Tối 12/4, dự án nhạc kịch HOPE của Nguyễn Phi Phi Anh và "đồng bọn" khép lại với đêm diễn thứ 35 – The sound of HOPE – đêm diễn cuối cùng. Khán phòng tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace không còn một chỗ trống.
Trong không gian ấm cúng, không ít khuôn mặt thân quen, những người đã xem cả Đêm hè sau cuối, Góc phố Danh Vọng và Mộng ước không xa vời. HOPE gọi họ là “người đã ở bên chúng tôi đến phút cuối cùng”. Còn với họ, HOPE như là thanh xuân còn đây với 6 tháng ngọt ngào kỷ niệm.
Quá khứ thành bản mashup ngọt ngào
Trước khi đến với The sound of HOPE, nhiều khán giả nghĩ rằng họ sẽ được thưởng thức buổi biểu diễn tổng hợp các trích đoạn trong 3 vở nhạc kịch của Nguyễn Phi Phi Anh. Và như vậy, đêm diễn cuối cùng giống như một chương trình tri ân, để tìm lại quá khứ và sống với ký ức.
Nhưng PPAN, một người từng thắng thắn rằng “Tôi rất dị” hẳn sẽ không đơn giản để công chúng dễ dàng tường tận. Cách đặt để tình huống, sắp xếp bài hát, bố trí nhân vật trong The sound of HOPE khiến ngay cả những người đã đồng hành “đến phút cuối cùng” vẫn phải bất ngờ.
Đốc-tờ Dung của Mộng ước không xa vời gặp Flint của Góc phố Danh Vọng. Ảnh: VA. |
Nhân vật Màu Hồng từ Mộng ước không xa vời vô tư xuất hiện trong trích đoạn của Đêm hè sau cuối, vẫn với tư cách một người em bé nhỏ, mang lại tiếng cười dí dỏm trong cuộc đối thoại với Thiện.
Hoặc như, Roxanne và Flint từ Góc phố Danh Vọng lạc bước vào Viện An dưỡng của Đốc-tờ Dung với lý do ai dám bảo là vô lý: Roxanne bị ngất và cần được bác sĩ, y tá cứu giúp. Tất nhiên, cách chữa bệnh cũng thật hão huyền: nhảy múa và ca hát.
Bà Hoài Bão, nhân vật gây tranh cãi của Mộng ước không xa vời bỗng dưng trở thành bạn của bà Thìn ở Đêm hè sau cuối. Và do vậy Mina chẳng cần về thêm một mốc thời gian để tìm hiểu cuộc hôn nhân của bà Hoài Bão. Cô và Ken chỉ cần làm một cử chỉ - alo cho bà Tỵ “thám tử” - bạn thân của bà Thìn - để giải đáp thắc mắc “Ai đã giết bà Hoài Bão?”
Bà Tỵ không đưa ra đáp án vì cho rằng Thanh Bình, Màu Hồng chẳng liên quan gì đến Hoài Bão. Nhưng đứa cháu của bà Tỵ thì khiến người xem “ưng cái bụng” với câu đáp “chắc như đinh đóng cột”: “Mình thích thì mình chết thôi”. Quả đúng, ai có thể giết được Hoài Bão nếu không phải Hoài Bão tự giết mình.
The sound of HOPE là đêm diễn hội tụ những gì tinh túy, hấp dẫn và ấn tượng nhất của Đêm hè sau cuối, Góc phố Danh Vọng và Mộng ước không xa vời. 3 vở diễn khác nhau nhưng khi được mashup lại, người xem thấy dễ hiểu, hấp dẫn. Và The sound of HOPE thậm chí có thể đứng như một tác phẩm độc lập.
Đêm hè sau cuối có thể bị chê là lê thê, Góc phố Danh Vọng có thể bị cho là nhạt, Mộng ước không xa vời có thể bị nhận xét là khó hiểu. Nhưng khi Nguyễn Phi Phi Anh buộc phải cắt bỏ và tinh lọc từ 3 thành 1, đêm diễn trở nên gãy gọn, cô đọng và cuốn hút một cách bất ngờ.
Người thưởng thức đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, vừa nín thở hồi hộp và cười sảng khoái cùng bà Tỵ, vừa đắm chìm trong chuyện tình tay ba rực rỡ Rudolph - Roxanne - Flint. Nhưng vẫn không mất đi những phỏng đoán, mơ mộng, hão huyền trong diễn biến mới của đại dịch H-O-Hô.
