Sáng 30/10, HĐXX phiên phúc thẩm vụ án VN Pharma buôn lậu, làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan tổ chức, đã tuyên huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại. Phiên toà kéo dài hơn dự kiến 3 ngày với hàng loạt tình tiết cho thấy cần phải điều tra lại, nhiều bằng chứng bị “bỏ quên” trong quá trình tố tụng.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo tội buôn lậu thuốc H-Capita là không xác đáng. Những chứng cứ trong hồ sơ và lời khai tại toà cho thấy có dấu hiệu của tội làm giả thuốc chữa bệnh.
Nguyễn Minh Hùng đã thông qua Võ Mạnh Cường mua thuốc do Helix Canada cung cấp để đấu thầu tại các bệnh viện. Để thực hiện trót lọt vụ mua bán này, Hùng, Cường và nhiều nhân viên đã làm giả một loạt giấy tờ, từ giấy chứng nhận của Bộ Y tế Canada đến hồ sơ kỹ thuật thuốc.
H-Capita là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được sản xuất gia công, thử nghiệm đảm bảo yêu cầu. Bản thân bị cáo Cường đều không biết thuốc được sản xuất ở đâu. Bộ Y tế thẩm định thuốc ko rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Từ những chứng cứ này, căn cứ Luật Dược, các quy định về hàng giả, HĐXX cho rằng cần phải đánh giá toàn diện, ý chí của các bị cáo là buôn bán hàng giả thuốc chữa bệnh. "Việc xét xử các bị cáo về hành vi buôn lậu là chưa phản ánh toàn diện bản chất vụ án, động cơ mục đích của các bị cáo, ảnh hưởng xã hội của hành vi phạm tội này", HĐXX nhận định.
Nguyễn Minh Hùng ôm ngực nghe HĐXX tuyên án sáng 30/10. Ảnh: Tùng Tin. |
HĐXX nhận định kết luận giám định của Bộ Y tế là quan trọng trong vụ án. Tuy nhiên, Hội đồng giám định của bộ do chính những người tham gia cấp phép cho lô thuốc H-Capita thì cần phải xem xét. Bởi lẽ, việc cấp phép này được đánh giá là có nhiều thiếu sót. Do vậy, theo HĐXX, việc trưng cầu giám định lại lô thuốc trên tại 1 cơ quan khác là hoàn toàn cần thiết.
Ngoài ra, HĐXX cho rằng đã có đủ cơ sở để nhận định các bị cáo nhận thức được việc làm con dấu giả, giấy tờ giả. Do vậy, việc cấp sơ thẩm không điều tra, làm rõ hành vi này của bị cáo Hùng, Cường, Nhật, Quốc, Loan, Phương là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. HĐXX cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của hàng loạt người liên quan tại công ty VN Pharma.
"Sai phạm của Cục Quản lý Dược là nghiêm trọng"
HĐXX nhận định để VN Pharma nhập khẩu số lượng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam bằng hàng loạt giấy tờ giả, hồ sơ kỹ thuật giả, có nội dung mâu thuẫn... xuất phát từ việc làm tắc trách và thiếu trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).
Không chỉ riêng với H-Capita, mà theo chứng cứ thu thập được trước đó, bằng thủ đoạn tương tự, các bị cáo đã nhập khẩu thuốc và được Cục Quản lý Dược cấp phép. Cho đến khi vụ án bị khởi tố, Cục Quản lý Dược mới thu hồi số đăng ký lưu hành.
HĐXX cũng chỉ ra hàng loạt mâu thuẫn trong quy định của Bộ Y tế với phần xét hỏi các nhân viên của bộ này trước toà. Qua xét hỏi công khai tại phiên toà, HĐXX nhận thấy về quy trình thủ tục cấp phép H-Capita của Hội đồng thẩm định Bộ Y tế có nhiều biểu hiện thiếu sót.
Khi được hỏi việc truy xuất nguồn gốc và sự tồn tại của Helix Canada có phải là bắt buộc không, ông Đỗ Trung Hưng (Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) nói bắt buộc. Tuy nhiên, theo HĐXX, chứng cứ trong hồ sơ và tại phiên phúc thẩm thể hiện quá trình cấp phép H-Capita, cục đã không thực hiện việc này.
