Bệnh nhân T.N.N. (28 tuổi), đang mang thai tháng thứ 7, vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn trong tình trạng đau ở nửa bụng bên phải, đau mơ hồ không khu trú tại một điểm cố định. Khi khám bụng, các bác sĩ không loại trừ bệnh nhân bị viêm ruột thừa.
Vì đặc điểm kích thước thai khá to gây chèn ép những cơ quan xung quanh nên việc chẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn và khó xác định nguyên nhân chính xác. Các phương pháp chẩn đoán khó thể hiện được kết quả tốt nhất như siêu âm bị thai nhi che lấp. Vì vậy, các bác sĩ đã hội chẩn ngay tại khoa Cấp cứu thống nhất cho bệnh nhân chụp Cộng hưởng từ (MRI) vùng bụng để xác định bệnh. Kết quả cho thấy ruột thừa bị viêm với đường kính 10 mm, chưa bị vỡ.
Sau khi mổ ruột thừa, sức khỏe bệnh nhân và thai nhi đã ổn định. Ảnh: BVCC. |
Bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa. Sau một giờ, ca phẫu thuật đã thành công. Bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe và đã được xuất viện sau hai ngày điều trị.
ThS.BS Nguyễn Quang Luật, người tiếp nhận và phẫu thuật cho bệnh nhân chia sẻ: “Viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai là bệnh thường gặp. Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai lớn (3 tháng cuối thai kỳ) bị viêm ruột thừa lại ít gặp và rất khó chẩn đoán, vì khi đó tử cung to, đẩy ruột thừa ra khỏi vị trí thường gặp nên chẩn đoán thường bị chậm trễ”.
Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy siêu âm bụng chẩn đoán được viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai 3 tháng cuối chỉ chiếm 3-5% trường hợp, chẩn đoán chỉ bằng cách khám lâm sàng có thể sai đến 42%. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại gần như không gây hại cho mẹ và thai nhi, giúp bác sĩ chẩn đoán được chính xác bệnh, tránh mổ nhầm và biến chứng cho mẹ và thai nhi.