Nhưng chia sẻ nhau trong công việc, học hỏi, tìm hiểu nâng cao kiến thức, tích lũy các kinh nghiệm khác trong môi trường làm việc, theo tôi, là việc cần làm.
Không phủ nhận trong môi trường làm việc chuyên nghiệp thì việc của ai nấy làm, nhưng cũng không vì lẽ đó mà biến con người thành những cỗ máy vô tri!
Tôi nhớ sáng hôm ấy là lễ tổng kết và phát thưởng một cuộc thi thể thao. Trong khi một vài nhân viên ban tổ chức chạy đôn chạy đáo lo đủ thứ chuyện thì một vài nhân viên khác ngồi... chém gió. Hỏi sao không phụ một tay thì họ thản nhiên phần việc của họ đã hoàn thành. Tôi gợi ý chuyện bề bộn cũng nên phụ nhau, đồng nghiệp mà và câu trả lời là “trước đó họ có phụ việc của tôi đâu”.
Một lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm làm việc với sinh viên. |
Có lẽ đó không phải là cách làm hay ở bất kỳ cuộc sống, xã hội, thời đại nào.
Tôi có hai đứa cháu cùng đi học nghề thợ máy. Ở xưởng thì ngoài thợ máy còn có thợ hàn, thợ tiện, thợ đồng, thợ sơn... Một đứa khư khư cái nghề của mình, còn một đứa cứ rảnh là la cà phụ việc, học hỏi mấy nghề kia. Tất nhiên là khi xin việc thì ai cũng thích nhận thợ máy mà lại thành thục hàn điện, hàn gió đá và có kiến thức, hiểu biết các ngành nghề liên quan. Và cũng nhờ sự tháo vát đó mà chủ “thăng chức” lên làm xưởng trưởng, quản lý đội xe gần trăm chiếc.
Thực tế cuộc sống hiện nay tôi thấy có nhiều người rất chi li trong công việc, thay vì có thể gánh luôn việc gì đó cho xong việc thì họ lại nấn ná chờ vì... không phải việc của mình. Tất nhiên không ai đòi hỏi phải lao vào những công việc đặc thù, đòi hỏi tay nghề, chuyên môn. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là sự thờ ơ, lạnh lùng, sự hẹp hòi, ích kỷ, lối sống cá nhân, vô tư, vô cảm... mà có người lại cho đó là cách sống văn minh, hiện đại.
Tóm lại, theo tôi, dù là việc của ai cũng có thể ra tay giúp nếu cần, nếu cảm thấy việc ra tay sẽ tốt hơn cho mọi người, cho bản thân mình.
Để mọi người cùng gánh vác công việc chung
Theo tôi, quan trọng nhất là người đứng đầu đừng quá ôm việc, tin cấp dưới, mạnh dạn giao việc rồi đứng sang một bên kín đáo dõi theo, nhân viên mình làm tốt, đúng hướng thì hãy để họ chủ động. Lúc họ gặp khó khăn lãnh đạo mới xuất hiện, trợ giúp kịp thời. Nếu họ thất bại, lãnh đạo mạnh dạn nhận trách nhiệm về mình, tuyệt đối không bày tỏ thái độ theo kiểu “tốt là của lãnh đạo, xấu là do anh em bên dưới năng lực kém quá”.
Lãnh đạo còn phải biết chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên trong cơ quan. Nhiều hay ít chưa nói đến nhưng phải công bằng, có tấm lòng yêu thương, tế nhị, tôn trọng, sâu sắc.