Bộ phim kể về cuộc đối đầu giữa nhân dân làng cát của một xã ven biển Gio Linh, do chị Dịu (Trà Giang) lãnh đạo, chống lại quân đội Việt Nam Cộng Hòa, do tên chỉ huy Trần Sùng (Lâm Tới) cầm đầu, ở bờ Nam của sông Bến Hải, ngay giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền đất nước.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã tô đậm thêm bản anh hùng ca của dân tộc bằng ngôn ngữ điện ảnh với những đại cảnh hoành tráng lẫn số phận của những con người nhỏ bé, ở cả hai phía chính diện và phản diện.
Sau 45 năm, bộ phim vẫn gây kinh ngạc về nghệ thuật dàn dựng công phu của đạo diễn Hải Ninh lẫn màn hóa thân tuyệt vời của 2 diễn viên, hai tượng đài của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Đó là Trà Giang và Lâm Tới.
Nhiều tài liệu ghi lại rằng kịch bản của bộ phim được nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh viết trong suốt 5 năm, dựa theo một nguyên mẫu có thật ở làng cát Gio Linh, Bến Hải của tỉnh Quảng Trị.
Kịch bản của Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được đạo diễn Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ viết trong 5 năm. |
Hai ông đã nhiều lần đạp xe đạp từ Hà Nội vào Quảng Trị để gặp gỡ các nhân vật có thật, chỉnh sửa kịch bản để tái hiện một cách chân thật nhất không khí của cuộc kháng chiến chống lại sự đàn áp của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và quân đội Mỹ ở đây.
Nghệ sĩ Trà Giang cũng vào đất thép Vĩnh Linh để gặp nguyên mẫu nhân vật chị Dịu mà bà đóng trong phim, lắng nghe và khóc cùng những mất mát hi sinh của chị, để rồi tái hiện một cách sinh động và xuất sắc hình tượng người phụ nữ có thật này trong phim.
Không khí sục sôi thời cách mạng
Từ Chị Tư Hậu (1963) đến Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Trà Giang đã có một bước tiến dài về diễn xuất và trở thành tượng đài của điện ảnh cách mạng Việt Nam trong thời chống Mỹ.
Bà cũng là diễn viên đầu tiên của Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế danh giá về diễn xuất khi được Liên hoan phim quốc tế Moscow (Nga) năm 1973 trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhờ vai diễn trong bộ phim này.
Do thời lượng, bố cục và chất liệu đặc sắc, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm được chia làm 2 tập. Tập đầu, bộ phim chủ yếu mô tả cuộc sống của bà con làng cát ở bờ Nam của con sông Bến Hải, phía bên kia của giới tuyến tạm thời.
Chị Dịu có chồng tập kết ra Bắc, đang mang thai đứa con đầu lòng nhưng vẫn đi theo cách mạng, vận động bà con tham gia kháng chiến. Ở vùng vĩ tuyến chỉ cách nhau một con sông mà đi theo hai chiến tuyến đó, hầu hết các gia đình trong làng chị đều có người thân đi theo hai chế độ khác nhau.
Trần Sùng từng là một đứa trẻ mồ côi khi mới sinh ra, được những người mẹ trong làng cho sữa nuôi nấng khôn lớn thành người. Nhưng lớn lên, hắn lại trở thành sĩ quan Cộng Hòa và trở về làng để bắt bớ, đàn áp những người theo cộng sản.
Chị Dịu và Trần Sùng, từ hai người bạn thời thơ ấu, trở thành hai kẻ đối đầu ở hai chiến tuyến, hai kẻ thù của nhau, mặc dù Trần Sùng đem lòng yêu chị Dịu. Thuyết phục không được chị Dịu và những bà con trong làng theo cách mạng, Trần Sùng, với chức vụ đồn trưởng đồn cảnh sát Cộng Hòa đã thẳng tay đàn áp, bố ráp dân làng, thậm chí cả những người mẹ nghèo đã từng nuôi hắn khôn lớn.
Không chỉ đốt những ngôi nhà tranh vách đất, Trần Sùng còn ra lệnh thiêu sống Ba Thuận, bí thư chi bộ của xã. Chị Dịu đã đứng lên thay thế chức vụ đó, tập hợp chị em phụ nữ, bà con trong làng làm cách mạng. Không thuyết phục lẫn đe dọa được chị Dịu, Trần Sùng ra lệnh nhốt chị vào tù và tra tấn dã man, trong lúc chị đang mang thai đứa con đầu lòng...
Bộ phim đoạt giải đặc biệt của Hội đồng Hòa bình Thế giới tại LHP Moscow năm 1973. |
90 phút của tập 1 Vĩ tuyến 17 ngày và đêm tái hiện không khí sục sôi của một làng cát nghèo ven biển trước sự đàn áp dã man của Trần Sùng và quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đạo diễn Hải Ninh đặc biệt thành công trong việc tạo dựng không khí và cảm xúc trong từng phân cảnh cũng như từng câu thoại thể hiện tinh thần quật khởi của những người dân nghèo đi theo cách mạng.