"Điều này dẫn tới, toàn bộ tài liệu giả mạo của VN Pharma đã không bị phát hiện và xử lý. Ở đây xác định là sai phạm nghiêm trọng", HĐXX nhận định.
Bị cáo Hùng và Cường bị áp giải về trại tạm giam. Ảnh: Tùng Tin. |
Phần các chuyên gia thẩm định, có 3 thành viên không ghi ý kiến, không ký tên. Chính đại diện Cục quản lý Dược khẳng định rằng theo quy định của Bộ Y tế nếu thành viên trong hội đồng không ký tên vào biên bản thì phải nêu rõ lý do. Chính vì vậy để xác định tính hợp pháp của quá trình giám định, cần phải tiến hành điều tra lấy lời khai của ba chuyên gia này.
Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu của VN Pharma ở Cục Quản lý Dược thể hiện, Austin Hong Kong đã hết giấy phép làm việc và đang làm đơn xin gia hạn. Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý Dược khai tại toà phúc thẩm rằng theo quy định doanh nghiệp phải có đăng ký cấp phép tại Việt Nam. Theo quy định này, Cục quản lý Dược không thể không biết giấy phép của Austin đã hết hạn. Chính vì lẽ đó Cục cho phép nhập khẩu là trái quy định.
Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị phải làm rõ tính pháp lý của giấy phép mà Bộ Y tế cấp cho công ty Helix Canada. Người ký trên giấy phép này cũng là người cấp phép cho lô thuốc H-Capita không ai khác chính là Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.
Tuy nhiên, trong suốt 5 ngày diễn ra phiên toà và cả phiên họp báo bất ngờ của Bộ Y tế, Thứ trưởng Cường chưa hề ra mặt để phát ngôn. Trong khi đó, qua các kênh phát ngôn của bộ, ông Cường nói không nhận được giấy mời đích danh của toà nên không đến tham dự phiên xét xử.
Làm rõ cán bộ nào của Bộ Y tế giúp sức cho VN Pharma
Quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKS theo tôi là hoàn toàn phù hợp.
Thứ nhất, việc xem xét tội danh thì mấu chốt phải giám định lại cụ thể chất thuốc là gì để không bỏ lọt người, lọt tội nhưng cũng không oan sai người vô tội. Nếu xác định không phải thuốc giả mà là thuốc kém chất lượng, thì đó lại là câu chuyện khác. Còn về việc có phạm tội Buôn lậu hay không, phải xem xét vai trò của các bị cáo này có hành vi cố tình làm giả những giấy tờ đó hay không.
Thứ 2, cần xem xét vai trò của Cục Quản lý Dược. Trong vụ án này, giám định và cấp giấy phép đều do Cục Quản lý Dược cấp; vì vậy, cần điều tra xem ai đứng đằng sau, liệu có sân sau hay không trọng vụ án này.
Thứ 3, làm rõ trách nhiệm, vai trò của những ai đang giúp sức cho VN Pharma. Cụ thể là những cán bộ nào trong Bộ Y tế.
Luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn luật sư TP.HCM)
Huỷ bản án sơ thẩm là cần thiết
Còn quá nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Cụ thể là về nguồn tiền, số tiền 157 tỷ các bị cáo không chứng minh được nguồn gốc của nó. Số tiền này có phải là tiền nhập thuốc từ lúc mới thành lập cho tới trước khi xét xử ngoài lô thuốc H-Capita 5,3 tỷ hay không; hay còn các loại thuốc khác mà các bị cáo hưởng lợi, nâng khống để đưa người nghèo vào cửa tử.
Đồng thời, cần xem xét lại số tiền 7,5 tỷ chi hoa hồng mà các bị cáo đã khai, có nằm vào hành vi đưa hối lộ hay không và ai là người nhận số tiền này. Do vậy, quyết định hủy án của Tòa cấp cao là có căn cứ và cần thiết.
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Diễn tiến vụ án VN Pharma. Đồ họa: Minh Trí. |