aperturesamateur. |
3. Theo ước tính, tháp nghiêng Pisa nặng khoảng bao nhiêu tấn?
Tháp nghiêng Pisa gồm 8 tầng, cao gần 60 m, đường kính ngoài chân đế hơn 15 m. Vật liệu xây dựng công trình chủ yếu là đá cẩm thạch trắng. Người ta ước tính tháp nặng khoảng 14.500 tấn. Ảnh: @aperturesamateur. |
4. Vì sao tháp nghiêng Pisa lại... nghiêng?
Ban đầu, thiết kế của tháp Pisa vốn thẳng đứng. Sau 5 năm kể từ ngày bắt đầu xây dựng, trong giai đoạn hoàn thành tầng thứ 3, người ta dần nhận ra tháp đang bị nghiêng. Vùng đất nơi tháp nghiêng Pisa tọa lạc nằm giữa 2 con sông Arno và Serchio. Hỗn hợp đất ở đây dày đặc cát, đất sét và vỏ sò, do đó khá mềm, không ổn định để chịu tải nặng. Kết quả là nền móng tháp dần lún, cấu trúc tháp nghiêng nhiều về một phía. Ảnh: @seona_o3o. |
5. Tháp Pisa chủ yếu nghiêng về hướng nào?
Tháp Pisa chủ yếu nghiêng về hướng nam. Trong lịch sử, người ta đã có nhiều biện pháp để chặn sự nghiêng của tháp, ví dụ như xây một số tầng trên dần nghiêng về hướng bắc ngược lại. Những năm 1990, tháp lệch khỏi trục vuông góc vượt hơn 5 độ, tức đến mức báo động đổ sập. Các chuyên gia buộc đóng cửa công trình để nỗ lực "cứu tháp". Bằng những biện pháp hiệu quả như gia cố đất nền, buộc cáp... tháp nghiêng Pisa được bảo đảm "an toàn" khoảng 200 năm nữa và mở cửa đón khách trở lại, dù tháp vẫn tiếp tục nghiêng. Ảnh: @doubletts. |
6. Quảng trường Vương cung Thánh đường (Piazza del Duomo) ở Pisa, Italy được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm nào?
Năm 1987, UNESCO công nhận Quảng trường Vương cung Thánh đường (Piazza del Duomo) ở Pisa, Italy là di sản thế giới. Nhóm di tích nổi tiếng này gồm 4 kiệt tác kiến trúc thời Trung cổ là nhà thờ, nhà rửa tội, nghĩa trang và tháp chuông, tức tháp nghiêng Pisa nhiều người vẫn quen gọi. Đây là các công trình đã có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật kiến trúc kỳ vĩ ở Italy từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14. Ảnh: @gabriron200. |
7. Ở Việt Nam, bạn có thể đến công viên những kỳ quan thế giới tại tỉnh nào sau đây để check-in với phiên bản thu nhỏ của tháp nghiêng Pisa?
Nếu muốn check-in "sống ảo" với tháp nghiêng Pisa ngay tại Việt Nam, bạn có thể đến công viên những kỳ quan thế giới thu nhỏ Cát Tường Phú Sinh ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cách TP.HCM chừng 30 km. Ngoài tháp nghiêng Pisa của Italy, nơi đây còn có các công trình nổi tiếng thế giới khác như tháp Eiffel (Pháp), tượng Nữ thần Tự do (Mỹ), nhà hát Sydney (Australia)... Bên cạnh đó, khu du lịch Thung lũng Tình yêu ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng mang lại trải nghiệm thú vị này. Ảnh: @lidamen1996. |