Sân khấu The sound of HOPE tiếp tục được thiết kế lớp lang, cao thấp. Ảnh: VA. |
Không ít khán giả thắc mắc tại sao Nguyễn Phi Phi Anh làm được điều đó. Câu trả lời là 3 trong 1, và cũng là 1 trong 3. Cả 3 vở nhạc kịch đều có bóng dáng của PPAN trong đó mà như chính nam đạo diễn từng chia sẻ:
“Tôi vốn không phải là người giỏi tưởng tượng, do vậy, tôi chỉ viết những gì mình biết, trông thấy đâu đấy hoặc gắn liền với cá nhân thôi”. Và “Tôi luôn có cảm giác, mỗi đêm diễn là một lần mình bị bóc tách”.
Biến “gót chân Achilles” thành điểm nhấn
Không khó để nhận thấy The sound of HOPE là đêm diễn thượng tôn cảm xúc và âm nhạc. Nguyễn Phi Phi Anh không thiên về kể lể, dẫn giải tình huống kịch. Thay vào đó, nam đạo diễn sẵn sàng cắt đi nhiều chi tiết kịch mấu chốt để âm nhạc có đất diễn.
Cảm xúc của khán giả cũng được đẩy đến cao trào nhờ âm nhạc. Âm nhạc trở thành cánh đồng màu mỡ, đại dương bao la để Nguyễn Phi Phi Anh khai triển những dụng ý ngọt ngào. Những ca khúc quen thuộc của Barbra Streisand, Beyonce, Kelly Clarkson, Lady Gaga,… với lời Việt do PPAN soạn khiến tai nghe của công chúng không khỏi thích thú, "mãn nhĩ".
Đặc biệt, nam đạo diễn kiêm tác giả kịch bản còn chủ tâm "cài cắm" một giai điệu Việt Cô gái mở đường với bản phối hoàn toàn mới lạ, hiện đại, trẻ trung khiến không ít người hân hoan, cười tủm đến cười sảng khoái. Cảm xúc đó, y hệt như khi chúng ta vô tình gặp một người Việt Nam trong lúc đang đi du lịch ở nước ngoài.
Nguyễn Phi Phi Anh có phong cách của riêng mình trong nhạc kịch. Đạo diễn sinh năm 1991 tự sáng tạo kịch bản, tự xây dựng và thiết kế một sân khấu lớp lang cùng đội kiến tạo. Tất cả những thứ đó thuộc sở hữu của PPAN, nhưng vẫn có một thứ anh phải vay mượn, đó là âm nhạc.
Âm nhạc như “gót chân Achilles” của Nguyễn Phi Phi Anh. Tác giả trẻ từng thổ lộ thật lòng rằng âm nhạc cũng là điều anh thiếu tự tin nhất. Nhưng mặc lòng, khi âm nhạc trở thành điểm nhấn, The sound of HOPE vẫn chinh phục khán giả hoàn toàn.
Với đêm diễn cuối cùng, dường như tất cả người xem đều có sự đồng cảm với PPAN. Và như anh từng chia sẻ với người viết “Nếu ai đó thích âm nhạc của tôi, chắc vì họ đồng cảm. Còn nếu ai không đồng cảm, họ sẽ có cái nhìn công tâm hơn”.
Khán giả đồng loạt đừng dậy cùng nhún nhảy với các diễn viên, vũ công. Ảnh: GH. |
22h45, khán phòng L'Espace vang dội trong tiếng vỗ tay của khán giả. Tất cả đồng loạt đứng dậy nhún nhảy, dàn nghệ sĩ trẻ ùa ra sân khấu. Giai điệu của Teenage Dream và The Edge of Glory vang lên như khúc vĩ thanh thật đẹp, vừa mộng mơ, lãng mạn như mối tình chớm nở, vừa lưu luyến, tiếc nuối như thời thanh xuân chưa qua.
Trong phút thăng hoa của cả diễn viên, nhạc công và khán giả, Nguyễn Phi Phi Anh vẫn không xuất hiện để nói đôi lời với công chúng của mình. Chỉ khi tất cả hô vang “Nguyễn Phi Phi Anh”, cùng tràng pháo tay vang dội, nam đạo diễn mới từ ô cửa nhỏ tầng 2 L'Espace, cúi người vẫy tay chào, miệng mỉm cười, ánh mắt long lanh mộng mơ, hạnh phúc.