"Giày thể thao đã vượt qua chức năng chính của nó để trở thành niềm khao khát trên lĩnh vực thời trang và thương mại", The Conversation mở đầu bài viết.
Cụ thể, thống kê của Statista cho thấy thị trường giày thể thao trên toàn thế giới từ năm 2020 đến năm 2026 được định giá khoảng 79 tỷ USD. Nó được dự báo đạt giá trị 119,5 tỷ USD vào năm 2026. Với mức tăng trưởng khổng lồ, không có gì ngạc nhiên khi giày thể thao được coi như ngành kinh doanh lớn.
Con số này cho thấy những bước tiến của ngành công nghiệp sneakers.
Cuộc triển lãm mới tại Bảo tàng Thiết kế của London (Anh) đã khám phá cách giày trở thành biểu tượng văn hóa không thể tranh cãi.
Yếu tố tăng trưởng
Những năm gần đây, nhu cầu toàn cầu về giày thể thao tăng lên đáng kể. Điều này có thể là kết quả của sự nhận thức về sức khỏe người tiêu dùng được nâng cao. Họ muốn tìm sản phẩm thích hợp cho hoạt động thể chất như chạy, đi bộ hay luyện tập các môn thể thao...
Giá giày dép trung bình tại Mỹ là 58 USD. Song con số này phụ thuộc nhiều vào thương hiệu sản xuất nó.
Nike, adidas, Puma là các thương hiệu lớn nhất trên thị trường giày thể thao toàn cầu. Vào năm 2020, Nike đã tạo ra 24 tỷ USD doanh số từ việc bán giày dép, nhiều hơn cả Puma và adidas cộng lại.
Theo khảo sát, một nửa số người được hỏi đều sở hữu sản phẩm từ Nike, bất kể mức thu nhập của họ. Ảnh: Man of Many. |
Sự thoải mái
The Conversation cho rằng sự thống trị liên tục của xu hướng athleisure đã có tác động đáng kể đến doanh số ngày càng tăng của giày thể thao cùng với việc theo đuổi sự thoải mái.
Athleisure là thuật ngữ dùng để chỉ phong cách thời trang mang tính ứng dụng cao. Người trải nghiệm có thể vận dụng trang phục dành cho hoạt động thể thao vào những bộ đồ mặc hàng ngày.
Thời gian dịch bệnh xảy ra khiến mọi người ưu tiên hơn nữa sự thoải mái, dẫn đến việc tăng doanh số bán hàng của quần áo và giày thể thao.
Như vậy, sneakers đã bước ra khỏi thị trường ngách, trở thành món đồ thời trang được thèm muốn. Giày dép hiện là danh mục bán chạy nhất trên thị trường hàng xa xỉ trực tuyến. Trong đó, giày thể thao có sự đóng góp đáng kể.
Các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Balenciaga đang thiết lập tiêu chuẩn đối với thị trường sneakers cao cấp. Năm 2017, đôi Balenciaga Triple S trở thành mẫu giày bán chạy nhất trên thị trường giày sneakers xa xỉ. Thậm chí, nhiều đôi giày giả mạo xuất hiện tràn lan với giá tiền khác nhau.
Giày Gucci, Balenciaga được coi là tiêu chuẩn cho sneakers cao cấp. Ảnh: Highsnobiety, Sohu. |
Quá trình "tiến hóa" của giày thể thao
Những đôi giày thể thao đầu tiên được tạo ra bởi Công ty Cao su Liverpool, do John Boyd Dunlop thành lập vào những năm 1830. Ông là nhà cải tiến, khám phá ra cách dính vải canvas vào đế cao su.
Những thập kỷ sau của thế kỷ 19 là thời kỳ tiến bộ công nghiệp. Mọi người nhiệt tình theo đuổi các bộ môn thể thao, đặc biệt là quần vợt. Điều này dẫn đến nhu cầu về loại giày chuyên dụng hơn.
Đế cao su của Dunlop có thể đáp ứng được yêu cầu này. Ông đã tung ra mẫu Green Flash mang tính biểu tượng vào năm 1929, được diện bởi huyền thoại quần vợt Fred Perry tại Wimbledon.
Giày thể thao quan trọng khác của thế kỷ 20 bao gồm Converse All Stars, được thiết kế cho hoạt động bóng rổ. Tuy nhiên, adidas và Nike đã định hình sự phát triển của sneakers từ thể thao sang phong cách.
Converse All Stars ban đầu được thiết kế là giày bóng rổ. Ảnh: Fabian Novella. |
adidas được thành lập bởi Adi Dassler ở Đức vào năm 1924 với tên Gebrüder Dassler Schuhfabrik. Năm 1949, công ty đổi thành tên thường gọi như bây giờ. Thương hiệu đã tạo ra mẫu giày chạy đầu tiên với đế da hoàn chỉnh và gai được rèn bằng tay.
Nike được tạo ra bởi Bill Bowerman và Phil Knight vào năm 1964 với tên gọi Blue Ribbon Sports. Công ty trở thành Nike Inc. vào năm 1971. Thiết kế thương mại đầu tiên của hãng là Cortez. Nó được Tom Hanks diện trong phim Forrest Gump, đảm bảo vị thế văn hóa của thương hiệu.
Thương mại hóa
Nghiên cứu từ nhà xã hội học uniya Kawamura về giày thể thao xác định ba làn sóng của hiện tượng này.
Làn sóng đầu tiên vào những năm 1970 được xác định bởi nền văn hóa sneakers ngầm và sự xuất hiện của hip hop. Đôi adidas Samba trở thành một phần quan trọng của văn hóa người hâm mộ bóng đá.
Năm 1986, Run-DMC phát hành bài hát My adidas. Từ đó, nhóm đạt được thỏa thuận tài trợ với thương hiệu. Điều này đã củng cố vị trí "gốc rễ" của giày thể thao trong văn hóa đại chúng.
Với sức hút cùng cơn "thèm khát" của các tín đồ, Dior x Air Jordan 1 High OG được bán lại với giá cao gấp 6-7 lần so với con số nhà sản xuất đưa ra. Ảnh: Selfridges. |
Làn sóng thứ hai bắt đầu vào năm 1984 với sự ra mắt của Nike Air Jordan. Giày thể thao lúc này được coi là vật phẩm địa vị. Nó được thúc đẩy thông qua sự chứng thực của người nổi tiếng.
Cuối cùng, thời đại kỹ thuật số đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ trong tiếp thị giày thể thao và văn hóa bán lại.
Thị trường bán lại giày toàn cầu được định giá 6 tỷ USD vào năm 2019. Nó được dự báo trị giá 30 tỷ USD vào năm 2030. Các mẫu giày có giá bán lẻ khoảng 130-240 USD được bán lại với con số hàng nghìn USD. Thị trường béo bở này tạo ra trào lưu mới cho những người đam mê giày thể thao.
Sự xuất hiện của "đầu giày" - những người sưu tập và kinh doanh sneakers - đã đảm bảo vị thế nổi tiếng của các thiết kế.
Nhiều thương hiệu thường xuyên phát hành những phiên bản giới hạn gắn liền với người nổi tiếng, ngôi sao hip hop hoặc vận động viên. Số lượng có hạn, đối tượng hợp tác là những yếu tố khiến cho giày được thèm muốn nhiều hơn.
Độ khan hiếm, di sản... của thiết kế là những yếu tố thu hút sự quan tâm của các tín đồ thời trang. Ảnh: Sole Collector. |