Ba Thuận, bí thư chi bộ của xã, trước sự đe dọa của Trần Sùng, đã trả lời đanh thép rằng: “Tao quỳ nửa đời người rồi, đã đứng lên được là không quỳ xuống nữa.” Ngay cả khi bị thiêu sống, ông vẫn hét lên động viên bà con: “Đừng kêu khóc trước mắt kẻ thù. Trong chiến tranh, việc sinh tử là lẽ thường tình”.
Bà mẹ nuôi của Trần Sùng, người mà hắn vẫn còn một chút tình thương vì công dưỡng dục, trước sự đàn áp tàn bạo của hắn đối với đồng bào trong làng, đã đứng trước mặt hắn, xé toang tấm áo rách của một người phụ nữ nghèo, để lộ hai bầu vú nhăn nheo.
Bà nói với hắn: “Mẹ mày chết đi khi vừa mới sinh ra mày. Không có sữa của những bà mẹ nghèo trong cái làng này, mày sống và lớn lên bằng gì?”. Đó là một vài phân cảnh gây ấn tượng mạnh mẽ trong suốt bộ phim với nhịp điệu căng thẳng, sự dồn nén của cảm xúc và những cao trào chực chờ được phá vỡ.
Dáng dấp của một thiên sử thi bi tráng
Tập 2 của bộ phim tiếp tục mạch phim sôi sục của phần 1. Chị Dịu ra tù, đưa con cho một người phụ nữ trong làng nuôi để chuyên tâm vào phong trào cách mạng. Trần Sùng, sau vết thương bị một người lính cộng sản chém vào mặt, trở lại làng cát một lần nữa, với nhiệm vụ cao hơn.
Đó là tiêu diệt đến tận gốc những kẻ đi theo cộng sản và phong trào cách mạng trong dân chúng. Cuộc đối đầu giữa chị Dịu và Trần Sùng ngày một khốc liệt và dữ dội hơn...
Trà Giang với vai chị Dịu là người có nhiều phân cảnh đặc sắc nhất, đặc biệt là những cảnh chị bị tra tấn trong tù mà vẫn cúi gập người để bảo vệ cho bào thai trong bụng, cảnh chị phải sinh con giữa nền đất lạnh không một manh chiếu hay mảnh vải lót...
Hay ở tập 2, khi đứa con của chị bị bắn và được giải cứu, chị ôm con chạy trong đêm, bơi qua sông Bến Hải để giao con cho chồng rồi tiếp tục quay trở lại làm cách mạng. Những sắc thái đòi hỏi phải thể hiện cảm xúc mãnh liệt nhưng không được bi lụy đó đã được Trà Giang hóa thân trọn vẹn, đặc biệt là khả năng tiết chế cảm xúc và đôi mắt như có lửa.
Trong khi đó, Trần Sùng của Lâm Tới gây ấn tượng về một nhân vật phản diện đặc sắc, một kẻ vừa tàn ác vừa có học. Hắn phụng sự cho lý tưởng của mình, thẳng tay đàn áp đồng bào của mình và tìm mọi cách để tiêu diệt phong trào cộng sản trong dân chúng.
Nghệ sĩ Trà Giang gây ấn tượng mạnh với vai chị Dịu. |
Hắn vừa là một kẻ tàn ác, không run sợ trước tội ác. Kẻ luôn tâm niệm “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, không để thêm một tên cộng sản con ra đời” lại là người thích lý luận, theo đuổi hiện sinh chủ nghĩa, thể hiện trong cuộc đối đầu giữa hắn với đồn trưởng Công an Nhân dân Việt Nam: “Tổ quốc chỉ là một tấm bản đồ trừu tượng. Thắng hay thua chỉ là công việc của bọn lái súng hay bọn đánh thuê kia”.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm phần nào giống Chung một dòng sông, bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Cả hai đều chọn con sông Bến Hải và bà con nhân dân ở hai bờ giới tuyến bị ngăn cách Nam Bắc sau hiệp định Geneve 1954 làm đề tài xuyên suốt.
Nhưng nếu Chung một dòng sông (1959) vẫn còn nhiều sự sơ khai, non nớt của điện ảnh cách mạng buổi đầu thì Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã biến đề tài này thành một tác phẩm điện ảnh vừa khốc liệt vừa bi tráng, mang dáng dấp của một thiên sử thi của nghệ thuật thứ 7.
Hãng phim Truyện Việt Nam. 2h57’ (2 tập)
Đạo diễn: Hải Ninh
Kịch bản: Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ
Quay phim: Nguyễn Xuân Châu
Âm nhạc: Hoàng Vân
Diễn viên: Trà Giang, Lâm Tới, Hồ Thái, Đoàn Dũng
Giải thưởng: Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP Moscow năm 1973 cho Trà Giang. Giải đặc biệt của Hội đồng Hòa bình Thế giới tại LHP Moscow cùng năm.