Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Viêm mủ, nhiễm tụ cầu vàng sau khi tiêm filler nâng ngực

Sau tiêm filler một tháng, người phụ nữ 31 tuổi bị sưng tức ngực hai bên, sốt, kèm đau đớn. Các bác sĩ phát hiện trong ngực bệnh nhân có nhiều ổ viêm mủ, dẫn đến đa áp-xe.

Mới đây, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận bệnh nhân nữ N. (31 tuổi, trú tại Bắc Giang) trong tình trạng ngực trái có khối chắc, ranh giới không rõ, sưng nóng, đỏ, đau.

Bệnh nhân cho biết cách đây một tháng sau khi nghe thông tin quảng cáo trên mạng xã hội đã đến spa với mong muốn cải thiện vòng 1. Chị N. trả tiền cho spa 6 triệu đồng để dùng sóng xung kích làm tăng thể tích ngực.

Tuy nhiên, trong quá trình làm, chủ spa lại cho rằng tình trạng ngực của bệnh nhân cần dịch vụ sóng xung kích cao cấp hơn và yêu cầu đóng 20 triệu đồng. Bệnh nhân có thể trả sau, trả góp. Sau đó, chị N. bị spa bịt mắt, tiêm chất làm đầy không rõ loại, số lượng và cấy chỉ vào ngực.

Ngày hôm sau, người phụ nữ thấy đau ngực, khó thở, nổi ban đỏ toàn thân, vào cấp cứu tại bệnh viện ở Bắc Giang. Sau 3 ngày ra viện, chị quay lại spa tiêm tan, rút chỉ. Bệnh nhân lại bị phát ban, đau ngực phải vào viện. Người phụ nữ được dùng kháng sinh chống viêm kéo dài gần một tháng.

Sau đó, ngực trái của chị N. vẫn bị đau tức ngực kéo dài. Bệnh nhân quyết định đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm khám.

Qua kiểm tra và làm xét nghiệm, các bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch vú trái ra 40 cc dịch vàng đục ở trong và dưới tuyến vú. Thủ thuật được tiến hành thuận lợi và xử trí triệt để. Sau khi hút dịch ra khỏi vú trái, kết quả phát hiện vi khuẩn tụ cầu vàng trong chất dịch lấy từ ngực bệnh nhân.

tiem filler nang nguc anh 1

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật chích rạch ổ áp-xe vú của bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Phương Lan, khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, cho biết chất tiêm vào không có bản chất rõ ràng, không được Bộ Y tế hay FDA cấp phép, không rõ tiêm vào vị trí nào và số lượng ra sao. Vì vậy, phẫu thuật chỉ giải quyết được khối tổ chức dịch rõ ràng trên MRI và lâm sàng.

Bệnh nhân có thể còn những chất làm đầy trong nhu mô tuyến tiềm tàng chưa gây viêm và hoại tử. Do đó, chị H. vẫn còn các nguy cơ viêm tấy, áp-xe vú, viêm xơ về sau.

"Rất nhiều trường hợp viêm tấy, áp-xe tuyến vú do tiêm chất lạ vào nhiều lần sau 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm. Họ phải phẫu thuật nhiều lần, gây tàn phá cho nhu mô tuyến vú, thậm chí cắt toàn bộ nhu mô tuyến vú", bác sĩ Lan nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Lan, gần đây, đơn vị này liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp gặp biến chứng do tiêm filler qua những quảng cáo trên mạng xã hội như tiêm sóng xung kích, tiêm mỡ tự thân tăng vòng một ở các spa, cơ sở thẩm mỹ… Đây đều là những thông tin quảng cáo, không được kiểm chứng.

Khi thực hiện tại một số cơ sở làm đẹp, quá trình vô trùng khi tiêm không tốt hoặc tay nghề của người tiêm non yếu, dẫn đến hệ lụy vùng ngực bị hoại tử nặng. Thậm chí, bệnh nhân phải cắt bỏ toàn bộ ngực để giữ tính mạng.

Do đó, để đảm bảo an toàn, trước khi thực hiện, bác sĩ Lan khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về phương pháp làm, cơ sở thực hiện, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật…

Nếu muốn thay đổi kích thước vòng một cũng như cải thiện những khuyết điểm, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thăm khám trực tiếp.

Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.

Những vấn đề về da có thể gặp phải khi mang thai

Rám má, rạn da, rậm lông hay mụn trứng cá là những thay đổi về da rất thường gặp ở phụ nữ mang thai.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm