Trong chưa đầy một tháng, YouTuber Nguyễn Văn Hưng (Hưng Vlog) đã bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt tổng cộng 17,5 triệu đồng vì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục và vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Tự chế pháo nổ, cho xe máy nổ hất văng nước để gội đầu, thử thách em trai nhảy xuống hố cát sâu đến ngực, luộc cá lóc với sinh tố dưa hấu.
Điểm chung của các clip do Hưng sản xuất đều bị đánh giá là nhảm nhí, vô bổ, tạp nham. Không chỉ Hưng, các thành viên khác trong gia đình YouTuber này hay chủ sở hữu các kênh Lâm Vlog, Thắng Cá Chép, Dương Ka, NTN Vlogs đều từng nghĩ ra nhiều chiêu trò để quay clip câu view.
Việc các video như vậy tồn tại trong thời gian dài làm dấy lên quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực của chúng lên nhận thức người xem, nhất là khi phần đông lượt view Hưng Vlog có được đến từ thế hệ trẻ.
Không đem lại nội dung gì giá trị, các clip chơi khăm, nhảm nhí còn gây tác dụng ngược, khiến người xem có cái nhìn và hành động lệch lạc. Ảnh: YouTube. |
Clip nhảm khiến nhận thức lệch lạc
Theo Mike Noon, giáo sư ngành Quản lý Nhân lực tại Đại học Queen Mary (London, Anh), những thông tin, hình ảnh, sự việc tiếp cận thường xuyên ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người đón nhận nó.
Giống như đồ ăn, thức uống, thông tin là thứ dung nạp vào trí óc mỗi ngày.
“Khi nghe hoặc nhìn thấy các thông tin tiêu cực về một chủ đề cụ thể, chúng ta có thể bị lung lay nhận thức và thay đổi suy nghĩ, tuân theo chuẩn mực mới, dựa trên hành vi được coi là xã hội chấp nhận. Nhưng không phải mọi thông tin đều là chính xác”, Frank Schneider, tác giả của cuốn Applied Social Psychology (tạm dịch: Tâm lý xã hội ứng dụng), chỉ ra.
Theo Renee Navarro, tiến sĩ đến từ Đại học California, San Francisco (Mỹ), việc thường xuyên xem các hành vi chơi khăm, đập phá, gây hại đi sâu vào nhận thức của người xem, gây ra khuynh hướng vô thức.
Một khi nội dung nhảm nhí lặp đi lặp lại nhiều lần, nó sẽ trở nên bình thường, tệ hơn là thú vị, đáng học hỏi trong mắt người xem.
Nguyễn Văn Hưng bị nhiều người dùng mạng chỉ trích khi quay vlog “troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi”. Ảnh: YouTube. |
Nói với Zing, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đánh giá người trẻ nhìn vào các YouTuber nhảm nhí sẽ nghĩ đây là cách thức kiếm tiền dễ dàng, lại vừa có danh tiếng.
Dưới ảnh hưởng của mạng xã hội, tâm lý thích chơi trội, chưa đủ nhận thức, không hiếm người theo dõi trẻ tuổi cảm thấy thôi thúc đi theo con đường tương tự.
Theo ông Long, những nhà sản xuất nội dung như Hưng Vlog trở thành hình mẫu xấu cho giới trẻ, khiến cuộc sống lệch chuẩn.
“Dưới góc độ tâm lý, người xem theo dõi nhiều các kênh này xuất phát từ tính tò mò với những gì lạ, giật gân, mang tính giải trí cao”, thạc sĩ Đinh Hồng Anh, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từng chia sẻ với Zing.
Lý giải cho điều này, các nhà khoa học cho hay các sự kiện tiêu cực có tác động đến não bộ của chúng ta mạnh hơn những thứ tích cực.
Năm 2015, nghiên cứu từ Đại học Nottingham (Anh) chỉ ra rằng nhóm học sinh nữ ở độ tuổi 13-15 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những hình ảnh tuyên truyền việc sử dụng thuốc lá và uống rượu bia trong các video ca nhạc trên Youtube.
Kết quả được chỉ ra dựa trên phân tích 32 video ca nhạc được nhiều người yêu thích nhất trong khoảng thời gian 12 tuần. Hơn một nửa trong số chúng được gắn mác dành cho thanh thiếu niên nhưng số lượng hình ảnh hiển thị rượu và thuốc lá lại tràn ngập.
Tiến sĩ Jo Cranwell, nhà tâm lí học đến từ Đại học Nottingham đánh giá những hình ảnh xấu mà lớp trẻ thường xuyên thấy trên mạng sẽ làm hư tâm hồn chúng một cách nhanh chóng.
"Thanh thiếu niên đang trong giai đoạn trưởng thành không chỉ nhìn vào tấm gương trong gia đình hay bạn bè. Họ mở rộng sự học hỏi ra một xã hội rộng lớn hơn và đặc biệt quan tâm đến những nhân vật nổi tiếng trên mạng".
