Hình xăm ngày càng phổ biến những vẫn là điều cấm kỵ ở Trung Quốc. |
"Hành vi của tôi đã xâm phạm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ vị thành niên. Tôi nhận thức sâu sắc về những sai lầm của mình", một thợ xăm ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đưa ra lời xin lỗi hồi tháng 9/2022, theo CNN.
Người đàn ông thừa nhận đã xăm cho 43 trẻ vị thành niên, trở thành một trong những người đầu tiên bị buộc tội theo luật giới hạn độ tuổi có hiệu lực vào tháng 6 năm ngoái.
Luật mới cấm mọi người khuyến khích, xúi giục người dưới 18 tuổi xăm mình. Đây chỉ một trong rất nhiều quy định, chính sách hạn chế hình xăm ở quốc gia Đông Á.
Những lệnh cấm
Năm 2017, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc ra quy định việc hiển thị hình xăm trong các chương trình phát trực tiếp hoặc những clip được đăng lên mạng xã hội là bất hợp pháp.
Một năm sau, cơ quan quản lý truyền thông của Trung Quốc ra phán quyết rằng các đài truyền hình "không được phát sóng hình ảnh diễn viên có hình xăm".
Gần đây hơn, các cầu thủ bóng đá đại diện cho Trung Quốc đã bị cấm xăm mình và các cơ quan quản lý thể thao yêu cầu những người có hình xăm nghệ thuật phải xóa hoặc che đi để làm "tấm gương tốt cho xã hội".
Nhiều cơ quan thuộc khu vực công tuyên bố những người có hình xăm không đủ điều kiện đảm nhận một số vai trò nhất định, bao gồm cảnh sát, lính cứu hỏa và thậm chí cả nhân viên thu phí đường cao tốc.
Một số ngành nghề ở Trung Quốc yêu cầu lao động không xăm mình. |
Năm 2020, các quan chức ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc đã ra lệnh cho các tài xế taxi xóa "hình xăm lớn" với lý do chúng "có thể khiến phụ nữ, trẻ em và những hành khách khác cảm thấy khó chịu".
Định kiến xung quanh hình xăm một phần bắt nguồn từ mối liên hệ của chúng với các loại tội phạm. Thời xa xưa, hình xăm được sử dụng để đánh dấu trên mặt các phạm nhân.
Gareth Davey, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sư phạm Vân Nam, Trung Quốc, người nghiên cứu về văn hóa xăm mình của nước này, giải thích rằng sự kỳ thị cũng bắt nguồn từ các giá trị Nho giáo.
"Trong Nho giáo, việc giữ gìn làn da và cơ thể được thừa hưởng từ cha mẹ là một chuẩn mực của lòng hiếu thảo, được coi là cần thiết cho một xã hội văn minh, trong khi xăm mình biểu thị một tập tục thiếu văn minh và không tuân thủ các bổn phận gia đình", ông Davey cho biết.
Ông nói thêm rằng việc xăm mình bị kỳ thị ở Trung Quốc nhiều hơn so với phương Tây vì "mọi người coi trọng việc làm những gì tốt nhất cho xã hội và thực hiện nghĩa vụ trong các mối quan hệ".
Thể hiện bản thân
Theo Chen Jie, người mở tiệm xăm ở Bắc Kinh vào năm 2005, bất chấp các lệnh cấm, ngày nay nhiều người trẻ tuổi muốn xăm mình.
Trước đây, khách hàng của Chen chủ yếu là nam giới, nhưng bây giờ cô nhận thấy ngày càng có nhiều phụ nữ tìm đến tiệm xăm của mình.
"Xã hội Trung Quốc đang trở nên cởi mở hơn. Mọi người từng liên kết hình xăm với côn đồ và băng đảng, nhưng giờ đây nó đã trở thành một nét văn hóa gắn liền với sự sành điệu, cá tính".
