Câu 1: Vị vua nào "Trống dời canh còn đọc sách / Chiều xế bóng chửa thôi chầu"?
Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Lê Thánh Tông là vị vua thứ 5 của nhà Hậu Lê. Không chỉ được đánh giá là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà, Lê Thánh Tông còn nổi tiếng là người có tinh thần hiếu học hiếm có. Đức tính ham học đã theo ông đi suốt cuộc đời. Ngay cả khi lên ngôi, phải lo toan nhiều vấn đề quốc gia đại sự, nhà vua vẫn không ngừng học, giống như câu thơ do chính ông viết: "Trống dời canh còn đọc sách / Chiều xế bóng chửa thôi chầu". |
Câu 2: Sách sử nào từng viết Lê Thánh Tông “thực là bậc thông minh, xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước”?
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” nhận xét rằng vua có “thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước”. |
Câu 3: Để khuyến khích học tập, vị vua này đã thành lập...?
Theo sách "Những người thầy trong sử Việt", vua Lê Thánh Tông rất coi trọng sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Chính ông cho mở Nhà thái học để lấy chỗ cho sĩ tử học tập, lập Bí thư các để chứa sách. Ông cho tổ chức các khoa thi để tuyển chọn người tài cho đất nước. |
Câu 4: Ông từng để lại tập thơ nổi tiếng nào?
Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", tập thơ Hồng Đức quốc âm thi tập gồm 300 bài, do vua và các tác giả khác để lại, đã phản ánh nhiều mặt của cuộc sống xã hội. Đây là tác phẩm có giá trị rất lớn đối với lịch sử Việt Nam thời bấy giờ và các giai đoạn về sau. |
Câu 5: Danh nhân nào được vua Lê Thánh Tông minh oan?
Theo sách "Việt sử giai thoại" năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã làm việc có ý nghĩa lớn lao là minh oan cho Nguyễn Trãi. Sau đó, ông ra lệnh cho sưu tầm lại những sách vở, tác phẩm của Nguyễn Trãi. Đây là một trong những đóng góp nổi bật của nhà vua đối với nền văn hóa nước nhà. |
Câu 6. Vua Lê Thánh Tông đã làm gì để diệt trừ tham nhũng?
Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", để diệt trừ nạn tham nhũng trong nước, vua thường xuyên đi vi hành để tìm hiểu đời sống nhân dân; chỉ sử dụng người thực tài, gạt bỏ xu nịnh; ban hành luật pháp để trừng trị quan lại tham nhũng, đục khoét của công. Trong một lần vi hành, vua gặp tên trộm là Quận Gió, thường trộm của quan tham chia cho dân nghèo. Biết được tin này, vua không trách phạt, còn ban thưởng cho tên trộm khét tiếng. Nhờ vụ án này, vua phát hiện viên quan triều đình đã ăn trộm quốc khố làm của riêng. |
Câu 7. Vị trạng nguyên rất được vua Lê Thánh Tông trọng dụng?
Dưới thời Lê Thánh Tông, những quan thanh liêm, thực sự phục vụ cho dân như Vũ Kiệt, Lương Thế Vinh… đều rất được trọng dụng. Khi biết tin Lương Thế Vinh đột ngột qua đời năm 1496, vua bật khóc, làm thơ than khóc Trạng Lường, trong đó có 2 câu kết: "Khuất ngón tay than tài cái thế / Lấy ai làm Trạng nước Nam ta". |
Câu 8. Vua Lê Thánh Tông có tên húy là...?
Theo sách "Lịch triều hiến chương loại chí", Lê Thánh Tông (1442-1497) có tên húy Lê Tư Thành. Ông cùng thái tổ Lý Công Uẩn của triều Lý là 2 vị vua tuổi Tuất trong sử Việt. Ông trị vì đất nước trong hơn 37 năm (1460-1497), được đánh giá là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. |