Hiệu ứng bắt chước
Nhà báo Chris Stokel-Walker cũng từng nêu quan điểm với Zing rằng khi khán giả click vào video nhảm, họ sẽ chỉ góp phần làm dày thêm túi tiền của những YouTuber mà không hề để tâm đến hậu quả chúng có thể gây ra.
Rất nhiều người ban đầu tìm đến các video trên mạng nhằm mục đích giải trí, song dần “sa lầy” và đi theo cái sai. Sau quá trình “tiêu thụ” nội dung nhảm nhí, độc hại trong thời gian dài, điều dễ nhận thấy là người xem có hành vi bắt chước, học theo.
Ngày 29/11/2019, một bé 7 tuổi ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM hôn mê sau khi thắt cổ theo video trên YouTube.
Không phải gặp chuyện buồn nghĩ quẩn, lý do cháu bé làm vậy là “hay xem những trò ma, ảo thuật trên YouTube và người dẫn hướng dẫn cách thắt cổ xong vẫn thở, vẫn sống được nên làm theo”.
Video thả 100 con dao từ trên cao xuống của NTN Vlogs chỉ bị tắt kiếm tiền và giới hạn độ tuổi sau khi đạt 2 triệu lượt xem. |
Cùng tháng 11 năm ngoái, kênh YouTube 8 triệu đăng ký NTN Vlogs của Nguyễn Thành Nam đăng tải video có tiêu đề “Thả 100 cái dao trên cao xuống”. Sau một ngày, video này nhận được hơn 1 triệu lượt xem.
Nhiều người biện hộ rằng NTN Vlogs thả 100 con dao vào miếng thịt, không thả vào người, trẻ con sẽ không học theo trò nguy hiểm đó.
Thế nhưng, đa phần người dùng cho rằng hành động của NTN Vlogs có thể thôi thúc trí tò mò của trẻ con và thanh thiếu niên, khiến chúng làm theo mà không lường trước được nguy hiểm.
Và không chỉ trẻ em, ngay cả người lớn cũng có thể học theo những thứ không hay trên mạng. Nhiều cha mẹ từng đăng tải video họ chơi khăm con mình với phản ứng thích thú mà không quan tâm đến cảm xúc của đứa trẻ.
Cặp vợ chồng Ahmed và Zeinab Hassan (Ai Cập) bị bắt giữ vào tháng trước vì tội ngược đãi con cái. Ngày 5/9, Ahmed đăng tải video quay cảnh mình và vợ chơi khăm con gái nhỏ tuổi tên Eileen.
Trong video, người mẹ nhuộm tóc, pha sơn nâu, đen rồi bôi kín mặt và dùng vẻ ngoài này để dọa con gái, còn người chồng Ahmed cầm máy quay, ghi lại phản ứng của cô bé. Dù Eileen liên tục khóc, la hét vì sợ hãi song hai vị phụ huynh không chịu dừng lại. Zeinab còn cười khoái chí khi thấy con gái hoảng sợ trước vẻ ngoài xa lạ của mẹ mình.
"Gạn đục khơi trong"
Cả chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long và thạc sĩ Đinh Hồng Anh đều đồng tình rằng trước thực trạng YouTube và nhiều nền tảng mạng xã hội khác trở thành một nồi lẩu thập cẩm, “vàng thau lẫn lộn”, người xem hơn bao giờ hết cần khôn ngoan, tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin.
Bộ lọc thông tin có chức năng vô cùng quan trọng, giúp mỗi người “gạn đục khơi trong” vô số tin tức, sự việc chúng ta đón nhận mỗi ngày.
Những video chơi khăm, nhằm mục đích câu like, câu view bị nhiều khán giả đánh giá là rẻ tiền, không đem lại giá trị gì. Đồ họa: Duy Nguyễn |
Với các video nhảm, cách đơn giản nhất là ngừng xem. Phương án này sẽ giúp những sản phẩm rẻ tiền không còn chỗ tồn tại, biến mất trên mạng xã hội và không ai còn phải tiếp cận chúng nữa.
Với chức năng như một người gác cổng, khán giả có quyền lựa chọn xem tiếp hay ngừng theo dõi, không ủng hộ, tẩy chay bất cứ ai vì hành vi không phù hợp.
“Trong thế giới như YouTube, người dùng thực sự có thể xóa sổ ai đó bằng cách từ chối cho họ thời gian và sức lực. Không làm điều đó có nghĩa bạn chọn cách che chở, dung dưỡng họ”, cây viết Scaachi Koul của trang BuzzFeed bày tỏ.
Theo tiến sĩ Donald J.Ford, người từng làm việc hơn 20 năm trong ngành phát triển nhân lực tại Mỹ, thông tin “tiêu thụ” mỗi ngày sẽ tích tụ theo thời gian và góp phần hình thành nhận thức, tư duy, mức độ hiểu biết của mỗi người ở hiện tại.
Việc chọn tiếp nhận hay từ chối cái gì là điều ai cũng phải cân nhắc bởi chúng trực tiếp ảnh hưởng đến hành động, cuộc sống và các mối quan hệ xung quanh.