Các tác phẩm của thợ xăm Chen Jie ở Bắc Kinh. |
Chen được coi là người tiên phong cho phong cách xăm "màu nước", được lấy cảm hứng từ những bức tranh bằng cọ truyền thống. Sử dụng màu sắc tinh tế và kỹ thuật đổ bóng, cô thường khắc họa các cảnh sắc trong thiên nhiên thường xuất hiện trên tác phẩm nghệ thuật cổ xưa như tre, sếu, non nước.
Những người khác lựa chọn thẩm mỹ đương đại hơn, như Victoria Lee, người đã trở thành nghệ sĩ xăm mình ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật và Thiết kế nổi tiếng thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.
Theo đuổi phong cách photorealistic, Lee thường xăm những bức chân dung chi tiết từ người thân, thú cưng của khách hàng cho đến các ngôi sao nhạc pop và nhân vật lịch sử.
Zhao Xiang, nhà nghiên cứu tại Đại học Orebro của Thụy Điển, cho biết giới trẻ ngày nay có nhiều khả năng xem xăm mình như một hình thức thể hiện bản thân. "Mọi người muốn thấy sự đa dạng và cá tính hơn. Họ thích tinh thần cá nhân hơn là tập thể".
Mơ hồ về mặt pháp lý
Không có hệ thống cấp phép chính thức cho các nghệ sĩ xăm mình ở Trung Quốc. Vì vậy, ngành xăm tồn tại trong "khu vực màu xám", không rõ ràng về mặt pháp lý. Nghệ sĩ xăm mình hoạt động mà không có sự giám sát về vấn đề an toàn, vệ sinh.
Song Jiayin, người sở hữu một tiệm xăm toàn nữ ở Bắc Kinh, miêu tả đó là tình thế nửa vời.
Khi mở tiệm xăm vào năm 2016, Song nhận thấy hơn 70% khách hàng của mình là nữ. Cô bắt đầu một dự án mang tên "1.000 cô gái", nhằm kể câu chuyện của 1.000 khách hàng nữ và hình xăm của họ.
Hình xăm sợi dây xích của Song Jiayin. |
Trong dự án, Song từng xăm hình tử cung cho một phụ nữ phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung với lý do y tế.
Bản thân Song có một hình xăm dây xích trên cánh tay để tỏ lòng kính trọng đối với một bà mẹ 8 con người Trung Quốc, được tìm thấy ở vùng nông thôn với sợi xích quanh cổ. Sự việc liên quan đến bạo hành gia đình gây phẫn nộ ở Trung Quốc vào năm ngoái.
Các nghệ sĩ xăm mình ở Trung Quốc phải đối mặt với những vấn đề pháp lý tương tự tại Hàn Quốc và Nhật Bản, những nơi có các quy định khắt khe với việc xăm mình.
Tuy nhiên, ủy ban y tế quốc gia của Trung Quốc đã tuyên bố vào năm 2009 rằng xăm mình không phải là quy trình thẩm mỹ y tế, nhưng đồng thời Bộ Thương mại của nước này cũng nói rằng các hoạt động xâm lấn da không thuộc lĩnh vực làm đẹp.
Zhao của Đại học Orebro cho biết: "Không ai rõ liệu xăm mình thuộc quy định pháp lý của ngành làm đẹp hay ngành y tế. Nếu xem xét kỹ các luật và quy định, bạn có thể không dám xăm mình, bởi vì nếu vướng vào một số tranh chấp pháp lý, bạn không biết tìm tới đâu để đòi quyền lợi cho mình".
Lý do khiến chúng ta thích tích trữ sách
Bất chấp sự ra đời của sách nói và sách điện tử, sách bìa cứng và bìa mềm vẫn tiếp tục tràn ngập thị trường dành cho những độc giả thích giao diện sách giấy. Trọng lượng khi cầm trên tay và cảm giác được lật giờ từng trang khiến họ thích thú. Với những người yêu sách, việc phải vứt bỏ một cuốn là chuyện đau lòng, dù họ đã đọc xong và biết rằng không bao giờ lật ra một lần nào nữa, theo Washington Post.